Sóc Trăng đề xuất xây cảng biển nước sâu 6 tỷ USD

13/03/2018 - 08:24

Nhà đầu tư ILDC đề xuất đầu tư khu phức hợp cảng biển nước sâu Mekong ILDC với tổng mức đầu tư khoảng 6 tỷ USD.

A A

Đó là một trong những thông tin được ông Trần Văn Chuyện - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ GTVT về quy hoạch và kêu gọi đầu tư cảng biển nước sâu Trần Đề.

Cũng theo ông Chuyện, tháng 5-2017, tại buổi làm việc với tỉnh Sóc Trăng, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về chủ trương bổ sung cảng biển Trần Đề vào quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam, đồng thời chỉ đạo ưu tiên vận động vốn ODA và vốn vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài để thực hiện dự án.

Đề cập đến công tác kêu gọi đầu tư, ông Chuyện nói: “Thời gian qua, UBND tỉnh Sóc Trăng nhận được văn bản của một số nhà đầu tư đề nghị thực hiện dự án đầu tư cảng biển nước sâu tại Sóc Trăng, điển hình là Tập đoàn International Development Consortium (ILDC – Cộng hòa Pháp) là một nhà đầu tư có ý tưởng tốt và có tiềm năng thực hiện dự án”.

Với 6 tỷ USD, sẽ bao gồm các hạng mục cụm cảng biển (quy mô 200.000 DWT), khu dịch vụ cảng và khu đô thị, công nghiệp gắn liền với cảng, với nhu cầu sử dụng đất khoảng 6.000 ha.

Sóc Trăng đề xuất làm khu phức hợp cảng biển nước sâu 6 tỷ USD

“Nhà đầu tư cam kết tiến độ thực hiện khảo sát, thiết kế, phê duyệt dự án trong 18 tháng; xây dựng cảng và khu khai thác nội địa trong vòng 7 năm và hoàn thành đưa vào hoạt động năm 2026”, ông Chuyện nói.

Khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của dự án, ông Chuyện kiến nghị Bộ GTVT quan tâm, chỉ đạo các đơn vị có liên quan khẩn trương hoàn thành thủ tục để bổ sung cảng nước sâu Trần Đề vào quy hoạch nhóm cảng loại IA, đồng thời, ủng hộ chủ trương để nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu dự án.

Về đề xuất của tỉnh Sóc Trăng, ông Nguyễn Duy Lâm, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Đầu tư (Bộ GTVT) thống nhất với đề nghị của tỉnh và sẽ dự thảo tờ trình để Bộ GTVT trình Thủ tưởng Chính phủ bổ sung cảng Trần Đề là loại cảng biển 1A, làm cở sở để tỉnh kêu gọi đầu tư.

Về phía Cục Hàng hải, ông Nguyễn Xuân Sang - Cục trưởng phân tích: “Theo đề xuất của tỉnh Sóc Trăng về dự án cảng biển nước sâu Mekong ILDC, căn cứ vào quy mô, tổng mức đầu tư dự án thấy rằng, đây là dự án rất quan trọng và phù hợp với điều kiện của Thông tư 05/2013 của Bộ KH-ĐT.

Do vậy, đề xuất bổ sung quy hoạch cảng biển nước sâu của Sóc Trăng vào cảng biển loại 1A là có cơ sở”.

Ông Phan Văn Sáu - Bí thư Tỉnh ủy cùng đoàn công tác của tỉnh Sóc Trăng làm việc với Bộ GTVT

Đánh giá chung, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, cảng nước sâu Trần Đề là một cảng khu vực mang tính liên vùng và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với toàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, chứ không chỉ riêng Sóc Trăng.

“Toàn bộ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để làm được một cảng nước sâu cho tàu 50.000 - 70.000 tấn ra vào, chỉ duy nhất Sóc Trăng là có vị trí thuận lợi nhất về giao thông thủy bộ, các điều kiện khí hậu, thủy văn.

Bộ GTVT rất ủng hộ địa phương trong việc vận động, xúc tiến để hình thành cảng biển Trần Đề với trọng tải tàu ra vào dao động từ 50.000 – 100.000 tấn”, Bộ trưởng khẳng định.

Đối với chính quyền địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị UBND tỉnh Sóc Trăng cần khẩn trương đề xuất bằng văn bản chính thức với Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT về việc bổ sung quy hoạch cảng nước sâu Trần Đề vào quy hoạch nhóm cảng loại 1A.

Đồng thời, địa phương phải sớm hoàn thiện báo cáo về quá trình nghiên cứu cảng nước nước sâu Trần Đề từ trước đến nay, chuẩn bị hồ sơ cho các bộ ngành liên quan xem xét.

Trước đó, khi còn là Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, tại Hội nghị “Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống Logistics vùng ĐBSCL” giai đoạn 2016 – 2020 diễn ra tại Cần Thơ ngày 22-8, ông Nguyễn Văn Thể đã từng chỉ rõ, cảng Trần Đề được Bộ NN-PTNT đầu tư xây dựng là cảng cá khu vực ĐBSCL nên cho dù có mở rộng quy mô thì cũng chỉ là cảng cá, không thể thay thế hàng hóa được.

Vì thế, ông đề xuất xây dựng cảng cá lớn ngoài biển ở Sóc Trăng không chỉ giảm tải cho luồng Kênh Quan Chánh Bố mà còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp ở các tỉnh lân cận như Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang…xuất khẩu hàng hóa dễ dàng, rút ngắn thời gian và chi phí vận chuyển và cả phát triển du lịch nữa.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho rằng, trong thời gian qua việc đầu tư cơ sở hạ tầng, cảng biển của vùng thiếu đồng bộ, chưa có cảng nước sâu.

Vì thế, 80% lượng hàng hóa của ĐBSCL muốn xuất khẩu ra nước ngoài phải trung chuyển lên TPHCM, chủ yếu bằng đường bộ.

Vì thế, dẫn đến tăng áp lực đường bộ, tăng chi phí sản xuất và giảm sức cạnh tranh. Hơn nữa, tỷ trọng đầu tư vào vùng với khoảng 16% và lưu lượng vận tải thấp nên nhà đầu tư không mặn mà.

Từ đó, về lâu dài phải nghiên cứu xây dựng cảng biển nước sâu để vươn ra quốc tế.

Theo Báo Đất Việt