Sức bật công nghiệp Hậu Giang

31/08/2018 - 14:38

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực của tỉnh nên kinh tế Hậu Giang đã có những bước tăng trưởng và phát triển. Thành tựu đó phải kể đến những đóng góp to lớn của ngành công nghiệp tỉnh nhà.

A A

Cảng tổng hợp Vinalines Hậu Giang là một trong những cửa ngõ giao thương quan trọng của tỉnh.

Từ sự quyết tâm

Nhìn lại bức tranh công nghiệp trong những năm qua cho thấy, từ một trang “giấy trắng” thế nhưng bằng những giải pháp tích cực, đến nay tỉnh đã vẽ nên một bức tranh nhiều màu sắc. Với chiến lược huy động các nguồn lực bên ngoài cho đầu tư phát triển, nhất là công nghiệp và các ngành có giá trị gia tăng cao để tạo bước đột phá về kinh tế, nhất là chủ trương của tỉnh là xây dựng các khu, cụm công nghiệp. Theo đó, tỉnh đã lập quy hoạch và chỉ đạo tập trung giải phóng mặt bằng, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật ở các khu, cụm. Qua 15 năm nỗ lực, đến nay toàn tỉnh đã có 2 khu công nghiệp, 4 cụm công nghiệp tập trung và 3 cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp do UBND các huyện, thị xã, thành phố quản lý. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh từng cho rằng: Làm nông chỉ đủ ăn, vì thế chỉ có phát triển công nghiệp mới có thể thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà phát triển. Do đó, các địa phương cần đẩy mạnh thu hút đầu tư, cũng như tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đi vào hoạt động hiệu quả.

Với sự quyết tâm của tỉnh, đã có nhiều dự án đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp đi vào hoạt động. Tính đến nay, các khu, cụm công nghiệp do Ban quản lý Khu công nghiệp tỉnh quản lý đã thu hút được 42 nhà đầu tư với 49 dự án, trong đó có 34 dự án đã đi vào hoạt động, với tổng vốn đầu tư 68.553 tỉ đồng và 763,7 triệu USD. Các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp do UBND các huyện, thị xã, thành phố quản lý đã thu hút được 27 nhà đầu tư với 28 dự án, trong đó có 20 dự án đi vào hoạt động. Hàng năm, các doanh nghiệp đóng góp giá trị sản xuất công nghiệp rất lớn, tích cực đóng góp ngân sách và giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động, chủ yếu là người địa phương.

Chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2017, đến nay cảng tổng hợp Vinalines Hậu Giang đã trở thành cảng quốc tế tổng hợp đầu tiên nằm trên địa bàn tỉnh. Với vị trí thuận lợi, cảng tổng hợp Vinalines Hậu Giang là một trong những cửa ngõ giao thương quan trọng của tỉnh thông qua hệ thống đường bộ và đường thủy. Chỉ 3 tháng cuối năm 2017, Công ty TNHH Dịch vụ Hàng hải Hậu Giang tạo được sự phát triển khá ấn tượng với sản lượng 252.000 tấn hàng hóa thông qua cảng. Theo kế hoạch, trong năm 2018 này sản lượng hàng hóa thông qua cảng sẽ đạt 500.000 tấn.

“Với những kết quả đạt được, theo kế hoạch, Công ty TNHH Dịch vụ Hàng hải Hậu Giang (Vinalines Hậu Giang), tại Khu công nghiệp Sông Hậu, huyện Châu Thành, sẽ tiếp tục đầu tư dự án Cảng tổng hợp Vinalines Hậu Giang - giai đoạn 2 với kinh phí thực hiện khoảng 385 tỉ đồng, thuộc tổng dự án đầu tư xây dựng Khu dịch vụ hàng hải - cảng biển Hậu Giang. Theo đó, giai đoạn 2 sẽ được khởi động vào năm 2019. Ở giai đoạn này, Vinalines Hậu Giang sẽ xây dựng cầu tàu dài 250m, hệ thống phao neo mũi/lái đủ tiếp nhận tàu 20.000DWT, cùng hệ thống đường bãi, hạ tầng kỹ thuật sau cảng là 127.000m2 và hệ thống kho với diện tích 16.000m2. Trước mắt, giai đoạn từ 2019-2021 sẽ đầu tư xây dựng cầu tàu dài 100m cùng hệ thống đường bãi, hạ tầng kỹ thuật sau cảng là 50.000m2 và hệ thống kho với diện tích 4.000m2 và giai đoạn từ 2022-2024 sẽ thực hiện các hạng mục còn lại. Song song đó, trong quý I/2019, Vinalines Hậu Giang cũng sẽ tiến hành xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật của Trung tâm Logistics Hậu Giang. Khi các dự án hoàn thành sẽ góp phần rất lớn trong việc cung cấp dịch vụ logistics khép kín và chuyên nghiệp. Đồng thời có sự phối hợp hỗ trợ chặt chẽ của vận tải biển và khai thác cảng, cùng với các doanh nghiệp trong hệ thống Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam”, ông Võ Thanh Phong, Tổng Giám đốc Công ty Vinalines Hậu Giang, cho biết. 

