Tập trung bảo vệ sản xuất

17/05/2019 - 07:38

 - Tình hình nắng nóng kết hợp mưa lớn bất chợt được xem là điều kiện thuận lợi để sâu bệnh phát sinh, gây hại trên cây trồng. Năm nay, mùa khô diễn biến kéo dài và khắc nghiệt, cần tập trung các giải pháp để không ảnh hưởng đến sản xuất.

Phòng trừ dịch hại theo hướng an toàn

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) An Giang, vụ đông xuân vừa qua, có 117.413ha lúa bị nhiễm dịch hại (tăng 36.684ha so vụ đông xuân 2017-2018), chủ yếu nhiễm nhẹ (101.160ha), trung bình (15.805ha), có 448ha nhiễm nặng. Trong khi diện tích bị chuột cắn phá giảm 2.006ha (có 7.617ha bị nhiễm) thì diện tích nhiễm rầy nâu tăng 60.395ha (tăng 44.730ha so vụ đông xuân trước), mật độ 500 - 10.000 con/m2. Đối với bệnh đạo ôn lá, diện tích nhiễm 16.327ha (giảm 11.371ha), chủ yếu nhiễm nhẹ (16.250ha), có 74ha nhiễm trung bình và 3ha nhiễm nặng.

Trước diễn biến thời tiết bất thường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn chủ động theo dõi tình hình rầy vào các bẫy đèn và tình hình dịch hại trên đồng ruộng, ban hành các thông báo xuống giống né rầy, các dự báo về tình hình dịch hại hàng tuần, giúp nông dân nắm bắt thông tin dịch hại để có hướng xử lý tốt cho đồng ruộng. Bên cạnh đó, tổ chức hàng chục cuộc hội thảo khuyến nông, thu hút cả ngàn nông dân tham dự. Tại các cuộc hội thảo, nông dân được hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa “1 phải, 5 giảm”, nhận dạng bệnh đạo ôn, muỗi hành, nhện gié, rầy nâu… trên lúa và đề xuất biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp nhằm đem lại hiệu quả cao nhất.

Nông dân cần chú ý an toàn khi phun thuốc trong điều kiện nắng nóng

Ghi nhận vụ hè thu 2019, lúa cơ bản phát triển tốt, sâu bệnh xuất hiện rải rác với mức độ nhẹ. Hiện nay, chuột là đối tượng gây hại chủ yếu, Chi cục TT&BVTV An Giang khuyến cáo nông dân cần áp dụng biện pháp ngăn chặn an toàn và hiệu quả, tránh dùng điện gây nguy hiểm cho người lao động trên đồng ruộng. Nông dân có thể thực hiện bẫy hàng rào bằng cách dùng ny-lon, màng phủ nông nghiệp làm hàng rào chắn phần ruộng tiếp giáp với bờ đê, vườn tạp, ruộng cỏ, bên trong đặt thêm bẫy lồng để bắt chuột, hạn chế chuột nhân mật số. Bà con nông dân có thể liên hệ với Trạm TT&BVTV các huyện, thị xã, thành phố để được hướng dẫn chi tiết. “Riêng những khu vực trời âm u và có mưa, bà con nông dân cần chú ý bệnh do vi khuẩn như bệnh sọc trong có thể xuất hiện. Bệnh thường có đốm sọc dài, nhũn nước. Triệu chứng dễ thấy hơn là khi đưa lá lúa lên và nhìn ngược ánh sáng mặt trời. Với bệnh do vi khuẩn, nông dân cần mua đúng thuốc trị vi khuẩn để đạt hiệu quả phòng trừ” - Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV An Giang Nguyễn Văn Hiền lưu ý.

Không nên phun thuốc khi nắng nóng

Mặc dù đã xuất hiện vài cơn mưa rải rác nhưng hiện nay, nắng nóng vẫn còn phổ biến. Chi cục TT&BVTV An Giang khuyến cáo nông dân đặc biệt lưu ý việc phun xịt các loại thuốc có tính xông hơi mạnh hoặc thuốc có tính độc cao được ghi trên bao bì. Thuốc có thể ảnh hưởng đến người trực tiếp phun thuốc qua đường hô hấp, bà con nông dân không nên phun thuốc vào khoảng thời gian từ 11 - 15 giờ. Đây là thời điểm có nhiệt độ cao nhất trong ngày. Khi phun thuốc, nông dân không nên đi phun một mình, nên tập hợp phun thuốc theo nhóm người để có thể hỗ trợ nhau. “Nếu có trường hợp ngộ độc, nhanh chóng đưa người bị ngộ độc ra khỏi khu vực vừa phun thuốc, đưa đến nơi thoáng mát, cởi bớt và nới lỏng quần áo, hỏi thăm người bị ngộ độc để tạo sự tỉnh táo. Sau đó, đưa người bị ngộ độc thuốc đến cơ sở y tế gần nhất và mang theo bao bì của thuốc đã sử dụng nhằm giúp các y, bác sĩ có phương án xử lý chính xác nhất” - ông Hiền nhắc nhở.

Thời gian qua, các đơn vị chuyên môn thuộc Sở NN&PTNT đã phân công cán bộ kỹ thuật thường xuyên bám sát địa bàn, nhằm vận động nông dân xuống giống lúa vụ hè thu 2019 đúng lịch thời vụ, theo dõi diễn biến thời tiết và tình hình sâu bệnh, dự báo sớm tình hình dịch hại. Các cán bộ chuyên môn đang tích cực theo dõi 33 bẫy đèn và diễn biến dịch hại ngoài đồng ruộng, đưa ra những thông báo, những khuyến cáo nhằm giúp nông dân có những biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả.

Bên cạnh thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo khuyến nông, Sở NN&PTNT còn chỉ đạo thực hiện các lớp tập huấn, các mô hình, các lớp trồng rau an toàn, làm vườn, tập huấn trồng cây ăn trái. Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng giá trị nông sản, ngành nông nghiệp và các địa phương tiếp tục hỗ trợ thực hiện những mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; triển khai các lớp tập huấn Dự án VnSAT; triển khai thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục...

Cần chú ý các đợt rầy cám nở chính vào khoảng giữa đến cuối tháng 5, khoảng đầu đến giữa tháng 6 và khoảng đầu đến giữa tháng 7-2019. Đây là những giai đoạn có tác động lớn đến vụ hè thu.

 

Bài ảnh: HOÀNG XUÂN