Sau Indonesia, đến Thái Lan cân nhắc dời thủ đô vì tắc đường và ô nhiễm

01/10/2019 - 15:20

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha có thể sẽ tiếp bước ý tưởng di dời thủ đô sang một nơi khác để đối phó với vấn đề ô nhiễm, tắc nghẽn giao thông và quá đông người dân ở Bangkok.


Tình trạng giao thông tắc nghẽn nghiêm trọng, không khí bị ô nhiễm trở thành thách thức lớn mà Chính phủ Thái Lan phải đối mặt. Ảnh: AFP

Theo báo Anh Guardian, Thái Lan có thể trở thành quốc gia tiếp theo tại Đông Nam Á di dời thủ đô sau khi Thủ tướng Prayut Chan-o-cha gợi ý phương án này có thể là một “khả năng” trong nhiệm kỳ của ông.

Đề cập đến nguồn cảm hứng từ quốc gia láng giềng Myanmar và kế hoạch tương tự đang được triển khai tại Indonesia, nhà lãnh đạo Thái Lan đề xuất việc di dời thủ đô có thể giúp Bangkok giải quyết những thách thức đô thị đang phải đối mặt. Giống với Jakarta, Bangkok quá đông dân cư, bị ô nhiễm nặng, đối mặt tình trạng nước biển dâng cao và ùn tắc giao thông nghiêm trọng.

Trong một bài phát biểu tại diễn đàn Kết nối Thái Lan với Thế giới tổ chức hôm 18-9, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã nêu ra hai phương án cho đề xuất mới. “Thứ nhất có thể tìm một thành phố không quá xa cũng như không quá tốn kém cho quá trình di dời. Thứ hai là chuyển ra ngoại ô Bangkok để giảm thiểu số lượng dân tập trung đông, cũng như làm giãn dòng chảy lưu thông phương tiện trong thành phố".

Tất nhiên, việc này đòi hỏi quá trình nghiên cứu toàn diện về các mặt kinh tế và xã hội song Thủ tướng Prayut Chan-o-cha nhấn mạnh ý tưởng này hoàn toàn có thể triển khai trong nhiệm kỳ của ông.

Đề xuất của Thủ tướng Thái Lan được đưa ra vài tuần sau khi Tổng thống Indonesia Joko Widodo thông báo nước này sẽ được chuyển từ Jakarta trên đảo Java hiện nay đến tỉnh Đông Kalimantan trên đảo Borneo. Theo nhà lãnh đạo Indonesia, kế hoạch di dời thủ đô khỏi Jakarta sẽ tiêu tốn 466.000 tỷ rupiah (32,79 tỷ USD), trong đó chính phủ sẽ cấp 19% số kinh phí, số còn lại do các đối tác trong khu vực công và tư nhân đầu tư. 

Từng là cố đô của vương quốc Sunda thời trung cổ, sau đó là thành phố cảng Batavia trong thời thực dân Hà Lan, rồi trở thành thủ đô vào thập niên 1940 khi Indonesia tuyên bố độc lập, Jakarta là thành phố lớn nhất ở Indonesia với dân số 9,6 triệu người, song vùng đô thị Jakarta có dân số gần 30 triệu người.

Do địa thế thấp, thủ đô của Indonesia đang chìm dần so với mực nước biển, trung bình 18 cm mỗi năm. Tình trạng ách tắc giao thông thường xuyên xảy ra tại Jakarta, ước tính mỗi năm gây thiệt hại kinh tế tới 7,04 tỷ USD.

Đây không phải là lần đầu tiên ý tưởng di dời thủ đô của Thái Lan được đưa ra. Trước đó, dưới thời của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, chính quyền từng gợi ý chuyển thủ đô đến Nakhon Nayok – một tỉnh cách Bangkok 100 km. Cũng có một số nghiên cứu được triển khai xem xét phương án chuyển văn phòng chính phủ đến Chachoengsao – một khu vực nông nghiệp ở phía Đông Bangkok.

Ý tưởng di dời thủ đô ngay khi công bố đã thu hút được những ý kiến trái chiều từ dư luận Thái Lan. Nhiều người bày tỏ nghi ngờ liệu kế hoạch đó có thể thành hiện thực. Báo Bangkok Post dẫn lời ông Thosaporn Sirisamphand, đang làm việc cho Hội đồng phát triển kinh tế xã hội quốc gia Thái Lan, cho biết Thủ tướng vẫn chưa yêu cầu các cơ quan nghiêm túc nghiên cứu về khả năng này.

“Việc di dời thủ đô là một vấn đề lớn và cần một sự phối hợp nghiêm túc từ các cơ quan, cơ sở. Tôi nghĩ Thủ tướng Prayut chỉ nêu ý tưởng đó như một trong các cách đối phó với nạn tắc đường tại Bangkok”.

Theo kết quả một nghiên cứu năm 2018 về các quốc gia có tình hình giao thông tệ nhất thế giới, Bangkok đứng ở vị trí thứ 8, chỉ sau Jakarta. Đứng đầu danh sách này là Mumbai (Ấn Độ).

Thgeo HỒNG HẠNH (Báo Tin tức)