Tâm huyết khẳng định chủ quyền biển, đảo

12/04/2018 - 07:05

 - Dành phần lớn thời gian cho việc nghiên cứu và sưu tập tem, hơn 3 năm thực hiện bộ sưu tập bì thực gửi tem Hoàng Sa, Trường Sa có dấu bưu điện của 60 quốc gia trên khắp thế giới, ông Trần Hữu Huệ (66 tuổi, ngụ thị trấn Núi Sập, Thoại Sơn) đã làm cho giới chơi tem, bạn bè vô cùng thán phục. Tác phẩm hoàn thành càng có ý nghĩa hơn khi được mang đến buổi Triển lãm tem bưu chính học sinh- sinh viên tỉnh An Giang trong tháng 8-2018, nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Lật giở từng trang tem trong bộ sưu tập, ông Huệ biểu lộ rõ nét niềm hân hoan, phấn khởi khi tới đây nhiều người sẽ biết đến bộ sưu tập, biết đến những nỗ lực của ông trong việc giới thiệu bộ tem Hoàng Sa, Trường Sa. Đó là niềm tự hào và là tiếng nói khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.

Nhớ lại những ngày còn mới “nhen nhóm” ý tưởng, ông Huệ chia sẻ: “Tôi nghĩ mình đang giữ bộ tem Hoàng Sa, Trường Sa, được Tổng cục Bưu điện Việt Nam phát hành năm 1988, do họa sĩ Trần Lương thiết kế, cần gửi ngay đến bạn bè quốc tế, để họ biết rằng Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam từ lâu đời và xuất hiện trên các ấn phẩm, đi vào đời sống, sinh hoạt của cả cộng đồng Việt Nam”.

Ông Huệ kể về từng bì thư trong bộ sưu tập.

Tâm huyết với từng cánh thư, con tem ngay từ nhỏ nên ông Huệ nghĩ là làm ngay. Ông tìm kiếm thông tin để mua lại bộ tem Hoàng Sa, Trường Sa còn được cất giữ bởi những người cùng đam mê và tìm mua hẳn trong kho lưu trữ của Công ty Tem Việt Nam.

Khi đã có vài chục bộ tem Hoàng Sa, Trường Sa, ông bắt tay thực hiện một công đoạn cực kỳ gian nan, đó là viết thư tay cho bạn bè các châu lục Âu, Mỹ, Úc, Phi để bày tỏ nguyện vọng của mình, nhờ dán bộ tem Hoàng Sa, Trường Sa lên bì thư, kèm với lượng tem hiện hành để gửi về Việt Nam cho ông.

Sau bao nhiêu khó khăn, ông Huệ nghĩ cách làm việc chuyên nghiệp hơn, bằng cách tham gia vào Hội Tem thế giới mang tên Asian Cover & Philatelic Circuit. Là thành viên thứ 5.999, ông có dịp kết nối với rất nhiều người mê tem, từ đó có thể trao đổi nguyện vọng làm bì thực gửi có đóng dấu của bưu điện các nước lên bộ tem Hoàng Sa, Trường Sa hay giao lưu, trao đổi về các bộ tem, kinh nghiệm chơi tem ở mỗi quốc gia.

Thư có tem Hoàng Sa, Trường Sa được gửi về từ Mocambique.

Chưa kịp chia sẻ với chúng tôi về cảm giác hồi hộp đợi chờ thư phản hồi như thế nào thì một anh nhân viên bưu cục mang thư đến, đó là một minh chứng thiết thực cho niềm hạnh phúc của người chơi tem. “Trong cuộc sống hiện nay, việc viết thư tay, dán tem, đến bưu điện gửi thư là một điều xa xỉ. Nhưng đó là niềm vui một thời đã qua, bạn bè tôi vẫn còn lưu giữ.

Chính những con tem cho tôi sự hiểu biết, trưởng thành hơn vì được học biết bao văn hóa, tập tục, vùng đất, con người trên cả thế giới. việc làm đầy ý nghĩa này thể hiện tiếng nói, khẳng định với bạn bè quốc tế rằng Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.

Bên cạnh đó, tôi còn có những con tem do Trung Quốc phát hành, in bản đồ quốc gia này vào nhiều năm trước chỉ đến đảo Hải Nam, hoàn toàn không có các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa” - ông Huệ chia sẻ.

Bộ tem Hoàng Sa, Trường Sa có 2 mẫu, trị giá 10 đồng và 100 đồng.

Với thời gian trên 3 năm, gửi thư đến nhiều quốc gia trên thế giới nhưng ông Huệ chỉ nhận lại từ 60 nước. Tuy chưa thỏa được nguyện vọng nhưng ông nghĩ đã đến lúc cần công bố bộ sưu tập và mang đến các kỳ triển lãm tem.

Việc làm này không những củng cố niềm tin cho người dân trong nước, mà còn giúp bạn bè quốc tế có cái nhìn đúng đắn hơn về chủ quyền, lãnh thổ của Việt Nam.

“Tôi rất đồng tình với sự nỗ lực của nhiều nhà khảo cứu, sử học, khoa học trên cả nước trong việc sưu tập những cứ liệu quý giá minh chứng cho Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Tôi tin rằng, bản thân mình đang góp phần vào việc khẳng định chủ quyền biển, đảo của đất nước một cách khoa học và hiệu quả” - ông Huệ bày tỏ.

Bài, ảnh:  NGỌC GIANG