"Siêu quái vật vũ trụ" có thể nuốt chửng 20 tỉ mặt trời

22/05/2018 - 14:10

Một lỗ đen to bằng 20 tỉ mặt trời cộng lại đang ngày một lớn nhanh như thổi vì liên tục nuốt chửng nhiều ngôi sao, hành tinh và các vật chất vũ trụ khác.

Lỗ đen này to và sáng đến nỗi các nhà thiên văn có thể quan sát nó khá rõ dù nó cách chúng ta đến 12 tỉ năm ánh sáng. Sử dụng một dụng cụ quan sát bầu trời tối tân, nhóm khoa học gia đến từ Đại học Quốc gia Úc (ANU) ước tính kích thước hiện tại của nó bằng 20 tỉ mặt trời của chúng ta cộng lại.

Bức ảnh ngoạn mục chụp cảnh một hố đen nhỏ hơn đang nuốt chửng một ngôi sao - ảnh: NASA

Đặc tính của lỗ đen là lực hút khổng lồ, nuốt chửng toàn bộ các vật chất gần nó cho nên lỗ đen trên được ví như một "siêu quái vật". Các nhà khoa học cho biết hiện tại cứ 2 ngày nó "ăn" hết khối lượng vật chất to bằng mặt trời và không ngừng lớn nhanh như thổi.

Quá trình "ăn uống" của một lỗ đen giải phóng nguồn năng lượng tương đương với những thứ mà nó nuốt vào. Chủ yếu năng lượng đó được giải phóng dưới dạng tia cực tím và một số ít tia X-quang lẫn vào. Do đó, đứng từ trái đất, người quan sát có thể thấy siêu quái vật vũ trụ này phát sáng mạnh gấp hàng nghìn lần các thiên hà.

"Nếu lỗ đen này xuất hiện giữa thiên hà Milky Way – nơi hệ mặt trời chứa trái đất tồn tại – bạn sẽ thấy nó xuất hiện sáng gấp 10 lần mặt trăng" - Tiến sĩ Christian Wolf, đến từ Trường Nghiên cứu Thiên văn học và Vật lý thiên văn (thuộc ANU), cho biết.

Và sau khoảnh khắc đẹp mắt đó, bạn sẽ thấy bầu trời hết sạch sao vì quái vật vũ trụ đã nuốt mất. Nếu trái đất may mắn chưa bị nuốt do ở xa vì hệ mặt trời của chúng ta nằm ở rìa ngoài của thiên hà Milky Way, thì tia X từ lỗ đen cỡ lớn nằm giữa thiên hà cũng đủ phát ra tia X-quang mạnh đến nỗi khiến mọi sự sống không thể tồn tại.

Vì vậy, khoảng cách 12 tỉ năm ánh sáng dường như là tin vui của chúng ta. Theo nhóm nghiên cứu, những lỗ đen to và phát triển nhanh như siêu quái vật này là cực kỳ hiếm. Các phát hiện mới cho họ thêm nhiều dữ liệu để tìm hiểu về sự hình thành các nguyên tố trong vũ trụ sau vụ nổ Big Bang.

Theo Người lao động