Sức hút của hàng Việt đối với người dân nông thôn

16/04/2019 - 07:57

 - Hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", đầu năm 2019, Siêu thị Tứ Sơn (TP. Châu Đốc) đưa hàng Việt về nông thôn với nhiều nội dung đổi mới, phong phú, hấp dẫn.

Kết thúc đợt I-2019, với 1 phiên chợ và 3 chuyến hàng Việt phục vụ người dân trên địa bàn các xã: Vĩnh An (Châu Thành), Vĩnh Gia, thị trấn Ba Chúc (Tri Tôn), thị trấn Chi Lăng (Tịnh Biên), doanh thu trên 800 triệu đồng, thu hút hơn 10.700 lượt khách tham quan, mua sắm, cho thấy khách hàng luôn đồng hành và ủng hộ hàng Việt.

Tiềm lực của doanh nghiệp quảng bá hàng Việt

Là đơn vị duy nhất của An Giang đầu tư siêu thị lưu động 1.500m2 cùng những chuyến hàng, nhiều năm qua, Siêu thị Tứ Sơn mang sản phẩm hàng Việt đến khắp các vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện cho người dân nông thôn tiếp cận các sản phẩm hàng Việt đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý, phù hợp thu nhập.

Hàng hóa có mặt ở các phiên chợ được Ban hàng Việt của siêu thị tuyển chọn, chính gốc hàng Việt, nên dù đa dạng với mấy ngàn mặt hàng thiết yếu tiêu dùng, lương thực, thực phẩm, đồ gia dụng... nhưng 100% là hàng Việt, chất lượng bảo đảm. Mỗi chuyến hàng, Tứ Sơn chọn 80-100 nhà cung cấp sản xuất trong nước thay nhau mang hàng hóa về phiên chợ và hàng hóa thay đổi theo sự kiện nên lượng hàng hóa lúc nào cũng phong phú, đa dạng, chất lượng tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có nguồn gốc rõ ràng, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng.

 Nhiều năm đưa hàng về nông thôn, Tứ Sơn còn góp phần thay đổi cách nghĩ của người dân tiếp cận với phong cách mua sắm hiện đại, văn minh; ưu tiên lựa chọn tiêu dùng hàng hóa đảm bảo chất lượng, đảm bảo an toàn sức khỏe cho cả gia đình.

Sức hút hàng Việt

Phiên chợ “Tự hào hàng Việt Nam” năm 2019 mở đầu chuỗi hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn của Siêu thị Tứ Sơn tại Dinh Sơn Trung Đức Cố Quản Trần Văn Thành (xã Vĩnh An, Châu Thành) diễn ra 4 ngày, 3 đêm. Phiên chợ mang đến trên 4.000 mặt hàng với nhiều kiểu dáng đa dạng của trên 80 nhà cung cấp, nhà sản xuất có thương hiệu mạnh, nổi tiếng ở Việt Nam. Tại phiên chợ, khách hàng thích thú khi mua sắm hóa đơn 400.000 đồng được nhận ngay quà tặng 2 ly sứ cao cấp có in hình ảnh các địa điểm, di tích nổi tiếng của An Giang. Sản phẩm bán tại các phiên chợ là sản phẩm chất lượng được kiểm soát, giá cả phù hợp. Không chỉ thỏa sức mua sắm, cả gia đình còn được thưởng thức chương trình văn nghệ cổ động đầy náo nhiệt ca ngợi quê hương hoàn toàn miễn phí. Khách hàng có thể thử làm ca sĩ lên sân khấu hát và nhận được quà tặng từ Siêu thị Tứ Sơn.

Phiên chợ hàng Việt của Siêu thị Tứ Sơn thu hút rất đông khách tham quan, mua sắm

Do trùng với ngày cúng Đức Cố Quản Trần Văn Thành nên phiên chợ thu hút rất đông khách tham quan, mua sắm, chen kín không còn lối đi. Bà Đặng Thị Phụng (60 tuổi) cho biết: “Nhà ở cầu số 5 (xã Vĩnh Bình, Châu Thành) sống ở nông thôn tối ngày quanh quẩn trong xóm đâu có dịp được đi siêu thị. Nay đi cúng Dinh thấy có phiên chợ của siêu thị nghĩ sẽ chất lượng hơn, giá 20.000 đồng/cái ca uống nước nên mua về xài”. Chị Nguyễn Thị Thích (ngụ ở xã Tân Phú, Châu Thành) chia sẻ: “Kế bên bán đồ rất nhiều, giá rẻ, nhưng tôi thích mua hàng ở phiên chợ hơn, không chỉ vì mẫu mã đẹp hơn mà quan trọng là không sợ hàng giả”. Đồng ý kiến này, chị Nguyễn Thị Mỹ Nương (ngụ ở xã Nhơn Mỹ, Chợ Mới) cùng cả gia đình đi cúng Dinh thấy có phiên chợ ghé mua mì gói, bánh, đồ chơi cho em bé. Chị Nương cho biết: “Giá cả phù hợp, mua đồ siêu thị yên tâm chất lượng dù ở ngoài bán nhiều”. Chú Đoàn Văn Chiến (ngụ ở phường Vĩnh Mỹ, TP. Châu Đốc) cho biết: “Đồ cúng và để cho người khác ăn cũng phải quan tâm chất lượng. Tôi thường đi Siêu thị Tứ Sơn, bởi chất lượng hàng hóa, giá cả hợp lý, hợp túi tiền. Nghe siêu thị có đưa hàng về đây, tôi ghé mua một số mì, bánh mang vào cúng Dinh”. Khách mua hàng hóa với nụ cười thân thiện. Nụ cười của khách hàng tại phiên chợ chính là động lực giúp Siêu thị Tứ Sơn thực hiện ngày càng tốt hơn trách nhiệm đưa hàng Việt về gần hơn với bà con nông thôn” - đại diện Siêu thị Tứ Sơn chia sẻ.

