Tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc

12/10/2018 - 10:58

 - An Giang có nhiều nguồn phụ phẩm nông nghiệp (NN) rất phong phú và đa dạng như: trấu, rơm rạ, thân cây bắp, chuối... Thay vì bỏ đi, nông dân ở các địa phương đã biết tận dụng các loại phụ phẩm này để trồng nấm, làm nhiên liệu, nuôi trùn, phân bón, đặc biệt là làm thức ăn trong chăn nuôi gia súc. Qua đó, góp phần bảo vệ môi trường sống, tạo thêm giá trị, tăng thu nhập cho nông hộ.

Tăng giá trị của phụ phẩm nông nghiệp

Trong quá trình sản xuất NN hay chế biến nông sản, bên cạnh những sản phẩm chính thu được thì khối lượng phụ phẩm cũng rất lớn. Như vậy, những phụ phẩm này nếu không được xử lý tốt, đúng cách sẽ ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Phụ phẩm có thể tận dụng cho nhiều mục đích khác nhau, trong đó sử dụng để chế biến thành thức ăn phục vụ cho việc chăn nuôi là hướng đi tích cực. Theo TS Nguyễn Thế Thao, Trưởng bộ môn Chăn nuôi - Thú y (Trường Đại học An Giang), từ trước đến nay, người dân có thói quen sử dụng phụ phẩm trồng trọt làm thức ăn cho gia súc. Tuy nhiên, cách thức sử dụng vẫn còn rất thô sơ, quy mô hộ gia đình mà chưa phát triển thành công nghệ chế biến với quy mô công nghiệp.

Mô hình tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để nuôi dê, bò của gia đình ông Phó Văn Tới (Châu Thành)

Mô hình tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để nuôi dê, bò của gia đình ông Phó Văn Tới (Châu Thành)

TS Thao đưa ra một số biện pháp xử lý phụ phẩm NN để làm thức ăn cho gia súc nông dân có thể ứng dụng được: cắt ngắn, phơi khô, nghiền nhỏ, xử lý kiềm, phương pháp ủ chua thức ăn, ủ men vi sinh vật hoạt tính, phối trộn thức ăn tinh cho bò vỗ béo... Với cách làm đơn giản, nhưng sẽ góp phần giúp gia súc tăng trọng lượng, cải thiện chất lượng thịt, rút ngắn thời gian xuất chuồng. “Nếu muốn sử dụng phụ phẩm NN như một nguồn nguyên liệu thức ăn cho gia súc cần nhất tiến hành xử lý, chế biến trước một bước. Có như thế mới giúp cải thiện thành phần dinh dưỡng, tăng khả năng tiêu hóa, hấp thu, giảm ảnh hưởng của độc tố; dự trữ được nguồn thức ăn, khắc phục tính thời vụ của cây trồng và đảm bảo đáp ứng quanh năm nguồn thức ăn cho gia súc. Từ đó góp phần hạ giá thành và tăng lợi nhuận cho người chăn nuôi”- TS Thao thông tin.

Nhiều mô hình hiệu quả

Theo Trung tâm Khuyến nông An Giang, thời gian qua, nhiều mô hình tận dụng phụ phẩm NN làm thức ăn cho gia súc đã được triển khai hiệu quả ở nhiều địa phương trong tỉnh. Điển hình như: tận dụng thân cây bắp để làm thức ăn trong chăn nuôi bò, nổi bật là mô hình trồng bắp thu trái non kết hợp nuôi bò vỗ béo của nông dân các xã: An Thạnh Trung, Mỹ An, Hội An... của huyện Chợ Mới. Ngoài ra, nông dân còn biết kết hợp thực hiện các mô hình chăn nuôi khác để đem lại hiệu quả cao: mô hình 3B (bắp - bò- biogas), 2B (bắp - bò), VAC... Bên cạnh nguồn thu từ mô hình trồng bắp non, khi sử dụng thân cây bắp để vỗ béo bò còn giúp tăng thêm lợi nhuận 2-3 triệu đồng/ha. Song song đó, tỉnh còn xây dựng mô hình ứng dụng giải pháp phù hợp trong chế biến phụ phẩm NN làm thức ăn cho bò thịt tại 3 huyện: Chợ Mới, Châu Thành, Châu Phú. Với việc xây dựng khẩu phần ăn, phương pháp cho ăn để vỗ béo bò thịt tăng thêm 30% so với phương pháp chăn nuôi thông thường, nhằm rút ngắn thời gian chăn nuôi, mang lại hiệu quả cho người chăn nuôi. Ngoài ra, tỉnh còn đang triển khai thử nghiệm các mô hình: tận dụng phụ phẩm từ rau màu trong chăn nuôi; sử dụng thân cây chuối làm thức ăn cho bò...

Mô hình tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để nuôi dê, bò của gia đình ông Phó Văn Tới (Châu Thành)

Nhiều năm nay, bằng cách sử dụng phụ phẩm NN, mô hình chăn nuôi bò cái sinh sản, nuôi dê của gia đình ông Phó Văn Tới (nông dân ấp Phú An I, xã Bình Hòa, Châu Thành) đã ghi nhận hiệu quả. Với quy mô đàn dê 450 con, ông Tới sử dụng nguồn phụ phẩm hèm bia, rau muống khô, vỏ trái đậu nành đã luộc chín, lá mít, thân lá chuối và cỏ VA06 thái nhỏ... Nhờ vậy, tiết kiệm chi phí chăn nuôi, mang về lợi nhuận cho gia đình trên 400 triệu đồng/năm. Đó là chưa kể mô hình nuôi bò cái sinh sản hàng chục con được ông sử dụng nguồn rơm ủ Urea nên dù trong mùa mưa, rơm vẫn có thể dự trữ để làm thức ăn cho bò trong 3-5 tháng mà không bị hư. “Nhờ nguồn rơm ủ nên đã kích thích bò ăn nhiều, kích thích sự tăng trưởng nhanh chóng, tiết kiệm nhân công đi cắt cỏ”- ông Tới phấn khởi.

ÁNH NGUYÊN