Sự sống lan truyền khắp Ngân hà?

10/12/2018 - 09:27

Nghiên cứu của các nhà khoa học ở Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian ở Cambridge (Anh) cho thấy, khả năng phát tán sự sống giữa các thiên thể (panspermia) hoàn toàn không chỉ giới hạn trong các hệ sao. Theo các nhà nghiên cứu, hiện tượng panspermia có thể bao trùm toàn Dải Ngân hà.

Nghiên cứu với tiêu đề “Panspermia thiên hà” tập trung vào 2 yếu tố: Các hệ thống sao tóm bắt các đối tượng chứa sự sống với tốc độ như thế nào và khả năng sự sống tồn tại trong các điều kiện khắc nghiệt của vũ trụ.

Các nhà khoa học cho biết vi sinh hoặc các hợp chất hóa học cần thiết cho phát triển sự sống có thể phân tán giữa các hệ sao và thiên hà nhờ “các vật mang” như tiểu hành tinh hay thiên thạch. Cơ chế như vậy cũng có thể gieo rắc sự sống giữa các hành tinh.

Mặc dù vậy, các nhà khoa học cho rằng hiện tượng panspermia vẫn rất khó chứng minh. Khoảng cách giữa các hệ sao là rất lớn và dường như việc phát tán sự sống từ một hệ thống sang hệ thống thứ hai là rất khó khăn.

Các nhà khoa học thực hiện nghiên cứu lấy cảm hứng từ tiểu hành tinh Oumuamua. Đây là vật thể đầu tiên từ ngoài Hệ Mặt trời đến chỗ chúng ta. Các nhà khoa học cho rằng trên vật thể này có thể có các vi sinh có khả năng tồn tại trong bức xạ và trong các điều kiện khắc nghiệt khác của vũ trụ.

Tất nhiên, đầu tiên cần đưa tàu vũ trụ lên Oumuamua hoặc vật thể ngoài Hệ Mặt trời khác, để khẳng định chúng có thật sự là vật mang vi sinh hoặc các hợp chất hóa học cần thiết cho phát triển sự sống hay không. Khi đó, chúng ta sẽ có chứng cớ chắc chắn về tính đúng đắn của thuyết panspermia.

Theo Nhật Linh (Giáo dục và Thời đại)