Tăng cường phòng, chống bạo lực gia đình

12/03/2018 - 07:11

 - Ban Chỉ đạo (BCĐ) công tác gia đình của tỉnh vừa triển khai Kế hoạch số 12/KH-BCĐ về thực hiện chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) năm 2018. Mục tiêu nhằm tạo chuyển biến về nhận thức và nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở và toàn xã hội… nhằm kéo giảm số vụ BLGĐ.

BLGĐ đã và đang trở thành vấn đề nhức nhối trong xã hội, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đến quyền con người, danh dự, nhân phẩm và tính mạng của mỗi cá nhân, nhất là phụ nữ, trẻ em. Các số liệu nghiên cứu cho thấy, đa số phụ nữ Việt Nam đều có nguy cơ tiềm tàng bị BLGĐ ở một hoặc vài thời điểm nào đó trong cuộc sống. Đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cứ 10 phụ nữ thì có 4 người nhận thấy gia đình không phải là nơi an toàn đối với họ!

Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về PCBLGĐ 

Kế hoạch về thực hiện chương trình hành động quốc gia về PCBLGĐ nhằm tăng cường sự lãnh chỉ đạo, tổ chức quản lý của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong toàn tỉnh đối với công tác PCBLGĐ. Theo đó, sẽ thực hiện lồng ghép mục tiêu về PCBLGĐ vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, đồng thời duy trì và nhân rộng mô hình PCBLGĐ, các cơ sở hỗ trợ nạn nhân BLGĐ tại địa phương. Tăng cường truyền thông, giáo dục, vận động, nâng cao nhận thức về PCBLGĐ. Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục trên Báo An Giang, Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang, đài truyền thanh ở cơ sở, trong các buổi nói chuyện chuyên đề tại cộng đồng. Các cấp, các ngành, nhất là ở cơ sở, cần xác minh và quản lý tốt các đối tượng có nguy cơ dẫn đến BLGĐ như: người có hành vi BLGĐ, người nghiện rượu, nghiện ma túy, đánh bạc, người chuẩn bị kết hôn… Qua đó, có biện pháp tuyên truyền, tư vấn, giáo dục phù hợp nhằm nâng cao nhận thức về PCBLGĐ ngay từ trong gia đình.

Phòng ngừa và hỗ trợ nạn nhân BLGĐ, trong đó tiếp tục duy trì hoạt động của địa chỉ tin cậy ở cộng đồng; các nhà tạm lánh, các cơ sở bảo trợ xã hội, thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin về BLGĐ. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người là nạn nhân BLGĐ, người có nguy cơ cao gây BLGĐ nhưng chưa có việc làm. Chú trọng việc can thiệp, xử lý vi phạm trong các vụ BLGĐ; xây dựng cơ chế phối hợp giữa chính quyền, các đoàn thể với mạng lưới cộng tác viên, tình nguyện viên để kịp thời nắm bắt, xử lý các vụ việc liên quan đến BLGĐ. Tăng cường xã hội hóa công tác PCBLGĐ, khuyến khích các đơn vị, cá nhân tham gia công tác PCBLGĐ và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân BLGĐ…

Theo kế hoạch, phấn đấu năm 2018 có: Trên 80% số hộ GĐ được tiếp cận thông tin về PCBLGĐ; trên 70% số nạn nhân BLGĐ được tiếp cận các hoạt động hỗ trợ, trên 90% số người có hành vi BLGĐ được tiếp cận các hoạt động tuyên truyền, giáo dục chuyển đổi hành vi…   

 Bài, ảnh: HỮU HUYNH

 

Liên kết hữu ích