Sôi động thị trường cho vay tiêu dùng, mua hàng trả góp cuối năm

29/10/2018 - 08:48

Cho vay tiêu dùng, mở thẻ tín dụng ngày càng trở nên hấp dẫn khi nhu cầu mua sắm của người dân dịp cuối năm tăng cao. Theo đó, hầu hết các ngân hàng, công ty tài chính đều tăng tốc mời chào khách hàng mở thẻ, cho vay tiêu dùng, trả góp với nhiều ưu đãi hấp dẫn khiến thị trường cho vay càng trở nên sôi động hơn bao giờ hết.

Đa dạng hình thức cho vay

Theo số liệu của Trung tâm Thông tin Tín dụng quốc gia (CIC), tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực tiêu dùng ở Việt Nam vào khoảng 30%-35%/năm. Số lượng dân cư có giao dịch tín dụng được ghi nhận qua hệ thống ngân hàng, công ty tài chính… mới chỉ chiếm khoảng hơn 30% dân số, cho thấy tiềm năng thị trường rất lớn.


Nhiều ngân hàng, công ty tài chính kết hợp với các cửa hàng "online" và "offline" cho vay trả góp hoặc trả góp 0% khi dùng thẻ tín dụng.

Chính vì vậy, hầu như các ngân hàng, công ty tài chính đều thường xuyên tuyển nhân viên tư vấn để mời chào vay tiêu dùng, mở thẻ tín dụng. Từ hình thức tiếp cận khách hàng thông qua gọi điện, mở một quầy tư vấn cho vay tiêu dùng tại các cửa hàng, trung tâm thương mại, các tổ chức tín dụng (TCTD) còn kết hợp với các trang thương mại điện tử để cho vay.

Hầu hết tại các cửa hàng, trung tâm thương mại, thương mại điện tử “online” lẫn “offline”, người tiêu dùng đều có thể thanh toán bằng thẻ hoặc hình thức mua hàng trả góp của công ty tài chính, hay trả góp lãi suất 0% qua thẻ. Theo các chuyên gia tài chính, với hình thức thanh toán này, cả 3 nhà là người mua, người bán và ngân hàng đều hưởng lợi.

Không chỉ thế, hình thức thanh toán này đã kích thích các ngân hàng cho vay được nhiều hơn, người tiêu dùng cũng quan tâm đến việc mở thẻ tín dụng hay vay tiêu dùng được thêm hơn nữa. Tuy nhiên, để tiếp cận người vay và người mở thẻ tín dụng, hình thức gọi điện mời chào dường như không được nhiều người đón nhận. Do đó, nhiều ngân hàng và các công ty tài chính đã áp dụng mở thẻ, cho vay thông qua đăng ký online.

Ngoài ra, nhiều TCTD còn phối hợp với các ví điện tử để tận dụng lợi thế khách hàng của nhau để mở thẻ, cho vay tiêu dùng hoặc mở rộng thêm khách hàng sử dụng dịch vụ. Mới đây nhất, ngày 22-10, Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam phối hợp với ví MoMo triển khai dịch vụ cho vay online trên ví. Theo đó, người dùng ví MoMo có thể yêu cầu khoản vay tiêu dùng của Ngân hàng Shinhan trên ứng dụng MoMo và đợi xét duyệt từ Ngân hàng Shinhan, sau đó nhận thông báo khoản vay được chấp thuận trên ví. Đặc biệt, từ nay đến 31-12-2018, khoản vay tiêu dùng của Shinhan khi đăng ký qua ví MoMo sẽ được giảm ngay 1% lãi suất/năm.

Trước đó tháng 9, Công ty Tài chính TNHH MTV Home Credit Việt Nam cũng thông qua ví này để thực hiện thanh toán, giải ngân hoặc đăng ký vay mới cho khách hàng.

Khác lĩnh vực cũng “nhảy” vào cho vay


Các ngân hàng, công ty tài chính còn kết hợp với các ví điện tử trung gian để lợi dụng ưu thế khách hàng của nhau để cho vay.

Với tiềm năng của thị trường cho vay tiêu dùng, không chỉ các TCTD cho vay mà nhiều doanh nghiệp khác như xi măng, điện lực cũng tham gia thị trường này. Theo đó, Easy Credit, một thương hiệu tài chính tiêu dùng của Công ty Tài chính CP Điện lực (EVN Finance) cũng đã gia nhập thị trường cho vay tiêu dùng ngay trong tháng 10 này. Gói vay tiền mặt được Easy Credit giới thiệu đầu tiên nhắm đến những nhóm khách hàng chưa tiếp cận dịch vụ ngân hàng, có thu nhập trung bình hàng tháng từ 4,5 triệu đồng.

Ông Bùi Xuân Dũng, Tổng Giám đốc EVN Finance, cho biết Easy Credit hoạt động theo mô hình công ty tài chính tổng hợp trên nền tảng sẵn có và tận dụng các xu hướng công nghệ… nhằm cung cấp sản phẩm tài chính công nghệ cao tới khách hàng. Để cạnh tranh, công ty sẽ đẩy mạnh kênh bán hàng từ online đến các kênh liên kết đối tác để gia tăng khả năng tiếp cận khách hàng. Easy Credit đặt tham vọng đến cuối năm 2020 sẽ có mặt tại 63 tỉnh, thành và có hơn 1 triệu khách hàng.

Tương tự, công ty tài chính VietCredit - cái tên mới xuất hiện trên thị trường sau khi được NH Nhà nước cấp đổi giấy phép thành lập và hoạt động cho Công ty Tài chính CP Xi măng (liên doanh của 3 cổ đông chiến lược gồm: Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem), Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank) và Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank)... cũng vừa gia nhập thị trường cho vay. Để có thể cạnh tranh, công ty chú trọng đi theo hướng mảng cho vay tiền mặt.

Ngoài các công ty tài chính mới được thành lập từ các doanh nghiệp ngoài lĩnh vực ngân hàng, nhiều công ty tài chính thuộc các ngân hàng thương mại cũng đã và sẽ thành lập để tận dụng và khai thác tiềm năng cho vay, như NH TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB Finance), ACB, OCB…

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế - tài chính LS.TS Bùi Quang Tín khuyến cáo người tiêu dùng nên cẩn trọng khi vay tiêu dùng hoặc mở thẻ tín dụng. Đặc biệt, tín dụng “đen” ngày càng nở rộ và được mời chào rất nhiều trên mạng, nhiều người tiêu dùng do thiếu hiểu biết hoặc do nhu cầu vay gấp đã tìm đến đăng ký. Điều này đã gây không ít hệ lụy cho người đi vay vì không đọc kỹ hồ sơ cũng như không được hướng dẫn cụ thể chi tiết những điểm cần lưu ý, dễ bị “dính bẫy” lãi suất, mất kiểm soát tiêu dùng nếu không chi tiêu hợp lý.

Ông Hà Huy Cường, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng An Bình (ABBank), cho biết đó cũng là lí do nhiều ngân hàng, công ty tài chính mới được thành lập và đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, mở thẻ tín dụng nhằm tạo sự minh bạch cũng như đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân.

Hiện thị trường cho vay tiêu dùng ở Việt Nam đang phát triển với khoảng 16 công ty tài chính nhưng dư nợ mới chiếm gần 12% tổng dư nợ tín dụng của hệ thống tổ chức tín dụng. Trong khi con số này ở Thái Lan là 20%, Indonesia 19% và ở các nước phát triển thường chiếm tới 40%-50%.

Theo HẢI YÊN (Báo Tin tức)

 

Liên kết hữu ích