Sôi động thị trường bánh trung thu

23/08/2019 - 07:51

 - Đã thành lệ, tuy Tết Trung thu diễn ra trong tháng 8 âm lịch, nhưng hàng năm, các sản phẩm trong mùa trung thu được chào hàng khá sớm. Trong đó sản phẩm bánh trung thu đã được bày bán từ 2 tháng qua, đa dạng về chủng loại và giá cả.

Hiện nay, thị trường bánh trung thu đã bắt đầu sôi động nhờ sức mua tăng dần và xuất hiện thêm nhiều loại cao cấp. Từ dòng bánh hiện đại sản xuất bởi các thương hiệu lớn cho đến bánh truyền thống của cơ sở lâu năm trong tỉnh đều tích cực đổi mới mẫu mã, hương vị và kích cầu bằng các chương trình khuyến mãi dành cho khách hàng.

Nhiều lựa chọn cho người mua

Những ngày này, hầu hết các vị trí đắc địa thuộc tuyến đường thành thị hay trung tâm chợ địa phương đều tập trung các gian hàng bán bánh trung thu với nhiều mẫu mã bắt mắt. Bánh nướng, bánh dẻo thuộc các thương hiệu quen thuộc như: Kinh Đô, Bibica, Đồng Khánh… có trên 40 loại sản phẩm, giá dao động từ 40.000 - 200.000 đồng/cái. Bánh còn được đóng gói theo hộp 2 cái, 4 cái, bánh đại có kèm trà, nước yến, rượu. So với năm trước, giá bánh trung thu năm nay không biến động nhiều, chỉ tăng từ 3-5%, phổ biến là hương vị nhân thập cẩm, gà quay, jambon, bào ngư… Bên cạnh còn có gian sản phẩm dành riêng cho khách hàng ăn chay, ăn kiêng, người bị bệnh tiểu đường. Nguyên liệu thành phần cũng được bổ sung thêm hạt chia, hạt mắc ca bên cạnh hạt sen, sầu riêng, sữa dừa truyền thống… So với thời điểm đầu mùa khá trầm lắng, lượng khách mua chủ yếu tham khảo giá hoặc ăn thử thì khi Trung thu cận kề, sản phẩm đặc biệt, có giá thành cao cũng đã lên kệ, hướng đến đối tượng khách mua làm quà tặng, khách hàng có điều kiện. Thương hiệu Kinh Đô có bộ bánh nhân cua bát bửu, hải sâm, bào ngư… kèm trà, hạt sen và tôm bách hoa giá 4 triệu đồng, thay thế 70% đường tinh luyện bằng đường ăn kiêng. Còn thương hiệu Bibica đưa ra thị trường các loại bánh làm từ trái cây đặc sản như: dâu tây, hồng, cà chua bi, dâu tằm Đà Lạt…

Tại các lò bánh truyền thống trong tỉnh, hơn 1 tuần qua, không khí sản xuất cũng bắt đầu nhộn nhịp. Do sản phẩm truyền thống không sử dụng công nghệ hoặc chất bảo quản nên cơ sở chỉ làm theo đơn đặt hàng là chủ yếu, phần cố định vẫn giữ số lượng vừa phải. Bà Trần Mỹ Thanh, chủ cơ sở bánh trung thu Mỹ Thanh (phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) hoạt động 20 năm nay cho biết, do nhu cầu khách hàng, năm nay cơ sở sản xuất sớm hơn. Mỗi năm, bà Thanh đầu tư thêm một số máy như máy trộn nhân, máy phân nhân. Đặc trưng của các lò bánh truyền thống là giữ lại hương vị cổ truyền nên chủng loại không phong phú bằng dòng bánh hiện đại. Bù lại, thợ bánh đầu tư vào chất lượng với hương vị cách tân nhẹ, đặt hàng thiết kế bao bì riêng rất đẹp mắt, sang trọng, tinh tế theo nhu cầu của khách hàng quen thuộc. ​Các loại​ hương vị​ như: ​gà quay, bào ngư, hạt sen, đậu xanh... được khách khen ngon hơn năm ​ngoái, bởi mùi vị dễ chịu và vừa ăn. Cơ sở có 12 thợ​ làm liên tục suốt từ tháng 6 đến nay​. Ngoài đơn đặt hàng, tại cơ sở sản xuất 400 cái/ngày để bán lẻ, ​các ​tủ ​đựng ​vừa lưng mới làm thêm​ mẻ bánh mới​ để đảm bảo​. Bên cạnh đó, cơ sở còn sản xuất theo giá thành của đơn vị số lượng nhiều, sản phẩm giá bình dân dành tặng cho học sinh, hộ nghèo, vẫn giữ đúng hương vị nhưng giảm thành phần phù hợp. ​Bà Mỹ Thanh cho biết, từ thời điểm này đã bắt đầu ​nhận nhiều đơn ​​hàng từ các đơn vị, doanh nghiệp với số lượng nhiều. ​Với giá từ 300.000 đồng, khách hàng đã có thể mua hộp 4 vị kèm túi trà cao cấp​, mua s​ố lượng nhiều được chiết khấu 20%.

