Tập trung cho xuất khẩu

06/03/2019 - 07:47

 - Năm 2019, An Giang phấn đấu đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 890 triệu USD, tăng 50 triệu USD so năm 2018. Bên cạnh hoàn thiện chính sách thương mại, tài chính, tín dụng và đầu tư phát triển sản xuất hàng xuất khẩu, tỉnh sẽ tập trung cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Đồng thời, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ xuất, nhập khẩu hàng hóa cũng như đẩy nhanh xã hội hóa dịch vụ logistics.

Xây dựng uy tín cho hàng hóa An Giang

Giám đốc Sở Công thương Võ Nguyên Nam cho biết, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh đạt 840 triệu USD, tăng 2,44% so năm 2017 và đạt 100% kế hoạch đề ra. Sự “trở lại” của con cá tra giúp ngành thủy sản đông lạnh đạt sản lượng xuất khẩu 118.000 tấn, tương đương 270 triệu USD, tăng 14% về lượng và 20% về kim ngạch so cùng kỳ. Gạo xuất khẩu đạt 493.000 tấn, tương đương 250 triệu USD, tăng 14% về lượng và 19,62% về kim ngạch. Trong khi đó, ngành may mặc đóng góp 110 triệu USD xuất khẩu (tăng 9%), rau quả đông lạnh xuất khẩu đạt 8.500 tấn, tương đương 13,5 triệu USD (bằng 96,47% về lượng và 96% về kim ngạch so cùng kỳ)... Hàng hóa xuất khẩu của An Giang đã có mặt trên thị trường 105 quốc gia. Hiện nay, tỉnh vẫn là địa phương có nguồn nguyên liệu lúa, gạo, thủy sản đa dạng, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Năm 2019, An Giang đặt mục tiêu đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu cao hơn khoảng 50 triệu USD so năm 2018 (đạt 890 triệu USD), phấn đấu tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu thấp hơn tăng trưởng xuất khẩu (kim ngạch nhập khẩu năm 2019 khoảng 160 triệu USD, năm 2018 là 150 triệu USD), kim ngạch biên mậu đạt 2,3 tỷ USD. Theo ông Nam, mục tiêu này là có cơ sở khi dự báo năm nay, diễn biến kinh tế thế giới có nhiều yếu tố hậu thuẫn tích cực cho tăng trưởng của Việt Nam, đặc biệt là triển vọng kinh tế Mỹ. Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đang được đẩy nhanh sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của An Giang, trong đó khu vực nông - lâm - thủy sản có nhiều triển vọng phát triển hơn khi giá lương thực toàn cầu tăng, thị trường xuất khẩu của tỉnh ngày càng được mở rộng. Những hoạt động cải cách, tái cơ cấu nông nghiệp, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp của tỉnh đang phát huy hiệu quả... Tuy nhiên, An Giang cũng gặp những khó khăn khi trình độ sản xuất còn hạn chế, việc ứng dụng công nghệ cao vẫn đang ở bước sơ khai, sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, chưa hình thành ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn có sức cạnh tranh cao…

Phát huy trách nhiệm

Ngày 14-2-2019, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng đã ký ban hành Kế hoạch số 57/KH-UBND về thực hiện chiến lược xuất, nhập khẩu hàng hóa tỉnh An Giang năm 2019. Các sở, ngành, địa phương được yêu cầu thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính tại các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là trong ngành thuế, hải quan nhằm rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu và thu - hoàn thuế của doanh nghiệp. Đồng thời, cùng với Ban Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh duy trì thường xuyên việc tổ chức họp trao đổi cùng doanh nghiệp để thu thập thông tin, nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh xuất khẩu. Thông qua đó, trực tiếp giải quyết hoặc trình UBND tỉnh, tham mưu UBND tỉnh đề xuất các bộ, ngành có liên quan giải quyết.

Nhằm hoàn thiện chính sách thương mại, tài chính, tín dụng và đầu tư phát triển sản xuất hàng xuất khẩu, Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ rà soát, đánh giá tình hình hoạt động của khu vực đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua và định hướng trong thời gian tới. Qua đó, đề xuất giải pháp thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có chất lượng, hiệu quả cao, ứng dụng công nghệ hiện đại và đảm bảo môi trường. Cục Thuế tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp quản lý hoàn thuế phân theo quản lý các doanh nghiệp rủi ro, các văn bản hướng dẫn về quản lý giám sát hoàn thuế, đảm bảo tạo mọi thuận lợi, thông thoáng cho doanh nghiệp khi thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng hàng hóa xuất khẩu. Ngoài ra, doanh nghiệp còn được tiếp cận vốn vay có bảo lãnh tín dụng, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh.

Đối với lĩnh vực xuất khẩu thế mạnh của tỉnh là lúa, gạo, thủy sản, các đơn vị như: Sở Công thương, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp đảm bảo điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định, tham gia Đề án xây dựng và phát triển thương hiệu gạo tỉnh An Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất, ưu đãi đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn tỉnh… Đối với các doanh nghiệp chế biến thủy sản, chế biến gạo và rau, quả đông lạnh xuất khẩu, được hỗ trợ đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ, nâng cao chất lượng hàng hóa, tăng tỷ trọng sản phẩm có giá trị gia tăng nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Nhằm thúc đẩy xuất khẩu, tỉnh sẽ tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ xuất, nhập khẩu hàng hóa và đẩy nhanh xã hội hóa dịch vụ logistics. Bên cạnh công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, kiểm soát nhập khẩu, An Giang sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và vai trò của các hiệp hội ngành hàng nhằm hướng đến phát triển xuất khẩu nhanh, bền vững.

NGÔ CHUẨN