Tăng cường giải pháp phòng, chống khô hạn

12/03/2018 - 08:43

Theo Tổng cục Thủy lợi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), mùa khô năm 2018 đang bắt đầu, nguồn nước về ĐBSCL từ thượng nguồn sông Mê Công nhiều hơn so cùng kỳ năm 2017. Đây được xem là điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt sự điều tiết nguồn nước từ Biển Hồ về ĐBSCL với tổng lượng dòng chảy 39,3 tỉ m3 và lượng trữ từ các hồ thủy điện khoảng 40 tỉ m3 tạo thuận lợi cho sản xuất trong mùa khô hạn. Tuy nhiên, vùng ĐBSCL cũng cần đề phòng khả năng xuất hiện các thời điểm có dòng chảy thấp, khô hạn, thiếu nước ngọt có thể xảy ra.

A A

Huyện Vĩnh Thạnh tăng cường công tác nạo vét kênh, rạch, khai thông dòng chảy, phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Từ sau Tết Nguyên đán, tình hình xâm nhập mặn xuất hiện  tại các cửa sông Cửu Long và các tỉnh ven biển khá nhanh, vượt quá 4g/l. Đối với các vùng cách biển từ 30 - 50km có khả năng bị mặn 4g/l xâm nhập vào các tháng 3 và 4 (kể cả tháng 5 nếu không có mưa) và các vùng cách biển từ 60 - 65km tuy ít gặp xâm nhập mặn 4g/l, nhưng cũng cần cẩn thận trong các đợt triều cường. Từ thực trạng trên, Tổng cục Thủy lợi khuyến cáo các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cần triển khai thực hiện một số công tác trọng tâm như: theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng - thủy văn do các cơ quan chuyên ngành cung cấp, thông tin dự báo mặn xâm nhập, thông tin về nguồn nước do các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT chuyển đến để chủ động thực hiện giải pháp ứng phó; tăng cường quan trắc độ mặn, theo dõi chặt chẽ thông tin xâm nhập mặn, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng đến người dân; bố trí cơ cấu sản xuất, cơ cấu cây trồng phù hợp, xác định vùng nuôi thủy sản nước mặn ổn định, có ranh giới mặn - ngọt rõ ràng, chủ động phương án điều tiết nước cho phù hợp; tăng cường nạo vét kênh mương, đắp đập thời vụ ngăn mặn và trữ nước ngọt chống hạn, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân, phục vụ sản xuất...

Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, đến thời điểm này, ngành nông nghiệp thành phố đã triển khai kế hoạch và chỉ đạo các địa phương thực hiện các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tưới tiêu, nạo vét, khai thông dòng chảy, phục vụ sản xuất nông nghiệp... Điển hình, huyện Phong Điền đã triển khai kế hoạch thực hiện chiến dịch thủy lợi mùa khô kết hợp xây dựng giao thông, bảo vệ môi trường, nâng chất tiêu chí nông thôn mới tại địa phương vào đầu tháng 3-2018. Qua đó, địa phương thực hiện nạo vét, khai thông dòng chảy tại các tuyến kênh, rạch nhằm đáp ứng tốt hoạt động bơm tát, tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp; nâng cao hệ thống đê bao giữ nước, ngăn chặn ngập lụt trong mùa nước lũ... Theo kế hoạch, từ nay đến hết tháng 7-2018, huyện Phong Điền sẽ nạo vét, khai thông dòng chảy 75,7km các sông, rạch trên địa bàn; xây dựng, gia cố 86 đập giữ nước ngọt; kè mé, gia cố 11,5km đê bao; xây dựng và sửa chữa gần 50km đường giao thông... Ông Nguyễn Út Em, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phong Điền, cho biết: “Nhằm chủ động đối phó với diễn biến của khô hạn, địa phương đã chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu trong mùa khô 2018 và những năm tiếp theo. Chiến dịch thủy lợi mùa khô 2018 kết hợp xây dựng giao thông, bảo vệ môi trường là những giải pháp góp phần đảm bảo an toàn cho sản xuất nông nghiệp, phục vụ dân sinh và nâng chất tiêu chí nông thôn mới ở huyện Phong Điền”.  

Ngành nông nghiệp huyện Cờ Đỏ hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng sử dụng ít nước trong mùa khô, hạn.

TP Cần Thơ đã triển khai Quy hoạch xây dựng, củng cố hệ thống thủy lợi tại khu vực sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến 2030. Trong đó, thành phố hoàn thiện hệ thống thủy lợi trên địa bàn các quận, huyện, đặc biệt những vùng phục vụ sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, như: huyện Phong Điền, Cờ Đỏ, Thới Lai, Vĩnh Thạnh; các quận: Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt. Trong đó tập trung xây dựng các hạng mục công trình cần thiết, cấp bách để bảo vệ an toàn 73.000ha đất sản xuất nông nghiệp, đảm bảo sản xuất ổn định và giảm thiểu thiệt hại do lũ, tăng cường trữ nước cho mùa khô, phòng chống hạn mặn, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kết hợp phát triển hệ thống giao thông nông thôn; xây dựng hệ thống thủy lợi đảm bảo kiểm soát khô hạn, lũ và vận hành linh hoạt theo từng cấp độ, ổn định sản xuất theo phân vùng quy hoạch thủy lợi... Với quy hoạch này, TP Cần Thơ được chia thành 7 vùng thủy lợi cơ sở: vùng I (vùng Bắc Cái Sắn, huyện Vĩnh Thạnh); vùng II (vùng Cái Sắn - Thốt Nốt), gồm cả khu vực đô thị; vùng III (vùng Thốt Nốt - Ô Môn); vùng IV (vùng Ô Môn - Xà No); vùng V (vùng Bình Thủy - Ninh Kiều) khu vực đô thị; vùng VI (vùng Nam Cái Răng); vùng VII (khu vực cù lao Tân Lộc và cồn Sơn).  

Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, chỉ đạo: “Ngay thời điểm này, các địa phương cần tập trung thực hiện thủy lợi mùa khô, nạo vét, khai thông dòng chảy tại các tuyến kênh, rạch đã bị bồi lắng; vận động người dân đóng góp vật chất, ngày công thực hiện thủy lợi nội đồng, phục vụ tốt cho sản xuất các mùa vụ tiếp theo. Riêng, Quy hoạch xây dựng, củng cố hệ thống thủy lợi tại khu vực sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến 2030 sẽ được thành phố tập trung thực hiện theo kế hoạch, nhằm xây dựng hệ thống thủy lợi đa mục tiêu, tiến tới hoàn chỉnh để hạn chế tối đa các thiệt hại do hạn hán, ngập lụt và xâm nhập mặn gây ra. Bên cạnh đó, quy hoạch còn củng cố hệ thống thủy lợi nhằm chủ động kiểm soát nguồn nước, phục vụ phát triển sản xuất ở mức độ cao, gắn bảo vệ môi trường với kết hợp giao thông nông thôn, tạo điều kiện phát triển nông thôn mới, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, hạn hán, ngập lụt và xâm nhập mặn thời gian tới”.

Theo HÀ VĂN (Báo Cần Thơ)