Sau Hội nghị Thượng đỉnh Hàn-Triều là thời cơ không nên bỏ lỡ

21/09/2018 - 19:01

Hội nghị Thượng đỉnh Hàn-Triều thành công là cơ hội Mỹ cần nắm bắt để thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Cuộc gặp lần thứ 3 giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã khép lại với những thành công vượt xa mong đợi và giờ là thời điểm các bên liên quan cần bắt tay vào hành động để hiện thực hóa các thỏa thuận, tuyên bố và cam kết.

Cuộc gặp Thượng đỉnh lần thứ 3 giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kết thúc thành công. Ảnh: AFP/Getty

Thiện chí của Triều Tiên và quyết tâm của Hàn Quốc đã được thể hiện rất rõ qua kỳ thượng đỉnh này, do đó Mỹ cần nắm bắt cơ hội để thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Đây chính là phản ứng nổi bật nhất từ cộng đồng quốc tế những ngày qua.

Tại cuộc họp báo ngay khi trở về Hàn Quốc sau chuyến thăm Bình Nhưỡng 3 ngày, Tổng thống Moon Jae-in khẳng định, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang mong muốn có thể sớm hoàn tất việc phi hạt nhân hóa, để tập trung vào công cuộc phát triển kinh tế của quốc gia.

“Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang hy vọng Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo có thể sớm đến thăm nước này và mong muốn có một cuộc gặp Thượng đỉnh lần thứ 2 với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong tương lai gần, để thúc đẩy quá trình phi hạt nhân hóa diễn ra nhanh chóng. Đây là một tuyên bố chính trị có thể đánh dấu một điểm khởi đầu cho các cuộc đàm phán hòa bình. Một Hiệp ước Hòa bình sẽ được ký kết sau khi Triều Tiên hoàn tất việc phi hạt nhân hóa”, Tổng thống Moon nói.

Tổng thống Hàn Quốc cũng đã lý giải “các biện pháp tương xứng” mà Nhà lãnh đạo Triều Tiên mong muốn từ Mỹ, để Bình Nhưỡng gỡ bỏ tổ hợp hạt nhân chính Yongbyon bao gồm, việc chấm dứt những chính sách thù địch và đảm bảo an toàn cho Triều Tiên. Ông Moon Jae-in nhận định, nếu điều này diễn ra thì đây là một bước đi lớn cho tiến trình phi hạt nhân hóa.

Tuy nhiên, trong phản ứng mới nhất từ Washington, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nhấn mạnh, lập trường của Washington với Bình Nhưỡng là không hề thay đổi. Bà Nauert tái khẳng định: “Không điều gì có thể xảy ra nếu như chưa có phi hạt nhân hóa”. Bất chấp việc trước đó, Tổng thống Trump và người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ đã hoan nghênh kết quả của cuộc gặp Thượng đỉnh Hàn-Triều, đồng thời kỳ vọng, việc hoàn tất phi hạt nhân hóa có thể diễn ra trước năm 2021.

Trước những diễn biến như vậy, Đặc phái viên Hàn Quốc Lee Do-hoon nhấn mạnh, các bên cần phải tận dụng “cơ hội quan trọng này” để tăng cường các nỗ lực phi hạt nhân hóa, vốn đang gặp bế tắc vì sự khác biệt giữa Mỹ và Triều Tiên trong trình tự thực hiện phi hạt nhân hóa. Ông Lee Do-hoon cho rằng, đây là cơ hội lớn không thể bỏ lỡ. Bộ Ngoại giao và Chính phủ Hàn Quốc sẽ nỗ lực hết mình trong mọi tiến trình.

Dự kiến, trong chuyến thăm Mỹ vào tuần tới, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng sẽ chuyển tới người đồng cấp nước chủ nhà Donald Trump một thông điệp “riêng” từ Nhà lãnh đạo Triều Tiên, mà ông đã từ chối tiết lộ trước báo giới.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ngày 20-9 nhấn mạnh, dù kết quả cuộc gặp Thượng đỉnh Hàn-Triều lần này là rất tích cực, song các cuộc đàm phán giữa hai bên sẽ không được coi là thành công, nếu như không có sự “thành công đồng thời” của các cuộc đàm phán Mỹ-Triều về tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo . Tổng Thư ký Guterres hy vọng, cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ tạo ra kết quả được tất cả các bên mong đợi.

Còn trên trang Web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Ngoại trưởng Vương Nghị cũng đã bày tỏ tin tưởng “cơ hội hòa bình” trên Bán đảo Triều Tiên sẽ không bị đánh mất lần nữa.

Dự kiến, trong những ngày tới, Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ tổ chức các cuộc đàm phán cấp cao để thảo luận việc thực thi những thỏa thuận đạt được trong cuộc gặp Thượng đỉnh vừa qua. Truyền thông Triều Tiên ngày 21/9 đã đăng nhiều bài xã luận, nhận định tích cực về các kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh Moon-Kim lần thứ 3, coi đây là “bước ngoặt lịch sử dẫn tới tái thống nhất” Bán đảo Triều Tiên.

Theo VOV