Tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS

30/11/2018 - 06:46

 - Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2018 (từ ngày 10-11 đến 10-12) có chủ đề “Hãy hành động để hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020”. Đến năm 2020, chúng ta phải nỗ lực để thực hiện được mục tiêu: 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác.

Để hưởng ứng ngày thế giới phòng, chống AIDS (1-12), UBND tỉnh tổ chức lễ mít-tinh, diễu hành, đêm giao lưu văn nghệ tại TX. Tân Châu để cán bộ và nhân dân nâng cao nhận thức và ý thức trong phòng, chống HIV/AIDS.

Theo UBND tỉnh, dịch HIV/AIDS tiếp tục là mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người dân, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội và tương lai của giống nòi.

Tại An Giang tính đến ngày 30-9-2018 toàn tỉnh có 10.914 người nhiễm HIV; trong đó có 8.558 người chuyển sang AIDS và 5.373 trường hợp đã tử vong. Hiện đã có 4.485 người đang được điều trị bằng thuốc kháng virus HIV (thường gọi là ARV); 457 người điều trị methadone.

Để hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 cần phát hiện sớm người nhiễm HIV trong cộng đồng, đưa người nhiễm vào điều trị sớm và điều trị đạt chất lượng, góp phần giảm số người nhiễm mới HIV hàng năm; giảm số người chuyển sang AIDS và giảm số người tử vong do HIV/AIDS.

Một trong những nỗ lực phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đã và đang tiếp tục tăng cường các hoạt động dự phòng, xét nghiệm phát hiện HIV, bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV, cho những người có hành vi nguy cơ cao, người dân sống vùng sâu, vùng xa. Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Tăng cường sự hỗ trợ của gia đình và xã hội với người nhiễm.

Nỗ lực mở rộng độ bao phủ nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế dự phòng, xét nghiệm HIV, bảo hiểm y tế và điều trị HIV/AIDS đến mọi người dân. Tổ chức hội thảo chủ đề xét nghiệm HIV tại cộng đồng, đánh giá việc điều trị nghiện bằng chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế...

Tổ chức gặp mặt, tham gia sinh hoạt câu lạc bộ, hội thảo với những người nhiễm HIV; truyền thông dự phòng lây nhiễm HIV tiếp tục thực hiện hành vi an toàn, tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng, lợi ích của xét nghiệm, điều trị sớm; vận động người nhiễm chủ động tham gia và sử dụng thẻ bảo hiểm y tế khám, chữa bệnh...

Biểu dương gương điển hình người nhiễm HIV hoặc người có hành vi nguy cơ cao chủ động tham gia phòng, chống HIV/AIDS vươn lên tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập và giúp nhau trong cuộc sống. Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS phối hợp Hội Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh tổ chức thăm hỏi và phát quà cho cá nhân, gia đình bệnh nhân AIDS, giúp đỡ người nhiễm hòa nhập cộng đồng....

Mỗi người dân cần có những hành động cụ thể, cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm, HIV/AIDS, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” tỉnh kêu gọi các cơ quan, đơn vị, các tổ chức đoàn thể, các doanh nghiệp cùng toàn thể nhân dân, đoàn viên, thanh thiếu niên, học sinh… có những hành động cụ thể phòng, chống HIV/AIDS. Lãnh đạo các cấp, ngành, các tổ chức đoàn thể, xã hội trong tỉnh xem công tác phòng, chống HIV/AIDS là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện; đồng thời chỉ đạo quyết liệt, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị đầu mối, đơn vị phối hợp nhằm đẩy mạnh và duy trì bền vững phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư” trong toàn tỉnh.

Tích cực triển khai các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông trong phòng, chống HIV/AIDS trên các phương tiện thông tin đại chúng sâu rộng trong nhân dân, đặc biệt người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc ít người nhằm giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với những người nhiễm và người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

Ngành y tế với chức năng là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo tỉnh chủ trì phối hợp các Sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan tiếp tục mở rộng độ bao phủ và nâng cao chất lượng các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS.

Tạo điều kiện thuận lợi để người nhiễm HIV/AIDS, không phân biệt giới tính, địa vị xã hội, dân tộc, tôn giáo… được tiếp cận dễ dàng với các dịch vụ dự phòng và chăm sóc HIV/AIDS, góp phần quan trọng kiềm chế sự lây lan của HIV trên địa bàn tỉnh.

HẠNH CHÂU