Sôi nổi Ngày hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch đồng bào Chăm An Giang

22/06/2018 - 08:59

 - “Ngày hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đồng bào Chăm An Giang lần VIII-2018 nhằm giữ gìn, phát huy giá trị VH đặc sắc của dân tộc Chăm. Đây là dịp để quảng bá hoạt động VH-TT&DL của đồng bào Chăm, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc…” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình chia sẻ.

A A

Nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ…

Những ngày này, đông đảo đồng bào Chăm khắp nơi trong tỉnh nô nức, tề tựu về xã Châu Phong (TX. Tân Châu) để tham dự Ngày hội VH-TT&DL dân tộc Chăm lần VIII-2018. Ngày hội năm nay có trên 400 nghệ nhân, diễn viên, vận động viên tham gia thi diễn ở các loại hình: liên hoan nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục truyền thống; liên hoan VH ẩm thực truyền thống; tham gia thi đấu các môn thể dục - thể thao và trò chơi dân gian.

Ngoài ra, Ban Tổ chức (BTC) ngày hội còn tổ chức các hoạt động triển lãm thành tựu kinh tế - VH - xã hội của đồng bào Chăm An Giang thời kỳ đổi mới và hội nhập.

“Ngày hội VH-TT&DL đồng bào Chăm An Giang lần VIII-2018 kéo dài trong 3 ngày, từ 21 đến 23-6-2018. Đây là dịp để tôn vinh các giá trị VH truyền thống, đồng thời cũng là dịp quảng bá tiềm năng du lịch, hình ảnh người Chăm An Giang giàu lòng yêu nước, cần cù sáng tạo đang chung vai cùng các dân tộc anh em trong cộng đồng, xây dựng quê hương An Giang ngày càng giàu đẹp” - Phó Chủ tịch UBND TX. Tân Châu, Phó Trưởng ban Thường trực BTC Ngày hội VH-TT&DL đồng bào Chăm tỉnh An Giang lần VIII-2018 Trần Hòa Hợp chia sẻ.

Đúng 19 giờ tối 21-6, BTC Ngày hội VH-TT&DL đồng bào Chăm tỉnh An Giang lần VIII-2018 long trọng tổ chức lễ khai mạc. Ngay sau lễ khai mạc là liên hoan nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục truyền thống của các Đội nghệ thuật quần chúng các xóm Chăm TX. Tân Châu và các huyện: Châu Phú, Châu Thành, An Phú.

Theo đó, thời gian tham dự của mỗi chương trình kéo dài từ 20 - 30 phút, gồm các thể loại: song ca, tốp ca, đơn ca, múa, trình diễn trang phục dân tộc. Năm nay, BTC khuyến khích các xóm Chăm phục dựng cảnh diễn các lễ hội truyền thống của dân tộc Chăm như: lễ cưới, lễ Ramadan, Roya… cùng các thể loại như hát dân ca và hòa tấu nhạc cụ.

Tại ngày hội, các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên tham gia trổ tài biểu diễn, thi đấu hết sức mình trên tinh thần đoàn kết, giao lưu, học hỏi, trao đổi các giá trị VH truyền thống cũng như kinh nghiệm bảo tồn, phát triển VH-TT&DL đồng bào Chăm giữa các địa phương trong tỉnh.

“Thông qua các hoạt động này để phát hiện những tài năng trong lĩnh vực VH, TT của đồng bào Chăm An Giang, qua đó bồi dưỡng, đào tạo góp phần làm phong phú, đa dạng lĩnh vực VH-TT&DL của tỉnh trong thời gian tới”- Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, Phó Trưởng ban Thường trực, BTC Ngày hội VH-TT&DL đồng bào Chăm tỉnh An Giang lần VIII-2018 Trương Bá Trạng chia sẻ.

Sôi nổi Ngày hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch đồng bào Chăm An Giang

Sân khấu hoá diễn đám cưới đồng bào Chăm

Các hoạt động thể dục - thể thao

Ở các bộ môn TT, trước khi diễn ra lễ khai mạc ngày hội, BTC đã cho các đội bốc thăm, xếp lịch thi đấu các môn như: bóng đá, bóng chuyền, chạy việt dã, kéo co, đẩy gậy. 8 giờ sáng 21-6, tất cả các bộ môn thi đấu TT đồng loạt diễn ra trên địa bàn xã Châu Phong dưới sự cổ vũ của đông đảo cổ động viên. “Đồng bào Chăm rất vui khi được Đảng và Nhà nước quan tâm, tổ chức ngày hội để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên, chức sắc có dịp gặp gỡ, giao lưu, thăm hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong làm ăn, nuôi dạy con cái học hành; động viên nhau thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; cùng chính quyền địa phương các cấp đẩy mạnh thực hiện xây dựng nông thôn mới và các phong trào khác do địa phương phát động…”- ông Jacky, Trưởng ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo Chăm Islam An Giang chia sẻ.

Cộng đồng Chăm An Giang hiện có 5.000 hộ, với trên 17.000 nhân khẩu, sống tập trung ở 4 địa phương, bao gồm: An Phú, Châu Thành, Châu Phú và TX. Tân Châu. Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đời sống đồng bào Chăm từng bước được cải thiện và nâng lên, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 40 triệu đồng/người/năm, cơ sở hạ tầng tại các xóm Chăm được hoàn thiện và nâng cấp, tạo điều kiện dễ dàng cho việc đi lại của bà con.

Giờ đây, con em người Chăm ai cũng được cắp sách đến trường, nhiều em học giỏi, đạt được học bổng và đi du học ở các quốc gia phát triển trên thế giới. Ở đó, các em chịu khó học tập, nghiên cứu, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm trên các lĩnh vực y học, công nghệ thông tin, nông nghiệp, dầu khí, quản trị kinh doanh để sau này mang kiến thức về phục vụ cho sự phát triển của quê hương, đất nước.

Ngày hội VH-TT&DL đồng bào Chăm tỉnh An Giang lần VIII-2018 thực sự là ngày hội thắm tình đoàn kết, hữu nghị trong cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh, mang đậm bản sắc VH của đồng bào Chăm, đánh dấu sự phát triển của phong trào VH, TT cũng như các hoạt động du lịch trong đồng bào dân tộc Chăm An Giang thời gian qua cũng như những năm sắp tới.

“Đây là dịp để tôn vinh các giá trị VH truyền thống, đồng thời là dịp để quảng bá tiềm năng du lịch, hình ảnh người Chăm An Giang giàu lòng yêu nước, cần cù sáng tạo, chung vai xây dựng quê hương An Giang ngày càng giàu đẹp…” - Giám đốc Sở VH-TT&DL, Trưởng BTC Ngày hội VH-TT&DL đồng bào Chăm tỉnh An Giang lần VIII-2018 Nguyễn Văn Lên chia sẻ.

Bài, ảnh: MINH HIỂN - THANH HÙNG