Sau phiên chợ, chuyến hàng “Tự hào hàng Việt Nam” của Siêu thị Tứ Sơn đã trở lại xã Vĩnh Gia, thị trấn Ba Chúc (Tri Tôn) và thị trấn Chi Lăng (Tịnh Biên) tiếp nối những ngày mua sắm thỏa thích cho quý khách ở địa phương và các vùng lân cận. Diễn ra trong 2 ngày, 1 đêm, chuyến hàng thu hút khá đông người dân nông thôn đến mua hàng hóa.

Hàng Việt hấp dẫn người dân nông thôn

Là người Việt Nam, ai mà không yêu hàng Việt. Vấn đề là dòng hàng đa dạng, phong phú, phù hợp túi tiền. Hơn 30 năm kinh doanh, phân phối, bán lẻ hàng hóa, thấu hiểu tâm lý này, Siêu thị Tứ Sơn lựa chọn hình thức đưa hàng Việt về nông thôn, tiếp cận thị trường vùng sâu, vùng xa bằng phương án hết sức khả thi. Đó là hình thức siêu thị di động với nhiều nội dung phong phú, hấp dẫn. Tối nào tại điểm bán hàng cũng nhộn nhịp người dân ra vào mua sắm. Siêu thị cùng nhau hát giao lưu với khách hàng tôn vinh hàng Việt, tìm hiểu giá trị sản phẩm hàng Việt, nhờ đó thu hút ngày càng đông hơn khách đến với hàng Việt.

Quen với hình ảnh siêu thị lưu động về làng, bà con trông đợi kết hợp vừa đi chơi, xem văn nghệ, vừa mua sắm. Bà Nguyễn Thị Mây (ngụ thị trấn Chi Lăng) cho biết: “Thường đi chợ nên hầu như các mặt hàng hay dùng, tôi đều nhớ hết giá. Tôi thấy Tứ Sơn bán nhiều mặt hàng rẻ hơn giá thị trường, có loại bằng, có loại nhích hơn 1.000-2.000 đồng, nhưng không đáng kể, quan trọng là chất lượng bảo đảm”. Bà Đinh Thị Thu Hằng (khóm I, thị trấn Chi Lăng, Tịnh Biên) chia sẻ: “Năm nào Tứ Sơn đưa hàng về đây, tôi cũng tới mua 1-2 lần, khi thì cây lau nhà, bánh, nước mắm, dầu ăn, bột giặt... và tất cả những thứ xài trong bếp. Hàng hóa nhiều, phong phú, giá rẻ hơn vài ngàn đồng so giá chợ. Mua hàng siêu thị chất lượng yên tâm hơn ngoài chợ”.

Hàng Việt hấp dẫn người dân nông thôn

So với phiên chợ, chuyến hàng quy mô nhỏ hơn. Bà Phạm Thị Diện (ấp Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Trung) góp ý: “Hàng hóa ở đây chất lượng nhưng sao đợt này ít hơn năm ngoái. Tôi rủ mấy người bạn đi mua hàng, họ nói hàng nhiều mới ham đi mua. Đề nghị siêu thị tăng cường bán thêm quần áo, khăn tắm, nồi cơm điện, ấm điện... Cần tổ chức rộng hơn, trưng bày nhiều mặt hàng hơn để người dân lựa chọn và phù hợp với người có thu nhập khá nữa”. Anh Nguyễn Văn Giới (ấp An Hòa, xã An Hảo, Tịnh Biên) chia sẻ: “Thấy siêu thị về, tôi chở vợ và con gái đi chơi, tiện thể mua sắm luôn. Thấy hàng hóa mẫu mã chất lượng, đẹp, giá cả tương đối, nhưng cần tăng cường nhiều hơn để khách lựa chọn, chuyến hàng đồ ít quá. Muốn mua vài cái áo thun, các sản phẩm đồ hộp mà không thấy bán”.

