Sáng kiến vì cộng đồng

27/11/2019 - 07:34

 - 2 em học sinh Dương Thị Bích Duyên (lớp 12C6) và Trần Quang Huy (lớp 11C7, Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, Phú Tân) đã hiện thực hóa ý tưởng sản xuất máy nước nóng năng lượng mặt trời, với nguyện vọng đáp ứng nhu cầu sử dụng của phần đông khách hàng có thu nhập thấp, đồng thời nâng tầm mô hình thành một sản phẩm kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế.

Sáng kiến vì cộng đồng

Sản phẩm thực tế do 3 thầy trò thực hiện

Bích Duyên cho biết, trên thị trường hiện có nhiều loại máy nước nóng, tuy nhiên các máy này có giá thành khá cao, không phù hợp với những người có thu nhập thấp. Trong khi đó, đã có người tự chế tạo máy nước nóng năng lượng mặt trời nhưng còn hạn chế là không giữ được nhiệt độ của nước trong thời gian dài. Từ thực tế trên, Bích Duyên và Quang Huy đã phối hợp thực hiện 1 thiết bị máy nước nóng mang thương hiệu của riêng mình, dưới sự hướng dẫn của giáo viên bộ môn hóa học. Bích Duyên chia sẻ: “Em mong muốn sản phẩm của mình sẽ giúp nhiều hộ gia đình có nhu cầu sử dụng nước nóng trong sinh hoạt được tiếp cận dễ dàng, với giá thành thấp. Bên cạnh đó, có thể thay thế việc sử dụng điện, tiết kiệm điện trong sinh hoạt hiệu quả hơn”. Quang Huy cho biết thêm, máy nước nóng năng lượng mặt trời Sensor được đầu tư hơn 1 triệu đồng với các tiện ích như: tự hoạt động dựa trên nguyên lý hấp thụ năng lượng mặt trời để làm nóng nước, sử dụng cảm biến nhiệt độ và van điện từ để tự động thu nước nóng xuống dự trữ ở bình bảo ôn. Như vậy, máy có thể tự làm nóng nước đến nhiệt độ mong muốn và lưu trữ lượng nước nóng đó mà không cần sự can thiệp của con người.

Để làm ra thiết bị này, thành phần được sử dụng bao gồm: thùng xốp, thùng nhựa, tấm kính chịu nhiệt, cảm biến nhiệt độ, van điện từ, ống nước, dây điện… kèm theo dụng cụ cắt, keo dán, mỏ hàn. Các công đoạn sản xuất theo trình tự như: lắp mạch điện của cảm biến nhiệt độ và van điện từ, điều chỉnh nhiệt độ theo nhu cầu sử dụng, đặt thùng nhựa có màu đen vào bên trong thùng xốp để chứa nước khi phơi, sử dụng nhôm ốp sát vào thùng xốp thứ 2 để bảo quản nhiệt độ lượng nước nóng thu được, dùng keo để dán các thiết bị với nhau, đặt tấm kính chịu nhiệt lên trên thùng phơi nước, lắp các đường ống dẫn nước lại. Sản phẩm sau khi hoàn thành sẽ gia công để tạo thêm vẻ thẩm mỹ.

Quang Huy thông tin: “Cứ 30 phút sẽ có một lượng nước nóng vào bình chứa, nên 1 ngày thu được lượng nước rất nhiều. Sản phẩm nếu đưa vào thị trường phục vụ, chúng em có thể thay đổi diện tích bình chứa tùy theo yêu cầu người sử dụng”. So sánh với các mô hình tương tự đang có, thì máy nước nóng Sensor cần nhiệt độ làm nóng nước tối đa 280C- 700C, giá thành chỉ 1,5 triệu đồng (so với sản phẩm trên thị trường giá từ 7,5 triệu đồng trở lên). Khác biệt nữa là trong khi máy nước nóng trên thị trường có kích thước tương đối lớn, chiếm nhiều diện tích, chỉ phù hợp đối với những ngôi nhà vững chắc thì máy nước nóng Sensor có kích thước gọn, nhẹ, phù hợp với tất cả kiểu nhà, bao gồm nhà cấp 4.

Giáo viên bộ môn hóa học Phan Văn Quang chia sẻ: “Từ ý tưởng của Bích Duyên và Quang Huy, tôi và các em cùng nghiên cứu thực hiện sản phẩm trong vòng 3 tháng. Theo tôi, sản phẩm này rất thiết thực đối với những hộ thu nhập thấp. Bình nước nóng nhỏ nhưng mỗi ngày có thể thu được nhiều lần, từ 50-100 lít nước dựa vào yếu tố thời tiết. Một ngày nắng khoảng 1-2 tiếng đồng hồ vẫn có nước nóng để sử dụng nhờ bình trữ. Sáng kiến của 2 em đã đạt giải nhì tại cuộc thi “Nghiên cứu khoa học kỹ thuật” cấp tỉnh, đồng thời phát triển ý tưởng đem máy nước nóng Sensor kinh doanh qua cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” do Tỉnh đoàn tổ chức và đạt giải ý tưởng sáng tạo xuất sắc”.

MỸ HẠNH