Sinh viên làm thêm mùa Tết

08/02/2018 - 07:39

 - Nhiều người cho rằng, sinh viên (SV) nên về nhà sớm để phụ giúp việc nhà và sum họp, đón Tết cùng gia đình. Tuy nhiên, dịp Tết Nguyên đán, nhiều bạn trẻ, nhất là SV tranh thủ khoảng thời gian này để làm thêm. Nhiều công việc được các bạn trẻ lựa chọn như: bán hàng, phục vụ, giữ xe, bảo vệ…

Tết là thời điểm buôn bán đắt nhất trong năm, nên không ít nhà hàng, quán cà-phê, cửa hàng thời trang chấp nhận trả lương gấp 2-3 lần để tìm người làm.

Dạo quanh các tuyến đường nội ô TP. Long Xuyên, khá nhiều cửa hàng thời trang treo bảng tuyển dụng nhân viên làm thời vụ dịp Tết.

Ngoài ra, thông tin tuyển dụng việc làm mùa Tết xuất hiện khá nhiều trên các trang mạng xã hội. Phục vụ bàn, bán hàng thuê, bảo vệ, dọn dẹp nhà cửa, vận chuyển hàng hóa… là những công việc thời vụ được tuyển dụng nhiều nhất vào dịp Tết.

Với thời gian làm việc linh hoạt, theo ca, mức lương hấp dẫn, các bạn SV không quá khó để tìm một công việc phù hợp.

Nhiều SV chọn việc bán shop quần áo, giầy dép để kiếm thêm thu nhập

Nhiều SV chọn việc bán shop quần áo, giầy dép để kiếm thêm thu nhập

Phục vụ quán cà-phê là công việc được nhiều SV lựa chọn. Bởi công việc tương đối nhẹ nhàng, linh hoạt về thời gian, đặc biệt mức lương khá cao.

Lê Kim Anh (SV năm 2, Khoa Sư phạm, Trường Đại học An Giang) chia sẻ: “Em vừa thi xong học kỳ I nên thời gian khá rảnh. Lịch học rơi vào buổi chiều nên em tranh thủ đi làm phục vụ tại quán cà-phê vào buổi sáng và tối. Với mức lương 10.000 đồng/giờ, tính ra nếu làm đủ tháng cũng gần 3 triệu đồng. Bắt đầu từ ngày 26 Tết, chủ quán tăng lương lên 20.000 đồng/giờ, em định về quê trễ vài ngày để đi làm. Nếu chăm chỉ làm việc từ giờ đến 30 Tết, mình cũng có một khoản kha khá về quê, mua quà cho các em cũng như gửi cha mẹ ít tiền xài Tết”.

Sinh viên Nguyễn Công Trình lặt lá mai

Sinh viên Nguyễn Công Trình lặt lá mai

Dù lịch học khá phức tạp, ngày này học buổi sáng, ngày kia học buổi chiều nhưng bạn Mai Thu Thảo, SV năm nhất Khoa Kinh tế (Trường Đại học An Giang) vẫn tranh thủ buổi tối và cuối tuần bán hàng tại thời trang giày dép ở chợ Mỹ Xuyên (TP. Long Xuyên). Giáp Tết, do khách đông nên Thảo khá vất vả trong việc bán hàng nhưng được tiếp xúc với nhiều người, đi làm vừa có tiền, vừa vui.

Thảo chia sẻ: “Thấy tụi em cực quá nên chủ đã hứa thưởng và tặng quà Tết. Do nhà ở huyện Châu Thành nên em tính ở lại làm đến hết ngày 30 Tết, rồi về quê để kịp đón giao thừa cùng gia đình. Mặc dù về quê trễ nhưng em kiếm thêm chút tiền mua quà Tết cho gia đình, còn lại để dành đóng tiền học”.

Hầu hết các bạn trẻ dù cả năm đi học xa nhà vẫn chấp nhận về nhà ăn Tết trễ hoặc thậm chí không về nghỉ Tết để làm thêm. Bởi khoảng thời gian này, các bạn làm thêm với thu nhập gấp đôi, gấp ba ngày thường sẽ phần nào san sẻ gánh nặng với cha mẹ.

“Tết đến, ai cũng muốn về quê sum vầy bên gia đình. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên em dành thời gian cuối năm để đi làm thêm. Hiện tại, ngoài việc nhận phục vụ các đám tiệc, với mức thu nhập từ 160.000-200.000 đồng/ngày, em còn tranh thủ làm thêm việc dọn dẹp nhà cửa, lặt lá mai để kiếm thêm thu nhập” - Nguyễn Công Trình (SV năm cuối ngành Trồng trọt, Trường đại học An Giang) chia sẻ.

Xác định năm nay sẽ không ăn Tết cùng với gia đình, Nguyễn Văn Nam (SV năm 3, Trường Đại học An Giang), quê Đồng Tháp đã tranh thủ về nhà thăm gia đình trước Tết, rồi quay lại làm những ngày Tết, để kiếm tiền trang trải chi phí học hành cho năm sau.

“Có chút chạnh lòng khi không được quây quần bên gia đình trong những ngày Tết, nhưng hoàn cảnh khó khăn, nên em chịu khó đi làm để kiếm tiền đóng học phí, nhà trọ, đỡ phần nào gánh nặng cho cha mẹ. Khi ra trường, có việc làm ổn định chắc chắn em sẽ ở bên ba mẹ mỗi khi Tết đến”.

Mong muốn kiếm tiền trong dịp Tết là hành động thiết thực với một số bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn, tuy nhiên, nên cẩn thận và đề phòng trước những lời mời chào “có cánh” để tránh những trường hợp đáng tiếc.

Bài, ảnh: TRUNG HIẾU