Sôi động ngày hội mua sắm đầu xuân

10/03/2019 - 14:30

 - Không phụ sự mong chờ của người tiêu dùng, Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) năm 2019 tại An Giang đã mang đến nguồn hàng hóa vừa phong phú, đa dạng, vừa đảm bảo chất lượng. Hội chợ còn gợi mở cơ hội lớn cho nông sản ĐBSCL, tạo điều kiện để ngành nông nghiệp, nông dân thích ứng tốt với hội nhập.

“Mở hàng” may mắn

Trong lịch sử 23 năm hình thành chuỗi Hội chợ HVNCLC thì liên tục 19 năm qua, hội chợ đều được mở màn tại An Giang, trở thành một trong những sự kiện được mong chờ nhất sau Tết Nguyên đán. “Hội chợ HVNCLC là sự kiện văn hóa - thương mại lớn của An Giang. Đây là cơ hội để doanh nghiệp giới thiệu hàng hóa chất lượng, đưa những sản phẩm mới, đa dạng, giá thành hợp lý đến với người tiêu dùng. Đây là cơ hội để doanh nghiệp kết nối thông tin, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, giúp doanh nghiệp thêm phát triển và lớn mạnh” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng nhấn mạnh.

Chuỗi Hội chợ HVNCLC được xem là một trong những hoạt động thiết thực hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị. “Với thành công của Hội chợ HVNCLC những năm qua và năm nay, An Giang tiếp tục duy trì tổ chức hội chợ, làm cầu nối cho doanh nghiệp trong nước quảng bá sản phẩm, tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng khẳng định.

Thực tế, Hội chợ HVNCLC năm 2019 tại An Giang không chỉ là ngày hội mua sắm, vui chơi, giải trí của người dân mà còn là dịp để doanh nghiệp đánh giá lại sự chấp nhận của người tiêu dùng đối với sản phẩm của mình thông qua doanh số bán hàng. “Trong 6 ngày diễn ra hội chợ (từ ngày 5 đến 10-3), chúng tôi cố gắng mang đến những sản phẩm mới nhất, tốt nhất để giới thiệu cho người tiêu dùng và tiếp nhận thông tin phản hồi, đánh giá của họ. Tín hiệu vui là càng về sau, sức mua càng lớn, chứng tỏ người tiêu dùng chấp nhận sản phẩm của mình. Nhiều người hôm trước đã mua hàng rồi hôm sau vẫn quay lại, giới thiệu thêm vài người đến mua thêm. Có nhiều người đã trực tiếp góp ý sản phẩm cần thêm tính năng nào, nên thiết kế mẫu mã, màu sắc ra sao… Chúng tôi rất vui vì có cơ hội tiếp cận trực tiếp và lắng nghe ý kiến của người tiêu dùng để cải tiến những sản phẩm ngày càng tốt hơn” - Giám đốc Marketing của Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Qui Phúc (phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh) Dương Thanh Đảo phấn khởi.

Tăng cơ hội cho nông sản

“Dù hàng hóa có đầy ở chợ, siêu thị nhưng rất đông người tiêu dùng vẫn rộn rịp đến với Hội chợ HVNCLC năm 2019 tại An Giang. Hội chợ như sự tái ngộ của những người thân. Bên cạnh những sản phẩm mới, có không ít người đến hội chợ tìm mua những sản phẩm cũ mà họ đã quen xài nhiều năm qua. Việc mở màn ở An Giang luôn đem lại thành công tiếp theo cho chuỗi Hội chợ HVNCLC trong cả nước” - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp HVNCLC, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) Vũ Kim Hạnh chia sẻ.

Bà Hạnh cho biết, hội chợ tại An Giang diễn ra ngay sau lễ công bố 542 doanh nghiệp đạt danh hiệu HVNCLC năm 2019 nên được xem là cơ hội tốt để doanh nghiệp vừa quảng bá sản phẩm, vừa tiếp nhận ý kiến đóng góp của người tiêu dùng. “Bên cạnh danh hiệu HVNCLC do người tiêu dùng bình chọn, chúng tôi đã xây dựng thêm danh hiệu HVNCLC - chuẩn hội nhập. Để đạt danh hiệu này, ngoài tiêu chuẩn mềm là nhận được phiếu bình chọn của người tiêu dùng, doanh nghiệp phải đáp ứng được các tiêu chuẩn cứng là bộ quy chuẩn quốc tế. Việc khuyến khích danh hiệu HVNCLC - chuẩn hội nhập nhằm tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu” - bà Hạnh thông tin.

Theo bà Hạnh, trước khi tổ chức hội chợ tại An Giang, Hội Doanh nghiệp HVNCLC đã củng cố, kiện toàn lại Ban Chấp hành với hơn 50% số ủy viên là doanh nhân trẻ, chú trọng đổi mới sáng tạo. “Hội Doanh nghiệp HVNCLC đã hợp tác và thuyết phục được Tổ chức tiêu chuẩn GlobalGAP (tiêu chuẩn phổ biến nhất thế giới về nông sản) xây dựng thêm tiêu chuẩn LocalGAP. Đây là tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt, là giải pháp tiết kiệm chi phí, phù hợp với điều kiện sản xuất của Việt Nam, được coi như bước đệm để tăng cường năng lực cho các nông hộ, doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm tiến tới được chứng nhận GlobalGAP” - bà Hạnh chia sẻ. Hiện nay, vùng chuyên canh nếp Phú Tân đang được hỗ trợ tham gia chương trình hợp tác này.

Trong khuôn khổ Hội chợ HVNCLC năm 2019, có 3 hoạt động quan trọng đã được tổ chức gồm: tư vấn miễn phí về tiêu chuẩn cho hợp tác xã nông nghiệp, doanh nghiệp thực phẩm và giới thiệu chương trình LocalGAP (diễn ra tại ngôi nhà chung hội chợ); Hội thảo “Xuất khẩu thủy sản chính ngạch đi Trung Quốc” (diễn ra tại An Giang) và Hội thảo “CPTPP: cơ hội từ một hiệp định mới - chất lượng cao” (diễn ra tại TP. Cần Thơ). “Chưa bao giờ nông sản Việt Nam đứng trước cơ hội lớn như hiện nay. Không chỉ xây dựng tiêu chuẩn, kết nối thị trường tiêu dùng nội địa mà còn tiếp cận hơn 650 triệu dân của 11 nước tham gia CPTPP. Vấn đề còn lại là doanh nghiệp, nông dân phải tham gia xây dựng tiêu chuẩn quốc tế, tiếp cận công nghệ 4.0, thích nghi tốt với nhu cầu thị trường. Muốn vậy, các cơ quan chức năng phải hỗ trợ nhanh, kịp thời theo nhu cầu người dân, doanh nghiệp”  - bà Hạnh kiến nghị.

NGÔ CHUẨN