Tăng cường phòng, chống bệnh dịch tả heo Châu Phi

11/11/2019 - 10:15

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư vừa ký quyết định phê duyệt kế hoạch phòng, chống bệnh dịch tả heo Châu Phi năm 2019 trên địa bàn tỉnh nhằm ngăn chặn kịp thời, phát hiện sớm và hạn chế thiệt hại cũng như hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, góp phần phát triển chăn nuôi ổn định…

Diễn biến phức tạp

Ngay từ tháng 2-2019, bệnh dịch tả heo Châu Phi xuất hiện lần đầu tiên tại Việt Nam và nhanh chóng lan rộng khắp cả nước. Tính đến tháng 10-2019, bệnh dịch tả heo Châu Phi đã xảy ra tại 8.276 xã thuộc 660 huyện của 63 tỉnh, thành phố, với tổng số heo bị tiêu hủy gần 5,7 triệu con, tổng trọng lượng gần 326.000 tấn (chiếm 8,3% tổng trọng lượng heo của cả nước). Riêng tại tỉnh An Giang, bệnh dịch tả heo Châu Phi xuất hiện đầu tiên vào ngày 21-5-2019 tại phường Mỹ Thạnh (TP. Long Xuyên), sau đó nhanh chóng lây lan ra toàn tỉnh. Tính đến ngày 20-10-2019, toàn tỉnh đã có 1.240 điểm dịch tại 129 xã, phường, thị trấn thuộc 10 huyện, thị xã, thành phố. Tổng số heo bị tiêu hủy là 28.107 con (tổng trọng lượng gần 1.781 tấn). Hiện nay, toàn tỉnh đã có 87 xã, phường, thị trấn dịch bệnh đã qua 30 ngày nhưng có 18 phường, xã đã qua 30 ngày lại tái phát dịch.

Tăng cường phòng, chống bệnh dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn tỉnh nhằm ngăn chặn kịp thời, phát hiện sớm và hạn chế thiệt hại

Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả heo Châu Phi, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống như: thành lập ban chỉ đạo, tiểu ban và tổ giúp việc thực hiện công tác phòng, chống bệnh dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn tỉnh; thành lập 8 chốt kiểm dịch tạm thời đường bộ và 2 chốt kiểm dịch đường thủy thực hiện kiểm tra, kiểm soát tình hình vận chuyển heo và sản phẩm từ heo ra vào địa bàn tỉnh… Đặc biệt, là việc ban hành Quyết định số 358/QĐ-UBND ngày 1-3-2019 của UBND tỉnh về việc phê duyệt kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả heo Châu Phi năm 2019 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, xây dựng kịch bản trong trường hợp chưa xảy ra dịch bệnh và khi xảy ra dịch bệnh với các nội dung chi và định mức chi phù hợp quy định ngay tại thời điểm. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực tế có một số nội dung chi và định mức chi phát sinh (không có hoặc có nhưng vượt định mức chi). Do đó, để công tác phòng, chống dịch bệnh được đảm bảo, giảm thiểu lây lan trên diện rộng, góp phần hạn chế thiệt hại, nên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch sát với thực tế nhưng phù hợp và đảm bảo đúng quy định.

Chủ động ngăn chăn

Kế hoạch phòng, chống bệnh dịch tả heo Châu Phi nhằm mục tiêu ngăn chặn kịp thời, phát hiện sớm và hạn chế thiệt hại cũng như hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, góp phần phát triển chăn nuôi ổn định. Tập trung sự quan tâm, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của các cấp, ngành, đoàn thể và nhân dân trong việc phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, nâng cao chuyên môn, nhận thức về công tác ứng phó, phòng, chống khi xảy ra dịch bệnh cho nhân viên chăn nuôi và thú y xã, phường, thị trấn và người chăn nuôi.

Để thực hiện mục tiêu nêu trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư yêu cầu các ngành chức năng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông về dấu hiệu nhận biết bệnh và các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả heo Châu Phi cho các hộ chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh. Từ đó, giúp người chăn nuôi hiểu được lợi ích và thực hiện biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi. Tổ chức tập huấn, hội thảo triển khai các biện pháp và công tác phòng, chống bệnh dịch tả heo Châu Phi.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh còn yêu cầu các ngành chức năng tập trung vào công tác giám sát dịch bệnh tại các huyện giáp biên giới và các huyện đầu mối giao thông để phát hiện và xử lý kịp thời. Tăng cường hoạt động kiểm dịch, kiểm soát giết mổ heo và sản phẩm từ heo; kiểm tra, kiểm soát phương tiện vận chuyển… Kiên quyết xử lý nghiêm đối với những trường hợp nhập lậu, vận chuyển heo và các sản phẩm từ heo qua tuyến biên giới, không rõ nguồn gốc hoặc không có giấy chứng nhận kiểm dịch của ngành thú y. Lấy mẫu giám sát khi có heo bệnh chết nghi mắc bệnh dịch tả heo Châu Phi cũng như theo dõi, giám sát lâm sàng đối với đàn heo, kịp thời phát hiện, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm đối với heo bị bệnh hoặc nghi mắc bệnh. Đồng thời, yêu cầu các ngành chức năng tập trung thực hiện các giải pháp: tiêu hủy heo, các sản phẩm từ heo bệnh hoặc nghi mắc bệnh dịch tả heo Châu Phi; khoanh vùng ổ dịch; vận chuyển, giết mổ; đảm bảo an toàn sinh học và tái đàn sau khi hết dịch; các giải pháp thông tin, tuyên truyền và cảnh báo dịch bệnh…

ĐÌNH ĐỨC