Sự thật về việc lúa có nguy cơ “chết khô” ở Tân Lập

15/02/2019 - 07:35

 - Do hiện tượng hạn hán diễn ra sớm kết hợp với chu kỳ nước kém đã làm cho một số diện tích lúa ở xã Tân Lập (Tịnh Biên) bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, mức độ thiệt hại không nghiêm trọng như một số tờ báo phản ánh.

Qua quá trình đi thực tế, chúng tôi có dịp tiếp xúc với các hộ dân trong tiểu vùng sản xuất bị ảnh hưởng do việc thiếu nước bơm lúa, dẫn đến rầy nâu hoành hành và được họ thông tin khá đầy đủ. Khi được hỏi về hiện trạng lúa “chết khô”, ông Võ Văn Thanh (người dân địa phương) cho biết: “Việc lúa bị khô chỉ ảnh hưởng cục bộ những khu vực gò cao, chứ anh em ở đây đều có nguồn nước để bơm ruộng. Do thời điểm này đúng chu kỳ nước kém nên chuyện các con kênh nội đồng như: Định Thành và 1-5 bị khô cạn là đương nhiên, ngay cả những con kênh chính như: Vịnh Tre, Tri Tôn hay Mặc Cần Dưng cũng xuống sát đáy. Đây là hiện tượng xảy ra hàng năm trước và sau Tết, do năm nay nước xuống quá thấp nên nông dân mới bị ảnh hưởng”.

Diện tích lúa bị ảnh hưởng không nghiêm trọng như báo chí phản ánh trước đó

Cùng có diện tích lúa trong khu vực phục vụ của kênh Định Thành nhưng ông Trần Văn Xuân không bị ảnh hưởng nhiều. Ông Xuân giải thích: “Các năm trước, nước dưới kênh Định Thành vẫn đầy đủ để nông dân bơm lên ruộng. Nhưng năm nay không hiểu sao nước thấp hơn cùng kỳ đến 2 - 3 tấc dẫn tới chuyện rầy nâu bộc phát mà nông dân không thể phun xịt. Nhiều người vì nóng ruột nên nổ máy bơm đồng loạt khiến lượng nước trong kênh Định Thành vốn đã ít nay lại bị khô cạn. Một số anh em bị ảnh hưởng nhiều nên họ phản ánh với báo chí”. Tuy không bị ảnh hưởng nhiều bởi việc thiếu nước nhưng ông Xuân vẫn đề xuất địa phương cần có phương án khắc phục tình trạng thiếu nước như hiện nay, bởi vụ hè thu sắp đến sẽ còn khô hạn hơn rất nhiều.

Bí thư, Chủ tịch UBND xã Tân Lập Lâm Văn Thiện thông tin: “Thời điểm trước Tết Nguyên đán, địa phương đã nhận được phản ánh của người dân về việc thiếu nước bơm lúa nên đã thực hiện việc nạo vét kênh Hậu để dẫn nước từ kênh 1-5 sang kênh Định Thành. Đồng thời, nạo vét đầu cống 1-5 để dẫn nước từ kênh Tri Tôn vào cung cấp cho kênh 1-5 nhằm đảm bảo nhu cầu cho nông dân. Tuy nhiên, quá trình nạo vét bị gián đoạn trong dịp nghỉ Tết nhưng sau đó chúng tôi yêu cầu đơn vị thi công khẩn trương thực hiện trong mấy ngày qua. Đến nay, lượng nước vào kênh 1-5 và kênh Định Thành đã khá hơn”.

Lượng nước đang trở lại các kênh nội đồng tại xã Tân Lập

Ông Thiện thông tin thêm, UBND huyện Tịnh Biên đã yêu cầu địa phương khẩn trương thực hiện việc nạo vét tuyến kênh Hậu, kênh 1-5 nhằm đảm bảo nguồn nước tưới trong vụ lúa hè thu năm nay. Việc này đã được UBND xã Tân Lập họp dân lấy ý kiến và nhận được sự đồng thuận cao. “Chúng tôi muốn đính chính lại thông tin 7.000ha lúa có nguy cơ “chết khô” tại địa phương là phi thực tế. Cả tiểu vùng sản xuất 3 vụ từ đê Đường Thét đến mũi nhọn 13 chỉ có khoảng 1.460ha, với 4 kênh nội đồng phục vụ, là: kênh 12, kênh Đường Thét, kênh 1-5 và kênh Định Thành. Trong đó kênh Định Thành chỉ phục vụ diện tích khoảng 300ha và diện tích lúa bị khô chỉ thuộc vài hộ trong số này. Diện tích tự nhiên của cả xã Tân Lập chỉ hơn 3.000ha thì lấy đâu 7.000ha lúa có nguy cơ chết khô!” - ông Thiện bức xúc.

Việc địa phương thi công 3 cống hở theo dự án VnSAT (chuyển đổi nông nghiệp bền vững) đã được xác định từ trước để phục vụ người dân trong việc vận chuyển nông sản, đảm bảo tưới tiêu và ngăn lũ tháng 8 hàng năm sau khi hoàn thành. Đồng thời, UBND xã Tân Lập đã cho mở đập 1-5 từ trước Tết để dẫn nước từ kênh Mặc Cần Dưng vào, hiện nay đang tiếp tục khơi thông dòng chảy để nhanh chóng cấp nước cho khu vực nội đồng. “Mục tiêu của địa phương là cung cấp đủ nước cho nông dân bơm ruộng trong những ngày tới và nhanh chóng nạo vét các tuyến kênh Hậu, kênh 1-5, kênh Định Thành để đảm bảo tưới tiêu trong các vụ lúa tiếp theo. Đồng thời, chúng tôi yêu cầu đơn vị thi công nhanh chóng thực hiện các cống hở trong chương trình VnSAT để người dân địa phương được hưởng lợi từ những công trình này” - ông Lâm Văn Thiện khẳng định.

MINH QUÂN