Không chỉ các bà nội trợ, những người kinh doanh hàng gia dụng, các điểm bán cà-phê, thức ăn cũng rất thích siêu thị về làng. Bà Lý Thiên Thanh (thị trấn Chi Lăng) bán quán cà-phê cho biết: “Sáng đã mua 10 cái ca, rồi khô gà, rổ mũ... giờ thấy rẻ mua thêm để pha trà đá. Giá đồ mũ ở đây rẻ hơn ở chợ”.

Tôn vinh hàng Việt

Với cái tâm và tiềm lực sẵn có, Tứ Sơn sẵn sàng đưa hàng tới những địa bàn vùng sâu, vùng xa, tổ chức quảng bá, bán hàng Việt. Với địa hình vùng nông thôn cách trở, cầu đường đi lại khó khăn thì việc chạy những chiếc xe tải chở khung tiền chế để đưa hàng hóa đến tận vùng nông thôn xa là điều không dễ. Động lực nào Tứ Sơn tâm huyết, Giám đốc Siêu thị Tứ Sơn Tạ Minh Sơn chia sẻ: “Đưa hàng Việt về nông thôn và quảng bá hàng Việt, mục đích duy nhất của Tứ Sơn là phải bán được hàng. Nếu không làm được sẽ phụ lòng tin khách hàng nhiều năm qua đã gửi gắm niềm tin cho Tứ Sơn”.

Theo ông Sơn, để người dân nông thôn tiếp nhận sản phẩm Việt, chúng tôi phải nhọc công đi khảo sát thị trường. Tuy cực, nhưng mang lại hiệu quả rất tốt. Cộng với rút kinh nghiệm, doanh nghiệp đồng hành cùng hàng Việt với Tứ Sơn rất nhiều, chúng tôi chọn luân phiên những vùng nào, doanh nghiệp nào phù hợp để đưa hàng về. Chúng tôi đã đồng hành với doanh nghiệp, đã đi là phải bán tốt. Sau đó, người tiêu dùng mới tiếp tục mua sau khi đã sử dụng quen. Điểm mấu chốt, Tứ Sơn yêu cầu doanh nghiệp đồng hành phải kiểm soát chặt về chất lượng, những gì thuộc về quy định nhà nước bắt buộc phải tuân thủ. Năm nay, Tứ Sơn tập trung cổ động trực tiếp. Tại các chuyến hàng, phiên chợ không chỉ hát phục vụ bà con mà cùng với khách hàng hát cổ động hàng Việt, tạo sân chơi cho bà con.

Điều đó lý giải vì sao mỗi chuyến hàng, phiên chợ Tứ Sơn tổ chức rất hiệu quả, thu hút rất đông người dân tham quan, mua sắm. Nhờ được khảo sát chọn dòng hàng hóa phù hợp nhu cầu túi tiền người dân mua sắm nên sức mua cao. Đồng thời, Tứ Sơn làm việc với nhà cung cấp ứng vốn trước để có giá bán tốt cho người tiêu dùng được lợi. Trong khi trên thị trường vẫn còn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thì mỗi phiên chợ, chuyến hàng Việt về nông thôn của Tứ Sơn là lựa chọn mua sắm tốt nhất cho bà con với hàng hóa chất lượng tốt, giá cả hợp lý.

Hiệu quả qua các phiên chợ, chuyến đưa hàng về nông thôn cho thấy, sức mua của bà con có thu nhập tương đối ổn định. Doanh thu vượt hơn sự mong đợi. Ông Sơn chia sẻ: “Kết thúc đợt I, có thể khẳng định, hàng Việt còn sức hút đối với người dân nông thôn, kể cả thị tứ. Thể hiện qua sức mua bà con còn khá cao, hành động người dân mua sắm hàng Việt bằng thái độ hết sức trân trọng và đón nhận tại các phiên chợ Tứ Sơn tổ chức. Đó là động lực khiến doanh nghiệp cần xem đưa hàng Việt đến với bà con vùng sâu, vùng xa là trách nhiệm với xã hội, với người dân.

Phó Giám đốc Sở Công thương Phan Lợi và Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Nguyễn Thị Minh Nguyệt nhận định: “Tứ Sơn là doanh nghiệp chủ lực của tỉnh nhiều năm qua thực hiện chương trình đưa hàng Việt về nông thôn tạo hiệu ứng tốt, tạo điều kiện cho người dân nông thôn tiếp cận các sản phẩm hàng Việt đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý; giúp người tiêu dùng tiếp cận, sử dụng ngày càng nhiều sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt”.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đưa hàng Việt về nông thôn. Đồng thời, kêu gọi xử lý nghiêm các trường hợp mua bán hàng gian, hàng giả, hàng nhập lậu làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh và sức khỏe người tiêu dùng; kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện cuộc vận động… “Người dân cần tạo thói quen ưu tiên trong mua sắm, sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt, thể hiện tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc của người Việt Nam” - ông Nưng kêu gọi.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU