Tập trung đất đai cho sản xuất lớn

20/06/2019 - 07:47

 - Để thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đòi hỏi quỹ đất phải lớn. Nếu DN tự thỏa thuận mua đất hoặc thuê đất của nông dân, rất dễ nảy sinh việc thiếu thống nhất về giá cả. Do vậy, đòi hỏi sự tham gia tích cực của chính quyền địa phương trong tập trung đất đai.

Điểm nhấn trong tái cơ cấu nông nghiệp

Tại xã Bình Phú (Châu Phú), Công ty Cổ phần Nam Việt đang khẩn trương thi công dự án nuôi trồng thủy sản công nghệ cao Nam Việt Bình Phú. Đây là dự án thủy sản có quy mô lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay. Với diện tích 600ha, tổng vốn đầu tư lên đến 4.000 tỷ đồng, dự án gồm khu sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao (diện tích 150ha, dự kiến mỗi năm sản xuất khoảng 360 triệu con giống cá tra chất lượng cao cho khu vực ĐBSCL) và khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nuôi cá tra thương phẩm (diện tích 450ha, khi đi vào hoạt động, sẽ sản xuất 200.000 tấn cá tra nguyên liệu/năm để phục vụ chế biến xuất khẩu).

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng, khi dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu của An Giang thêm từ 380-430 triệu USD. Đồng thời, góp phần cung cấp con giống và cá nguyên liệu đạt tiêu chuẩn chất lượng, nâng cao vị thế của ngành sản xuất cá tra ở An Giang cũng như ĐBSCL.

Trong điều kiện thiếu quỹ đất sạch cho DN như hiện nay, việc tích tụ được 600ha cho dự án thủy sản lớn nhất cả nước là điều không dễ dàng. Cùng với nỗ lực, quyết tâm của Công ty Cổ phần Nam Việt thì sự tham gia tích cực ngay từ đầu của chính quyền địa phương huyện Châu Phú là yếu tố quan trọng giúp DN có được diện tích đất lớn triển khai dự án. “Huyện nhận thấy rằng, dù sản xuất lúa, cá hay rau màu cũng phải có đầu ra ổn định mới đạt hiệu quả bền vững. Nếu để nông dân tự sản xuất, tự kiếm thị trường tiêu thụ thì rất khó giàu lên. Do vậy, huyện tập trung mời gọi các DN đến đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân” - Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Phú Nguyễn Phước Nên nhấn mạnh.

Tập trung đất đai cho sản xuất lớn

Dự án nuôi trồng thủy sản đòi hỏi diện tích đất lớn

Bài học tạo đồng thuận

Ông Nên cho biết, trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, có 2 dự án quy mô lớn được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư trên địa bàn huyện Châu Phú. Đối với Công ty TNHH MTV Nam Việt Bình Phú (thuộc Công ty Cổ phần Nam Việt), cả khu nuôi cá tra thương phẩm ứng dụng công nghệ cao (450ha) và sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao (150ha) đều ở khu vực tiểu vùng kênh 11 - kênh 13 - kênh Quốc Gia - Cây Dương (xã Bình Phú). Đối với Công ty TNHH Phát triển Lộc Kim Chi, được chấp thuận chủ trương đầu dự án khu liên hợp sản xuất giống và nuôi cá tra thương phẩm công nghệ cao (quy mô 350ha) ở khu vực tiểu vùng Hào Đề Lớn - Hào Đề Nhỏ - Vịnh Tre - Cần Thảo (xã Mỹ Phú). Tuy nhiên, do cách thức mua đất khác nhau nên tiến độ tích tụ đất của 2 DN cũng khác nhau. Trong khi Công ty Cổ phần Nam Việt đã mua được 480/600ha thì Công ty TNHH Phát triển Lộc Kim Chi mới mua được 50/350ha của dự án.

Ông Nguyễn Phước Nên cho rằng, nếu quy hoạch dự án rồi mới mời DN đến đầu tư thì giá đất sẽ bị đẩy lên cao, DN không mua được. Do vậy, cần phải khảo sát giá thị trường trước, đưa ra mức giá chuẩn cao hơn giá thị trường để người dân đồng thuận. “Ví dụ như giá đất 70 - 80 triệu đồng/công tầm cắt (gần 1.300m2) mà DN mua đúng 80 triệu đồng thì chỉ mua được khoảng 50% diện tích. Nếu DN tiếp tục nâng giá lên để mua thì những hộ bán trước đó sẽ so bì, đòi thêm tiền” - ông Nên chia sẻ. Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Phú cho biết, kinh nghiệm của Công ty Cổ phần Nam Việt là thống nhất giá từ đầu cao hơn 80% giá thị trường để người dân bán 1 công đất sẽ mua lại được 1,8 công. “Đa phần nông dân đều dùng “sổ đỏ” vay nợ ngân hàng. Ví dụ như 1 hộ dân có 10 công đất, vay ngân hàng 500 triệu đồng. Sau khi bán đất cho Nam Việt, họ đủ tiền trả nợ ngân hàng và mua lại 10 công đất sản xuất ở vùng khác. Như vậy, nông dân vừa xóa nợ, vừa có đất canh tác, dĩ nhiên sẽ đồng thuận” - ông Nên đánh giá.

Với kinh nghiệm này, UBND huyện Châu Phú đang chọn vùng phù hợp để Tập đoàn Sao Mai đầu tư dự án 400ha nuôi cá tra giống và cá tra thương phẩm công nghệ cao. “Ngoài thống nhất giá chuẩn cao hơn giá thị trường ngay từ đầu, DN cần mua liền vùng, tránh mua lởm chởm sẽ tạo “da beo”, khó triển khai dự án. Có trường hợp mua đất xung quanh, chừa vài công lọt thỏm bên trong, nông dân đòi giá lên cả tỷ đồng/công thì rất khó cho DN” - ông Nên chia sẻ.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN