Tăng tuổi nghỉ hưu: Cần xét đến đặc thù nghề nghiệp, nguyện vọng của từng đối tượng

02/05/2019 - 09:46

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa có tờ trình Chính phủ về Dự án Bộ luật Lao động sửa đổi, trong đó tiếp tục đưa ra 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu. Đây là câu chuyện đã nhận được nhiều ý kiến trong suốt thời gian qua của các chuyên gia và người lao động. Không ít ý kiến đồng tình với việc tăng tuổi nghỉ hưu, tuy nhiên nêu yêu cầu phải xét đến đặc thù nghề nghiệp và nguyện vọng của từng đối tượng.

Tăng tuổi nghỉ hưu để bù đắp thiếu hụt lao động

Theo Điều 170 dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi được Bộ LĐ-TB&XH trình Chính phủ, 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu là: Phương án 1, kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Phương án 2 kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Tăng tuổi nghỉ hưu cần xem xét đến các đối tượng của một số ngành nghề đặc thù.

Đối với những người bị suy giảm khả năng lao động, làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt có quyền nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định. Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt có quyền nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định.

Lý giải về việc tăng tuổi nghỉ hưu, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu để bảo đảm sự phù hợp với quy mô, cơ cấu, chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người lao động Việt Nam. Tuổi thọ của người lao động ngày càng tăng (tuổi thọ bình quân của nam là 72,1 tuổi, của nữ là 81,3 tuổi, và cả hai giới tính là 76,6 tuổi, cao hơn tuổi thọ trung bình của dân số thế giới là 72 tuổi).

Bên cạnh đó, lực lượng lao động Việt Nam không quá dồi dào như các đánh giá thông thường và sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu hụt trong tương lai. Vì thế điều quan trọng là hoàn thành lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu trước khi Việt Nam đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động trong khoảng 20 năm tới do quá trình già hóa dân số.

Một lý do khác là việc tăng tuổi nghỉ hưu để phù hợp với thông lệ của các quốc gia trên thế giới khi tuổi nghỉ hưu của các nước trên thế giới phổ biến là trên 60 tuổi đối với nữ, trên 62 tuổi đối với nam. Một lý do nữa được Bộ LĐ-TB&XH đề cập là việc nâng tuổi nghỉ hưu lên nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi là cần thiết, tránh việc phải điều chỉnh đột ngột lên mức quá cao trong tương lai và  hầu hết các quốc gia khi điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu đều có một lộ trình để thu hẹp dần khoảng cách về tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ.

Cần xem xét ý kiến người lao động

Đề cập đến tuổi nghỉ hưu, chị Nguyễn Thu Trang (công nhân may Khu công nghiệp Quang Minh) cho rằng, nâng tuổi nghỉ hưu cần xem xét đến nguyện vọng của người lao động. “Tôi làm công nhân may đến nay mới chỉ khoảng 15 năm.

Thế nhưng có những thời điểm tăng ca nhiều, chúng tôi phải làm đến 12 giờ/ngày, phải ngồi máy liên tục trong suốt nhiều năm, công nhân may dễ bị bệnh nghề nghiệp như đau cột sống, mắt kém. Việc tăng tuổi nghỉ hưu với công nhân may như chúng tôi không chỉ không bảo đảm làm việc đúng năng suất mà còn tăng nguy cơ tai nạn lao động”, chị Trang nói.

Không ít ý kiến của người lao động đều khẳng định, việc nâng tuổi nghỉ hưu rất cần thiết phải xét đến các yếu tố đặc thù nghề nghiệp. Có những công việc tuổi thọ khó kéo dài, đối với các công việc này thì không nên tăng tuổi nghỉ hưu.

Một ví dụ cụ thể là giáo viên mầm non sau tuổi 55 khó có thể chăm sóc trẻ chu đáo bởi không ai có đủ sức nhảy múa, ca hát cùng các bé ở độ tuổi 60. Hay trong ngành dịch vụ, người lao động trên 55 tuổi sẽ rất khó tạo ấn tượng với khách hàng. Vì vậy, việc tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động cần có sự nghiên cứu kỹ hơn theo các lĩnh vực để người lao động vẫn có thể cống hiến, đồng thời bảo đảm sức khỏe của mình.

Đề cập về nội dung điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, nếu phải điều chỉnh từ năm 2021 thì nên chọn phương án điều chỉnh chậm là phương án 1: Kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là 60 tuổi 3 tháng đối với nam và 55 tuổi 4 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Theo ông Quảng, việc điều chỉnh chậm nhằm đảm bảo có lộ trình, giảm các tác động không tốt đến các chính sách kinh tế xã hội tổng thể. "Kinh nghiệm của một số nước có tăng tuổi nghỉ hưu vừa qua cho thấy, tăng tuổi nghỉ hưu nhanh có thể tạo nên "cú sốc", ảnh hưởng tiêu cực đến chính sách kinh tế - xã hội khác của đất nước", ông Quảng nói.

Ông Quảng cho biết thêm, quan điểm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đồng ý với phương án 1, tuy nhiên cần cân nhắc, xem xét tuổi nghỉ hưu của các đối tượng là công nhân, lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất, dịch vụ và một số ngành nghề đặc thù. Đối với những đối tượng này có thể giao cho Chính phủ quy định chi tiết theo hướng xem xét để có lộ trình tăng chậm hơn, hoặc có các chính sách hỗ trợ linh hoạt, không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động.

Theo PHAN HOẠT (Công An Nhân Dân)