Tăng trưởng tín dụng khó đạt mục tiêu 14% năm 2019?

07/11/2019 - 09:13

Báo cáo Chiến lược tháng 11 của CTCK Rồng Việt (VDSC) mới đây đã nhấn mạnh tới tình hình tăng trưởng tín dụng tại Việt Nam.

Tính đến hết tháng 9-2019, tăng trưởng tín dụng ước đạt 9%, thấp hơn mức 10,3% cùng kỳ năm trước. So với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2019, dư địa có thể tăng lên tới 5%.

Dựa theo tình hình tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng thương mại niêm yết, VDSC ước tính với tốc độ tăng trưởng hiện tại và trần tín dụng cho từng ngân hàng, tăng trưởng tín dụng cả năm 2019 có thể chỉ đạt 13,2%. Nếu kịch bản này diễn ra, đây sẽ là mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong thập kỷ qua tại Việt Nam.

Theo VDSC, kết quả tăng trưởng tín dụng thấp hiện tại chủ yếu đến từ khối ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước gồm BIDV, Vietinbank và Agribank trong khi tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân khác vẫn rất ấn tượng.

Câu hỏi đặt ra là liệu NHNN có phân bổ lại trần tín dụng giữa các nhà băng để đạt mức trần tín dụng đã đề ra đầu năm nay?

Một mặt, các ngân hàng như VIB, TPBank, VPBank hay MBBank đều ghi nhận tăng trưởng tín dụng khá tốt trong 9 tháng đầu năm 2019 và hiện tại đang dần cạn dư địa khi tiến sát mức trần tín dụng cho phép của NHNN.

Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng của BIDV và Vietinbank chỉ đạt 8,6% và 3,2%, cách xa so với mục tiêu đầu năm, lần lượt 12% và 7%. Theo định hướng của NHNN kể từ đầu năm, các nhà băng có chất lượng tài sản tốt hoàn toàn có thể được nới room tín dụng. Điều này đã từng diễn ra vào giữa năm 2019 khi các nhà băng kể trên lần lượt đáp ứng tiêu chuẩn Basel II.

Mặt khác, xét về cân đối vĩ mô, VDSC nhấn mạnh vào chênh lệch tăng trưởng tín dụng và GDP danh nghĩa. Khoảng cách chênh lệch quá cao hàm ý sự dư thừa tiền trong nền kinh tế và ngược lại.

Hiện nay, khoảng chênh lệch ở mức 5%, thấp hơn rất nhiều so với giai đoạn 2015-2017, 7%-11%. So với 2018, tới cuối năm, khoảng chênh lệch giảm mạnh về 3% từ mức 6% trước đó do biến động từ vĩ mô thế giới khiến tăng trưởng tín dụng và cung tiền bị siết chặt đột ngột kể từ quý 3/2018.

Trong bối cảnh hiện nay, diễn biến kinh tế trong và ngoài nước đều khá tích cực đi kèm với mặt bằng lãi suất liên ngân hàng quay trở về giai đoạn 2017-2018, VDSC đánh giá NHNN có đủ điều kiện để cân nhắc điều chỉnh trần tín dụng cho các nhà băng. Hiện tại, một số nhà băng đang tiến hành đề nghị nới thêm room từ phía NHNN.

Tăng trưởng tín dụng NHTM 9 tháng đầu năm 2019 (trái) và Diễn biến thị trường liên ngân hàng. Nguồn: NHNN - VDSC.

Theo Infonet

 

Liên kết hữu ích