Sự thật bộ tộc bí ẩn thấy người lạ là giết trên 'hòn đảo cấm' ở Ấn Độ

22/11/2018 - 16:05

Tập quán sinh hoạt và nguyên nhân căm ghét người từ thế giới bên ngoài đến mức nhìn thấy là giết của một bộ tộc sinh sống trên hòn đảo biệt lập ngoài khơi Ấn Độ là một bí ẩn với nhiều người.

Mới đây một du khách người Mỹ tên John Chau bị bắn tên đến chết khi xâm nhập bất hợp pháp lên hòn đảo Bắc Sentinel thuộc quần đảo Andaman - nơi sinh sống của bộ tộc cự tuyệt với thế giới.

Theo lời kể của các ngư dân, người này bị tấn công bằng tên nhưng vẫn tiếp tục bước đi. Các ngư dân thấy người của bộ tộc cố dùng dây thừng quấn quanh cổ nạn nhân rồi đưa đi. Họ trở lại đảo vào sáng hôm sau và phát hiện thi thể nạn nhân trên bờ biển, theo Fox News. 

Hòn đảo biệt lập với thế giới bên ngoài

Hòn đảo North Sentinel, thuộc quần đảo Andaman ở vịnh Bengan nằm giữa Ấn Độ và Malaysia , được bảo vệ dưới luật pháp Ấn Độ. Theo nghiên cứu của các nhà nhân chủng học, cộng đồng này hiện nay chỉ còn khoảng 400 người, sinh sống trên hòn đảo có diện tích 72 km2. 

Không ai biết họ nói ngôn ngữ gì và tự gọi mình là gì. Những người bên ngoài gọi họ là người Sentinel.

 Vị trí quần đảo Andaman và đảo North Sentinel. (Ảnh chụp màn hình)

Hòn đảo là khu vực cấm và những người không phải dân đảo không được lại gần trong vòng phạm vi 5 hải lý.

Ngay Chính phủ Ấn Độ cũng tuyên bố không có ý định can thiệp vào cuộc sống của người dân trên đảo và khuyến cáo du khách không nên tiếp cận hòn đảo này dù Sentinel chính thức thuộc quyền quản lý của Ấn Độ từ năm 1947. 

Nguyên nhân của quy định này xuất phát từ cái chết của hai ngư dân vô tình đổ bộ lên đảo do thời tiết xấu năm 2006 và cũng là biện pháp bảo vệ những người trên đảo tránh các dịch bệnh từ bên ngoài do hệ miễn dịch của họ rất kém.  

Theo Stuff NZ, người Sentinel - những người có thể đã xuất hiện từ hơn 60.000 năm trước, được biết đến là sẽ bắn người ngoài bằng cung tên, từ chối giao tiếp với người ngoài và tấn công bất cứ ai đến gần. Tuy chưa có bằng chứng, nhiều câu chuyện cổ xưa nói người Sentinel là tộc ăn thịt người. Điều này càng khiến người lạ không muốn “bén mảng” đến gần và hòn đảo trở nên biệt lập hơn.

 Một người dân bộ tộc Sentinel cầm theo vũ khí tấn công trực thăng đến gần năm 2004. (Ảnh tư liệu: Stuff NZ)

Căm ghét người lạ

Theo Neatorama, những cuộc tiếp xúc cởi mở nhất với người dân Sentinel diễn ra đầu những năm 1990. Họ cuối cùng cũng nới lỏng phòng vệ và cho các tàu bên ngoài đến gần hơn. Đôi khi những người trong bộ tộc không mang vũ khí sẽ đứng trên bãi biển còn người trên tàu sẽ ném dừa xuống nước. Có lúc dân đảo trực tiếp bước xuống nước nhặt dừa. Dù vậy họ không cho phép người ngoài ở lại lâu và sau một vài phút sẽ ra tín hiệu “cảnh báo” bằng những mũi tên bắn không có đầu tên.

Những số liệu trước đó cho thấy trên hòn đảo từng có nhiều người sinh sống hơn. Ấn Độ đã xếp 5 nhóm bộ tộc bản địa trong khu vực là “đặc biệt dễ tổn thương” do những nguồn tài nguyên và tập quán bền vững đang dần mất đi.

Việc bộ tộc Sentinel sợ người ngoài đến mức độ bạo lực được cho là do quãng thời gian thực dân Anh xâm chiếm, khiến hàng nghìn tộc nhân trên các đảo thiệt mạng bởi bệnh dịch mang từ bên ngoài vào và nhiều yếu tố khác.

Chỉ có một phần nhỏ trong số họ sống sót. Đến nay con số này tiếp tục giảm đi và người dân Sentinel đã nhiều lần thể hiện họ không muốn giao lưu với thế giới bên ngoài.

Các nhà khoa học cũng tỏ ra lo ngại rằng, nếu cứ tiếp tục biệt lập với thế giới bên ngoài, hòn đảo này sẽ không thể tránh khỏi kết cục bị xóa sổ vĩnh viễn.

 Một số hình ảnh hiếm hoi về người dân trên đảo. (Ảnh: Survival International)

 Hòn đảo biệt lập nhìn từ trên cao. (Ảnh: Survival International)

 Dân đảo đứng bảo vệ không cho người lạ đến gần. (Ảnh: Christian Caron)

Theo PHƯƠNG ANH (VTC News)