Tấm lòng của cô giáo

21/02/2019 - 07:48

 - Với chúng tôi, cô Phan Thu Thủy (sinh năm 1964, ngụ phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) có vai trò quan trọng trong việc duy trì, “truyền lửa” cho nhiều mảnh đời bất hạnh ở lớp học tình thương (khóm Nguyễn Du, phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên).

Trong niềm vui của những ngày đầu năm mới, nụ cười ở lớp học đặc biệt của cô Thủy như rôm rả hơn. Đang giờ ra chơi, lớp càng sôi động hơn khi cô giáo ân cần hỏi thăm từng học trò nhỏ. Cô Thủy cho biết, thời gian gần đây, nhiều nhà hảo tâm đã hỗ trợ quà, bánh, tiền cho các em ăn sáng, trưa, thậm chí là ăn chiều. Các em vui, gia đình các em rất phấn khởi vì con em họ được quan tâm, giúp đỡ. Nói là lớp học, thật ra nơi cô Thủy dạy rất chật hẹp, khoảng 14-15 bộ bàn ghế, 1 tấm bảng đen và nhà vệ sinh. Tháng 4-2018, lớp học mới được xây cất khang trang nhờ sự tiếp sức các nhà hảo tâm.

Cô Thủy gắn bó với những học sinh “đặc biệt” chỉ vì tình thương

 “Ấn tượng đầu tiên với lớp là hàng chục đứa trẻ lấm lem, quần áo cũ kỹ, thâm đen với những gương mặt thơ ngây. Lúc đó, sợi dây liên kết duy nhất của tôi và các em là sự đồng cảm. Bởi, lúc xưa, gia cảnh tôi nghèo khó, không được học hành đến nơi đến chốn. Trông các em, tôi như nhìn thấy chính mình của nhiều năm trước. Vì lẽ đó mà tôi cho rằng, mình phải có trách nhiệm yêu thương, dạy dỗ các em nên người, để thành người có ích” - cô Thủy tâm sự.

Gắn bó lâu ngày nên tình cảm giữa cô và trò nơi đây cũng đặc biệt hơn. Ngồi trong lớp học tình thương, tôi cảm nhận “sợi dây yêu thương” lan tỏa khắp nơi. Cô giáo tuy nghiêm nghị nhưng trái tim ấm áp hơn bao giờ hết. Còn học trò, dẫu có nghịch ngợm vì sự hiếu kỳ của trẻ nhỏ nhưng rất biết cách làm cô giáo vui lòng. Cô Thủy chia sẻ, các em là người “truyền lửa” cho mình. Nhìn các em, cô thấy mình cần phải phấn đấu và nỗ lực hơn nhiều để trở thành tấm gương cho các em noi theo. Với chúng tôi, cô Thủy là người “thắp lên ngọn lửa” nơi những đứa trẻ nghèo khó. Dù công việc có thầm lặng, có “vô danh” thế nào, thì cô giáo ấy vẫn nguyện gắn bó bền chặt vì 2 chữ “yêu thương”. “14 học trò ở đây, tôi nắm rõ hoàn cảnh từng em. Càng đi sâu, tôi càng giật mình và thương cảm trước số phận của các em. Đứa thì cha mẹ bỏ, sống nương nhờ tình thương ông bà, chú bác; có em chỉ sống với cha hoặc mẹ nhưng suốt ngày lam lũ mưu sinh, tương lai quá xa vời. Đôi khi đang ngồi học, có em xin phép nghỉ học sớm để về phụ bán vé số tiếp cha mẹ. Nghe mà không cầm lòng được, biết làm sao hơn khi bản thân chỉ biết trao con chữ và sự yêu thương cho học trò nhỏ của mình! Qua nhiều lần sẻ chia trên mạng xã hội cũng như được báo chí quan tâm, lớp học tình thương được xã hội quan tâm nhiều hơn. Các em vui mừng vì có quần áo mới, có đồng phục đẹp, sách vở tinh tươm, tôi hạnh phúc theo” - cô Thủy chia sẻ.

Vì là lớp tình thương nên động lực duy nhất thôi thúc cô giáo là tình thương. Nhìn quanh lớp học, nhắc nhở học trò mình làm bài, cô Thủy tiếp tục câu chuyện: “Không hiểu sao, khi đến lớp, nhìn thấy năng lượng và sự tích cực nơi các em, tôi quên bao mệt nhọc và phiền não, chỉ khi nào lớp học không cần đến tôi nữa thì tôi mới nghỉ. Điều tôi quan tâm nhất là thái độ của nhiều gia đình học sinh. Vẫn còn một số gia đình không quan tâm đến con em, phó mặc tất cả cho giáo viên của lớp học tình thương”. Em Chau Kim Tiên (13 tuổi, học sinh lớp học tình thương) bày tỏ. “Con thương cô Thủy lắm! Cô quan tâm và dạy bảo con rất nhiều điều y như mẹ ở nhà. Cô dạy con biết yêu thương, chia sẻ, cảm thông. Khi mới vào đây, con chưa biết đọc, viết rành, nhưng giờ thì tốt hơn”.

Đến với lớp học đặc biệt này, tôi càng hiểu vì sao một cô giáo bận bịu nhiều việc vẫn tự nguyện gắn bó lớp, học sinh ngoan ngoãn và biết nhường nhịn nhau vì lời dạy của cô. Tất cả chỉ là tình thương, bởi không có tình thương, con người sẽ không bao giờ làm được những điều “phi thường”!

Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN