Tăng cường giải pháp ngăn dòng bỏ học

16/08/2019 - 05:51

 - Trong xã hội hiện đại ngày nay, việc “Học, học nữa, học mãi” là rất quan trọng để nâng cao dân trí, góp phần phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Công tác khuyến học - khuyến tài có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển xã hội, nhằm mục tiêu xây dựng xã hội học tập. Đặc biệt, kịp thời hỗ trợ những học sinh (HS) khó khăn có điều kiện tiếp tục đến trường, ngăn dòng bỏ học.

An Phú là xã miền núi, dân tộc, biên giới của huyện Tịnh Biên, đang thụ hưởng chương trình giảm nghèo của Chính phủ. Toàn xã có 2.117 hộ dân, với 8.044 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số Khmer 162 hộ (781 người), chủ yếu sống bằng nghề nông và chăn nuôi. Xã An Phú có 424 HS nghèo và cận nghèo, đây là những em có nguy cơ bỏ học cần phải quan tâm.

Huyện An Phú trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó

Quá trình vận động gây quỹ Khuyến học ở địa phương gặp nhiều khó khăn do là xã nghèo miền núi, biên giới, không có doanh nghiệp lớn trên địa bàn, đời sống dân cư còn nhiều thiếu thốn. Hội Khuyến học xã được sự quan tâm của các cấp, ngành để chăm lo cho khuyến học, khuyến tài. Mỗi năm, hội vận động trên 300 triệu đồng mua thẻ bảo hiểm y tế cho HS nghèo, trao học bổng, xe đạp, sách giáo khoa… giúp nhiều HS được tiếp tục đến trường. Qua hỗ trợ của hội, nhiều em đã trưởng thành, tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định.

Có thể thấy, việc Hội Khuyến học phối hợp chính quyền địa phương và các tổ chức, đoàn thể... đã tạo điều kiện giúp các em có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đến lớp. Năm học qua, quỹ Khuyến học toàn tỉnh đã tiếp nhận (tiền và hiện vật) trị giá hơn 85 tỷ đồng, qua đó trao hơn 12.000 suất học bổng cho HS, sinh viên nghèo, học giỏi…

Chương trình “Quà tiếp bước đến trường” ở các cấp hội tiếp nhận hơn 16 tỷ đồng (bao gồm tiền và hiện vật), hỗ trợ tập vở, sách giáo khoa, dụng cụ học tập, quần áo cho HS nghèo và cận nghèo, HS mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào đầu năm học mới, tạo điều kiện cho tất cả HS được đến trường, không bỏ học vì gia cảnh nghèo khó. Bằng nguồn vận động trên, Hội Khuyến học các cấp trong tỉnh đã hỗ trợ cho 72.262 HS, sinh viên vượt qua khó khăn, tiếp tục đi học.

Tặng xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi ở huyện An Phú    

Những năm qua, tỉnh triển khai tốt công tác phổ cập giáo dục ở bậc Tiểu học khá vững chắc, tỷ lệ HS giảm rất ít (3.082 HS, với 1,6%). Tuy nhiên, ở bậc THCS, tỷ lệ giảm còn cao (4.827 HS, tỷ lệ 3,82%); số HS bỏ học trong hè còn khá cao do nhiều em theo cha mẹ đi làm ăn xa. Ở bậc THPT giảm 1.215 HS, tỷ lệ 2,57%.

Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Đặng Hoài Dũng lưu ý: “Tôi thống kê nhiều năm liền cho thấy, tỷ lệ HS bỏ học ở bậc THCS rất cao, ảnh hưởng đến quy mô của bậc THCS, THPT. Đề nghị Sở Giáo dục - Đào tạo và các cấp, ngành quan tâm, có giải pháp quyết liệt để kéo giảm, đặc biệt quan tâm chống bỏ học trong các giai đoạn chuyển tiếp giữa các cấp học (từ lớp 5 lên 6, lớp 9 lên 10). Nhiều năm liền, tỷ lệ HS bỏ học từ lớp 5 lên 6 luôn cao hơn tỷ lệ bỏ học từ lớp 6 lên 7. Tuy nhiên, giai đoạn chuyển tiếp này chưa được quan tâm, mà hầu như chỉ chú ý số HS đầu vào lớp 6. Còn ở bậc THPT mất hơn 1.000 HS trong 1 năm học, tỷ lệ HS bỏ học tới 2,49% là còn cao. Đây là tỷ lệ tính từ lớp 10, chứ nếu lấy tổng số HS lớp 9 qua lớp 10 thì còn cao hơn gấp đôi”.

Theo ông Đặng Hoài Dũng, công tác khuyến học - khuyến tài là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị để chăm lo cho sự phát triển của tương lai đất nước, chứ không riêng của Hội Khuyến học hay của ngành giáo dục và đào tạo. Vậy nên, cần tuyên truyền mạnh mẽ về hiệu quả của công tác khuyến học, khuyến tài trong điều kiện hiện nay, về tư tưởng học tập suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là tiếp tục đa dạng hóa cách thức xây dựng quỹ Khuyến học, để hỗ trợ cho HS, sinh viên nghèo hiếu học, có ý chí được tiếp tục học tập.

Bài, ảnh: HỮU HUYNH