Suy nghĩ sai lầm khiến sởi có thể lây lan thành dịch nguy hiểm

03/10/2018 - 15:35

Nguy cơ sởi lây lan thành dịch với nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng từ những quan niệm chữa trị theo phương pháp dân gian.

Người chưa có miễn dịch với sởi đều có thể mắc bệnh

Theo Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, qua hệ thống giám sát cho thấy có sự gia tăng lưu hành vi rút sởi trong cộng đồng. Trong 8 tháng đầu năm, tỷ lệ sởi chiếm hơn 20% số bệnh phẩm sốt phát ban. Số ca mắc chủ yếu ở trẻ em dưới 5 tuổi, phần lớn tập trung tại vùng Đông Nam bộ như Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương...


 Số trẻ mắc bệnh sởi nhập viện vào các bệnh viện nhi ở TP Hồ Chí Minh trong thời gian qua liên tục tăng.

Ghi nhận tại bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP Hồ Chí Minh), từ đầu tháng 7 đến nay, ở khu nội trú và ngoại trú số trẻ mắc sởi tăng nhanh. Bác sĩ Huỳnh Minh Thu, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, hiện tại khoa Nhiễm bệnh viện có khoảng 20 trẻ đang nằm điều trị nội trú.

Theo giám sát của Trung tâm Y tế Dự phòng TP Hồ Chí Minh, số ca sởi tăng nhanh từ tuần 36 đến tuần 39. Trung bình toàn thành phố có khoảng 15 - 20 mắc sởi mỗi tuần. Tuy nhiên, trong tuần 39 ghi nhận 32 ca, tăng 49% so với những tuần trước đó. Số ca tích lũy từ đầu năm đến nay là 111 ca, các quận, huyện có nhiều ca bệnh là quận Thủ Đức, Tân Phú, quận 12, Bình Tân.


 Những người lớn chưa có miễn dịch đều có thể mắc bệnh sởi.

Các bác sĩ cho biết, bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lây qua đường hô hấp do vi rút sởi gây nên. Trước đây, bệnh sởi chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi và hay xảy ra vào mùa lạnh nhưng hiện nay bệnh có thể mắc ở bất cứ lứa tuổi nào do chưa được tiêm phòng hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm nhắc lại.

Ông Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, cho hay: "Dự báo trên thế giới trong thời gian tới sẽ phải đối mặt với sởi ngay cả những nước đã có loại trừ bệnh sởi. Nhìn chung dịch sởi trong năm 2018 có những diễn biến bất thường. Những nơi nào có sự giao thương đi lại nhiều và sự miễn dịch trong cộng đồng chưa cao là điều kiện thuận lợi cho dịch lây lan".

Theo ông Lân, tất cả những người trong cộng đồng chưa được tiêm chủng, chưa mắc sởi đều có khả năng mắc sởi, nhất là những nơi có sự biến động dân cư. Đối với những trẻ chưa tới tuổi tiêm chủng thì những người chăm sóc trẻ và những người xung quanh cần phải rà soát lại lịch sử tiêm chủng của mình, nếu chưa rõ, tốt nhất nên đi tiêm vắc xin phòng sởi để bảo vệ trẻ.

Những quan điểm sai lầm khi chăm sóc trẻ bị sởi


 Biện pháp phòng ngừa bệnh sởi chính là đưa trẻ đi tiêm vắc xin.

Bác sĩ Trần Ngọc Lưu, khoa Nhiễm bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, bệnh sởi trải qua 4 giai đoạn. Ở giai đoạn ủ bệnh, bệnh nhân chưa có triệu chứng rõ rệt nhưng có thể lây lan thành bệnh. Tiếp đến là giai đoạn khởi phát, bệnh nhân thường có biểu hiện sốt, hô hấp, ho và sổ mũi; ở giai đoạn toàn phát là giai đoạn nổi ban từ sau tai đến mặt xuống ngực bụng và cũng lặn dần theo thứ tự đó, khi ban chuyển dần sang giai đoạn thâm thì trẻ sẽ bớt sốt và có triệu chứng hồi phục.

Bác sĩ Trần Ngọc Lưu cho biết, bệnh sởi là bệnh có thể phòng chống được bằng vắc xin. Để phòng bệnh này tốt nhất nên cho trẻ tiêm chủng theo đúng lịch của tiêm chủng mở rộng. Theo đó, mũi sởi sẽ được chích lúc trẻ 9 tháng tuổi, nếu trẻ lỡ bị sởi trong khoảng thời gian đó thì ngay tháng sau đưa trẻ đi chích ngừa và cho trẻ tiêm mũi nhắc lại vào lúc 15 tháng. Nếu trước đó trẻ chưa được chích ngừa thì sẽ được chích vào lúc 12 tháng tuổi. Khi trẻ đến độ tuổi đến trường thì nên chích nhắc lại cho trẻ.

Bên cạnh khả năng lây lan nhanh, bệnh sởi còn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm tai giữa, khô loét giác mạc mắt, tiêu chảy, viêm não, viêm màng não, và có thể dẫn đến tử vong.

Hiện nay, một số phụ huynh khi thấy con bị sởi thường nghe theo các phương pháp dân gian như để cho nốt phát ban phát hết ra ngoài, ở trong phòng kín, tránh gió, nước... hoặc tìm đến những thầy lang để cắt lễ chỗ phát ban. Bác sĩ Lưu cho biết, đây là quan niệm sai lầm và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Khi trẻ bị bệnh thì cần phải vệ sinh thân thể sạch sẽ để hạn chế những biến chứng khác. Nếu trẻ ở trong phòng tối, đôi khi không quan sát được diễn tiến của bệnh, nhất là dẫn đến viêm loét giác mạc hoặc thể làm ảnh hưởng đến thị lực của trẻ về sau.

"Phụ huynh đưa trẻ đến thầy lang để cắt lễ chỗ phát ban đó là một hành động hết sức nguy hiểm. Bởi việc cắt lễ vừa khiến trẻ đau, vừa tăng nguy cơ nhiễm trùng cho trẻ. Tại bệnh viện cũng đã ghi nhận có trường hợp trẻ bị nhiễm trùng huyết từ những vết cắt trên da", bác sĩ Lưu chia sẻ thêm.

Bác sĩ Ngọc Lưu khuyến cáo: Khi trẻ có những biểu hiện như ho sốt cao, chảy nước mắt, đỏ mắt, ho khan nặng nề, chảy nước mũi thì nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế khám. Đồng thời cần vệ sinh đường hô hấp cho trẻ bằng nước muối sinh lý, cho trẻ uống nhiều nước, mặc đồ thoáng, để trẻ ở những nơi thoáng mát và cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ.

Để phòng bệnh sởi, Trung tâm Y tế Dự phòng TP Hồ Chí Minh cũng khuyến cáo thường xuyên rửa tay cho trẻ bằng nước và xà phòng, người chăm sóc trẻ cũng rửa tay bằng xà phòng; che miệng, mũi khi hắt hơi vào khăn giấy và bỏ khăn vào thùng rác; đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh sởi theo lịch tiêm chủng quốc gia. Hiện TP Hồ Chí Minh đang triển khai tiêm vắc xin sởi tại trạm y tế phường xã; các gia đình có con dưới 5 tuổi chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi hoặc không nhớ đã tiêm hay chưa thì có thể liên lạc với y tế phường xã để được tư vấn.

Theo ĐAN PHƯƠNG (Báo Tin tức)