Chú trọng chất lượng, uy tín

Ghi nhận tại các lò sản xuất bánh trung thu truyền thống, lượng bánh sản xuất chủ yếu theo đơn đặt hàng. Ngoài ra, để bán lẻ, cách ngày tiêu thụ vơi đi lượng bánh trong tủ thì tiếp tục làm để đảm bảo bánh luôn mới. Để kích cầu sức mua, mỗi thương hiệu hiện đại hay truyền thống đều có chính sách khuyến mãi riêng, như: miễn phí giao hàng tận nơi, tặng quà, giảm giá cho khách hàng mua số lượng nhiều… giúp người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn. Hình thức bán cũng linh hoạt hơn nhiều, khá đông khách hàng thích lựa chọn hình thức đặt bánh giao tận nơi thay vì lựa trực tiếp tại quầy. Ngay đến các cửa hàng tạp hóa, cơ sở kinh doanh bánh kẹo cũng dành một phần diện tích bán bánh trung thu. Chị Kim Yến, chủ tiệm bánh trên đường Lý Thái Tổ (TP. Long Xuyên) cho biết, sau rằm tháng 7, thị trường bánh trung thu đã bắt đầu phong phú, khách mua hàng tấp nập hơn. Dù mẫu mã phong phú, khách hàng vẫn ưu tiên mua bánh của các thương hiệu uy tín.

Các chủ cơ sở bánh trung thu truyền thống đều thừa nhận, hiện nay thị trường bánh cạnh tranh gay gắt nhưng sản phẩm của họ rất tự hào vẫn có chỗ đứng riêng, khách hàng là “mối quen” và bán lẻ. Bởi tinh thần giữ lại uy tín lâu năm của cơ sở nên thợ rất chú trọng đến chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Dù sản xuất một mùa trong năm, các cơ sở vẫn phải đăng ký kinh doanh, tập huấn an toàn vệ sinh thực phẩm, học tập kiến thức, khám sức khỏe định kỳ, được đoàn liên ngành đến kiểm tra trước, trong và sau trung thu. Điểm cộng nữa của các lò bánh truyền thống là giá mềm hơn các loại bánh thuộc thương hiệu lớn nhưng chất lượng không hề thua kém. Nguyên liệu đầu vào là quan trọng nhất, lựa chọn nơi cung cấp uy tín, đầy đủ chứng nhận về an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng tốt. Đặc biệt, bánh nướng truyền thống luôn mang lại cảm giác thích thú cho khách hàng lớn tuổi. Anh Hữu Hậu, khách hàng mua bánh trung thu làm quà tặng, chia sẻ: “Việc lựa chọn và mua bánh trung thu hiện nay khá dễ dàng, ngoài các thương hiệu lớn, cơ sở sản xuất lâu năm cũng khẳng định vị trí riêng qua việc đăng ký nhãn hiệu. Tôi luôn ủng hộ bánh truyền thống bởi những hương vị đặc trưng riêng có”.

MỸ HẠNH