Tăng cường phòng, chống dịch tả heo Châu Phi

08/04/2019 - 08:09

 - Dịch tả heo Châu Phi đang có nguy cơ bùng phát trên diện rộng. Dù không lây nhiễm, không gây bệnh cho người nhưng thế giới chưa có vaccine phòng bệnh, cũng như chưa có thuốc điều trị. Xác định công tác phòng, chống dịch tả heo Châu Phi là một trong những nhiệm vụ cấp bách, người chăn nuôi và các cơ quan chức năng luôn chủ động giám sát, ngăn chặn, phát hiện sớm và sẵn sàng ứng phó kịp thời với loại dịch có nguy cơ gây thiệt hại lớn về kinh tế này.

Tại hội nghị tổng kết hoạt động ngành nông nghiệp năm 2018, triển khai kế hoạch năm 2019, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư yêu cầu các ngành, địa phương cần tập trung ứng phó 3 nguy cơ của năm: nắng nóng, hạn hán và khả năng lây nhiễm dịch tả heo Châu Phi. An Giang là địa phương có số lượng heo nhập về khá lớn (khoảng 400.000 con/năm), hơn lúc nào hết, công tác phòng, chống dịch bệnh nguy cơ cao này được đặt lên hàng đầu. Trước đó, ngày 1-3-2019, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 358/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn tỉnh. Theo đó, với trường hợp chưa xảy ra dịch bệnh cần thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về dấu hiệu nhận biết bệnh và các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả heo Châu Phi cho các hộ chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh.

Chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ là một trong những giải pháp ngăn ngừa dịch bệnh trên heo

Ngành thú y phối hợp các ngành chức năng, địa phương tăng cường hoạt động kiểm dịch, kiểm soát giết mổ heo và sản phẩm từ heo; kiểm tra, kiểm soát phương tiện vận chuyển. Trong đó, Trạm Kiểm dịch cửa khẩu biên giới phối hợp các ngành chức năng địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát heo và các sản phẩm từ heo, trong các trường hợp nghi ngờ phải tiến hành kiểm tra giám sát. Kiên quyết xử lý nghiêm đối với những trường hợp nhập lậu, vận chuyển heo và các sản phẩm từ heo qua tuyến biên giới, không rõ nguồn gốc hoặc không có giấy chứng nhận kiểm dịch của ngành thú y. Trường hợp xảy ra bệnh dịch tả heo Châu Phi, khi có heo bệnh chết nghi mắc bệnh, phải báo ngay cơ quan chuyên môn gần nhất, cụ thể là Trạm Chăn nuôi và Thú y tại địa phương hoặc báo ngay đến Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh An Giang tiến hành lấy mẫu xét nghiệm. Báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thú y vùng 7, Cục Thú y, phối hợp các cơ quan liên quan thực hiện tiêu hủy heo, sản phẩm từ heo có mẫu xét nghiệm dương tính với virus dịch tả heo Châu Phi. Đồng thời, phối hợp Chi cục Thú y vùng 7 tổ chức điều tra ổ dịch để xác định nguồn gốc, nguyên nhân sản phẩm từ heo dương tính với virus dịch tả heo Châu Phi.

Tại huyện Thoại Sơn, công tác tuyên truyền đã và đang được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Đến nay, địa phương đã cấp phát trên 1.000 tờ bướm, 90 áp-phích tuyên truyền kiến thức về dịch bệnh này. Trạm Chăn nuôi và Thú y phối hợp Đài Truyền thanh thực hiện phóng sự về dịch tả heo Châu Phi tại hộ chăn nuôi xã Vọng Thê và chợ, lò giết mổ thị trấn Núi Sập. Bên cạnh đó, Trạm Chăn nuôi và Thú y đã chỉ đạo nhân viên chăn nuôi và thú y các xã, thị trấn rà soát, nắm bắt tình hình dịch bệnh, đặc biệt là những trại lớn; đồng thời phối hợp đoàn liên ngành kiểm tra việc mua bán, vận chuyển heo.

“Hiện, tổng lượng heo trên địa bàn huyện là 13.850 con, tập trung nhiều ở các xã: Vĩnh Trạch, Vĩnh Khánh, Vĩnh Phú, Vọng Thê, Vọng Đông. Trong đó hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm đến 75%. Đây là một trong những nguyên nhân gây khó khăn trong công tác phòng, chống dịch. Bởi, việc thương lái trực tiếp đến chuồng trại, có thể mang theo nhiều mầm bệnh. Ngoài ra, việc một số chủ nuôi chưa áp dụng các biện pháp an toàn sinh học cũng là nguyên nhân tiềm ẩn dịch bệnh. Tuy nhiên, những thông tư, văn bản chỉ đạo cụ thể từ Trung ương đến tỉnh, chúng tôi đã nhanh chóng định hình công tác phòng, chống dịch tả heo Châu Phi. Ngoài tập trung tuyên truyền, nhân viên thú y các xã, thị trấn còn trực tiếp đến nhà hộ chăn nuôi heo hướng dẫn vệ sinh chuồng trại, tiêu trùng, khử độc. Định kỳ 2 lần/tuần, chúng tôi còn tiến hành vệ sinh, khử trùng các chợ trên địa bàn huyện. Nhờ vậy, công tác phòng, chống dịch tả heo Châu Phi ở Thoại Sơn đến thời điểm này được đánh giá tốt” - Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thoại Sơn Huỳnh Văn Mứt cho hay.

Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN