Tấm lòng người cựu chiến binh với lớp học tình thương

08/05/2018 - 09:11

 - Có dịp trò chuyện với ông Phạm Hữu Thời, người “khai sinh” lớp học tình thương nằm trong con hẻm nhỏ khóm Nguyễn Du (phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên, An Giang) mới thấy hết tấm lòng của người cựu chiến binh (CCB) đối với trẻ em nghèo thất học. Cái lợi ông Thời nhận được trong suốt 23 năm gắn bó với lớp học là đã rèn cho bọn trẻ đạo đức, nhân cách làm người, dạy kiến thức và kỹ năng sống để các cháu không lầm đường lỡ bước.

A A

Cô Trần Kim Phượng, giáo viên nghi hưu tình nguyện đến giảng dạy tại lớp học tình thương

Men theo con đường nhỏ quanh co thuộc khóm Nguyễn Du, tôi tìm đến lớp học tình thương do người CCB Phạm Hữu Thời (sinh năm 1951, hiện là Phó Chủ tịch UBMTTQ kiêm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Mỹ Bình) tạo lập.

Xa xa đã nghe tiếng ê a đọc bài của bọn trẻ, những thanh âm trong veo giúp xua tan cái vắng lặng, khơi lên sức sống cho xóm lao động nghèo.

Nằm khuất trong con hẻm, lớp học tình thương có diện tích khoảng 20m2 mở cửa xuyên suốt 23 năm qua, tạo điều kiện cho trên trăm trò nhỏ được “chạm tay” vào con chữ.

Kể về quá trình “khai sinh” lớp học tình thương, ông Thời cho biết: “Năm 1980, sau khi từ quân ngũ trở về địa phương, quan sát xung quanh tôi thấy nơi mình đang sống còn nhiều người phải chật vật mưu sinh nên thiếu sự quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ con cái.

Đến cuối năm 1994, tôi tham gia công tác tại phường Mỹ Bình và được bố trí nhiệm vụ tại khóm Nguyễn Du. Khoảng thời gian làm việc tại khóm, tôi hiểu rõ hơn về hoàn cảnh những đứa trẻ sống tại đây, tôi trăn trở không yên nên bàn với lãnh đạo khóm, phường rồi quyết định mở lớp học tình thương vào tháng 10-1995”.

Giai đoạn đầu mở lớp, với bước đi khập khiễng trên đôi chân bị trúng đạn trong chiến tranh, người CCB phải “gõ cửa” từng nhà có trẻ nhỏ chưa được đến trường để vận động cha, mẹ các cháu cho con tham gia lớp học tình thương, rồi kiêm luôn nhiệm vụ thầy giáo giảng dạy bọn trẻ.

Khi đó, gia cảnh ông Thời chẳng dư giả gì, nhưng để đảm bảo hoạt động của lớp học và giữ chân học trò, ông đã dành hết khoản tiền trợ cấp thương binh hàng tháng của mình để trang bị những thứ cần thiết cho lớp học, mua dụng cụ học tập cho học sinh và việc làm ấy được ông duy trì đến nay.

Nhớ về chặng đường gian nan gầy dựng lớp học tình thương, ông Thời tâm sự: “Lớp học có thể hoạt động mấy chục năm nay phải kể đến tấm lòng và công lao của cô Võ Thị Giỏi - người đã tình nguyện gắn bó giảng dạy suốt 18 năm kể từ ngày lớp học “ra đời”. 

Tiếp nối tấm lòng của cô Giỏi, lớp học may mắn được cô Phan Thu Thủy nhiệt tình giảng dạy, nay có thêm cô Trần Kim Phượng góp sức. Ngoài ra, còn có các cháu sinh viên Trường Đại học An Giang luân phiên đến kèm cặp bọn trẻ”.

Hiện lớp học tình thương có tất cả 13 em theo học, từ chương trình lớp 1 đến lớp 5. Giống như 1 lớp học phổ thông, các em học sinh đến lớp từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, mỗi ngày học từ 7 giờ  30 phút đến khoảng hơn 10 giờ.

Gần 6 năm “bén duyên” với lớp học tình thương, cô Phan Thu Thủy hiểu rất rõ về hoàn cảnh của những đứa trẻ, cô cho biết: “Các cháu đang theo học ở đây phần lớn là con em lao động nghèo từ nơi khác đến thuê phòng trọ để bán vé số, phụ hồ, làm mướn hoặc buôn bán nhỏ.

Do cha, mẹ tất bật mưu sinh nên không quan tâm đến việc làm giấy tờ và cho các cháu nhập học đúng độ tuổi. Chúng tôi hiểu rõ hoàn cảnh nên thương và đối xử với các cháu như ruột thịt. Ngoài dạy kiến thức, lớp học còn tổ chức các buổi ngoại khóa, dạy kỹ năng sống, rèn đạo đức cho các cháu”.

Qua thăm hỏi, trò chuyện với các em học sinh của lớp học tình thương, tôi nhận ra từ điều kiện thực tế của gia đình và hoàn cảnh đang sống khiến các em không thể định hình được cho mình một ước mơ.

Tuy nhiên, các em đều có chung sở thích, đó là mỗi ngày được đến lớp học, được làm toán, được đọc đồng dao, được ăn những món bánh của ông ba (ông Nguyễn Hữu Thời) và các cô cho. Bởi, đối với các em, việc đi bán vé số hoặc theo cha rong ruỗi bán trái cây, theo mẹ đi làm thuê sau buổi học đều rất mệt và không vui như ở lớp học.

Sau 23 năm tồn tại với hình dạng khung gỗ, vách, mái tole, mới đây, lớp học tình thương được Mạnh Thường Quân hỗ trợ kinh phí xây mới khang trang. Nhìn những đứa trẻ ngồi trong lớp học thoáng mát, sạch đẹp, ông Thời bày tỏ: “Tôi rất ấm lòng khi lớp học tình thương được cộng đồng quan tâm, giúp đỡ. 

Hiện, lớp học chỉ có thể dạy cho các cháu đến chương trình lớp 5, tôi ao ước mở được lớp dạy may để hướng dẫn các cháu nghề nghiệp. Sau đó, sẽ giới thiệu các cháu vào làm việc tại các xí nghiệp. Nếu được như vậy, cuộc sống của các cháu sẽ phần nào cải thiện, không phải vất vả như cuộc sống hiện nay của cha, mẹ các cháu”.

MỸ LINH