Sử dụng thực phẩm chay cũng cần “thông thái”

03/09/2018 - 07:24

 - Ngày nay, nhu cầu ăn chay trở nên phổ biến đối với nhiều người, không riêng mục đích theo đạo, một số người ăn chay vì sức khỏe, nhu cầu chữa bệnh, làm đẹp, ngại thực phẩm (TP) bẩn… TP chay được bán rộng rãi và rất phong phú, đa đạng, từ thuần chay đến giả mặn, từ dạng tươi đến dạng khô. Tuy nhiên, không phải cứ ăn chay là tốt, người tiêu dùng cần hiểu biết trong việc chọn mua và kết hợp chế độ dinh dưỡng hợp lý mới đảm bảo tốt cho sức khỏe.

Thu giữ chả nấm chay không rõ nguồn gốc tại một cơ sở kinh doanh thực phẩm chay ở huyện Phú Tân

Muốn sử dụng đồ chay, khách hàng chỉ việc ra chợ, đến các cửa hàng, siêu thị hoặc quán ăn chay. Đặc biệt, vào những dịp rằm lớn, nhiều người ăn chay trọn cả tháng như tháng 7 (âm lịch) này khiến lượng tiêu thụ TP chay tăng vọt. Người tiêu dùng TP chay tiếp nhận sản phẩm (SP) đa số bằng… niềm tin, chấp nhận các loại TP chế biến sẵn, ăn liền, không nhãn mác, không có hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc hoặc chỉ có nhãn sơ sài để tên, số điện thoại. Bởi họ quan niệm rằng, TP chay được làm bởi những người ăn chay trường, người theo đạo nên hoàn toàn tin tưởng về độ “sạch”, an toàn. Tuy nhiên, chỉ cần vào các gian hàng bán đồ chay trong chợ, một số quán ăn, thỉnh thoảng khách hàng vẫn phát hiện đồ ăn quá hạn trà trộn bày bán.

Một số TP chế biến từ tinh bột như: mì căn, chả đòn chay, tàu hủ bán trong chợ được bày bán… trơ trụi, không bao bì, bằng cảm quan thường đã nhận thấy SP để lâu ngày, bên ngoài có độ nhớt, mùi chua nhẹ. Không chỉ có SP chế biến thủ công, hiện nay nhiều cửa hàng kinh doanh TP chay còn bày bán các SP nhập khẩu, được giới thiệu là nhập từ Thái Lan, Đài Loan. Số SP này có mẫu mã bắt mắt, mùi vị rất phong phú được bảo quản đông lạnh, như: gà chay, jambon chay, chả cá chay… Lẫn lộn trong số SP mang tiếng là “hàng nhập” có vài SP không nhãn phụ bằng tiếng Việt, được chủ tiệm giải thích với đủ lý do.

Chị V.T., (phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên) cho biết, chị không ăn chay thường xuyên, đúng ngày rằm hoặc do bạn bè rủ thì chị tìm đến quán ăn chay trong nội ô thành phố để thay đổi khẩu vị. Không ít lần chị T. phát hiện thức ăn đã có biểu hiện ôi thiu vẫn được bán cho khách.

“Ở quán L. (phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên) trong phần cơm, bì chay đã có mùi chua, nhớt mà họ vẫn bỏ vào dĩa cùng các thành phần khác. Hôm khác, tôi ghé quán M. (phường Mỹ Quý, TP. Long Xuyên), yêu cầu để món thịt xiên, phát hiện “thịt” có vị và mùi chua rất rõ nên không dám ăn”.

Còn chị M.V. (ngụ huyện Phú Tân) cho biết, gia đình chị rất thích dùng chả đòn chay, thường xuyên mua để làm món ăn vặt. Tuy nhiên, từ khi đọc thông tin có một số cơ sở sản xuất có sử dụng hàn the, chị và nhiều người đã loại món này khỏi bữa ăn.

Ghi nhận tại huyện Phú Tân, năm 2017, các cơ quan chức năng phát hiện 1 cơ sở sản xuất chả đòn chay quy mô lớn và nhiều năm sử dụng hàn the trong SP. Mới đây, đoàn liên ngành lại phát hiện một cơ sở kinh doanh chả nấm chay không rõ nguồn gốc, xuất xứ và tạm giữ hơn 300kg chả nấm chay. Điều này khiến không ít người e ngại khi nhu cầu ăn chay đang ngày càng nhiều.

Về vấn đề TP chay, hiện nay pháp luật chưa có quy định nào điều chỉnh trực tiếp. TP chay là một loại TP nói chung, bởi vậy cũng thuộc sự điều chỉnh của Luật An toàn TP và các văn bản pháp luật khác liên quan đến an toàn TP. Các quy định về an toàn TP nói chung sẽ được áp dụng để điều chỉnh các vấn đề an toàn TP chay.

Hiện nay, cơ quan chức năng chỉ kiểm soát những hộ được chứng nhận về đảm bảo chất lượng. Số cơ sở này và cơ sở được kiểm tra so với con số sản xuất - kinh doanh bên ngoài đang hoạt động còn chênh lệch rất lớn.

Quan trọng là sự nhận thức trách nhiệm của người kinh doanh và sự “thông thái” của người tiêu dùng. Đặc biệt, người tiêu dùng cần chọn thương hiệu, cơ sở có uy tín, kiến thức cơ bản để lựa chọn SP, phối hợp thức ăn đủ chất dinh dưỡng. Với mục đích gì, thì ăn chay hay ăn mặn, quan trọng hàng đầu vẫn là “ăn sạch”.

NGUYÊN ĐĂNG