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương

Không chỉ hình thành được các khu, cụm công nghiệp với quy mô lớn, hầu hết các huyện, thị xã, thành phố, “bức tranh” công nghiệp của địa phương cũng đậm gam màu tươi mới. Dự án tại các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đang hoạt động tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh: sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc… góp phần quan trọng vào sự phát triển công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao hiệu quả giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bê tông ly tâm Hậu Giang, cho biết: Trong quá trình sản xuất, đơn vị luôn đặt ra phương châm “chất lượng - uy tín - sáng tạo”, do đó thời gian qua, công ty thường xuyên triển khai thay đổi phương thức quản lý. Song song đó, sản xuất sản phẩm mới phù hợp với thời cuộc kịp thời đúng lúc, đáp ứng yêu cầu của khách hàng nên đã tạo được uy tín với thị trường. Qua 7 tháng đầu năm, đơn vị sản xuất đạt 71% kế hoạch, đạt 130% so với cùng kỳ. Để đảm vảo cho sự phát triển bền vững trong thời gian tới, doanh nghiệp sẽ xây dựng thương hiệu, quảng bá nâng cao chất lượng sản phẩm trên thị trường và đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, chuyển nhanh lao động sang làm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và các ngành nghề khác, tạo điều kiện phát triển công nghiệp, tỉnh đã có các chính sách để khuyến khích các thành phần kinh tế và các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn đầu tư phát triển để góp phần gia tăng giá trị. Bà Huỳnh Thụy Nguyệt Hảo, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất tôn Sơn Hảo, ở khu vực Bình Thạnh B, phường Bình Thạnh, thị xã Long Mỹ, chia sẻ: “Hồi trước, cơ sở chúng tôi chuyên kinh doanh sắt cung ứng cho lĩnh vực xây dựng. Khi thấy việc sản xuất tôn khá hiệu quả nên gia đình cũng tính mở rộng kinh doanh nhưng còn khá ngần ngại. Thế nhưng thấy sự phát triển của tỉnh, gia đình đã mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư vốn để xây dựng nhà xưởng, thiết bị máy móc với nguồn vốn bỏ ra hơn 1 tỉ đồng”.

Ông Nguyễn Văn Thậm, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh, nhận định: Với chính sách ưu đãi hấp dẫn, tỉnh hy vọng sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, đáp ứng về chất lượng sản phẩm và đảm bảo môi trường đối với lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; tạo ra nguồn năng lượng mới phục vụ nhu cầu sản xuất cũng như sinh hoạt của người dân đối với các dự án năng lương mặt trời. Trong thời gian tới, công nghiệp Hậu Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh khai thác những ngành kinh tế trọng điểm, đặc biệt chú trọng và ưu tiên về lĩnh vực công nghiệp chế biến nông - thủy sản; công nghiệp phụ trợ và năng lượng tái tạo theo chính sách ưu đãi của Chính phủ. Trước mắt, tỉnh tập trung vào công nghiệp chế biến sau thu hoạch đối với các mặt hàng chủ lực, có thế mạnh của Hậu Giang để phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn tỉnh, Thành phố Hồ Chí Minh, khu vực đồng bằng sông Cửu Long; các tỉnh, thành trong cả nước và hướng tới xuất khẩu.

Cũng theo ông Thậm, một số dự án cụ thể về lĩnh vực công nghiệp mà tỉnh đang kêu gọi đầu tư, như: dự án chế biến rau quả; chế biến nước khóm (dứa) cô đặc; chế biến gia súc, gia cầm, thủy sản đóng hộp; tinh luyện dầu thực vật; sản xuất sản phẩm bằng plastic và composite; sản xuất dụng cụ điện và dây cáp điện; sản xuất lắp ráp các sản phẩm điện, điện tử dân dụng, viễn thông và tin học; sản xuất vali, túi xách, giày, dép da xuất khẩu; sản xuất hàng may mặc xuất khẩu; các nhà máy điện mặt trời… Với sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị nói chung và của ngành công thương tỉnh Hậu Giang nói riêng, kỳ vọng sẽ góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XII (nhiệm kỳ 2015-2020) về mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 trở thành tỉnh khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Theo thống kê, qua 15 năm, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp toàn tỉnh đạt khoảng 210.000 tỉ đồng. Riêng năm 2018, ước giá trị sản xuất công nghiệp thực hiện khoảng 30.000 tỉ đồng, tăng gần gấp 9 lần so với năm 2004 (năm 2004 là 3.400 tỉ đồng). Chỉ trong 8 tháng đầu năm nay, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của tỉnh đã đạt 21.953,74 tỉ đồng, tăng 16,24% so với cùng kỳ năm trước và đạt 72,34% kế hoạch năm. Các doanh nghiệp hiện đang hoạt động ổn định, đầu tư mở rộng nhà máy tăng sản lượng sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường, như: Công ty TNHH Lạc Tỷ II, Công ty TNHH Masan Hậu Giang… sẽ góp phần làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.

Theo THANH THÚY (Báo Hậu Giang)