Tập trung giải pháp bảo vệ môi trường

02/10/2018 - 07:53

 - Từ đầu năm 2018 đến nay, để tăng cường quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản, kế hoạch; chủ động triển khai, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của các ngành và UBND cấp huyện đạt nhiều kết quả tích cực.

An Phú là huyện biên giới còn nhiều khó khăn, trong đó có vấn đề xử lý rác thải tập trung. Đến nay, toàn huyện có khoảng 80% chất thải rắn sinh hoạt (95% ở khu vực đô thị và 65% ở nông thôn) được thu gom, xử lý… Cùng với đó, huyện tiến hành hậu kiểm việc thực hiện cam kết bảo vệ (BV) MT đối với 50% các cơ sở sản xuất - kinh doanh, riêng các xã điểm nông thôn mới (NTM) thực hiện 100%. Sở TN&MT còn phối hợp huyện An Phú hoàn thiện hồ sơ đưa khu đất ngập nước búng Bình Thiên trở thành khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (khu Ramsar).

Để tăng cường quản lý Nhà nước về BVMT và đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành 4 kế hoạch; chủ động triển khai, đôn đốc, theo dõi các đơn vị liên quan thực hiện các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của các ngành và UBND cấp huyện, đạt nhiều kết quả tích cực. Theo đó, Sở TN&MT đã có văn bản hướng dẫn Sở Y tế, các cơ sở y tế quy định thu gom, xử lý chất thải y tế nguy hại. Qua đó, có 100% chất thải y tế nguy hại đã được thu gom, xử lý. Trên cơ sở phê duyệt danh mục khu, điểm ô nhiễm MT, cơ sở gây ô nhiễm MT cần xử lý trên địa bàn tỉnh, các địa phương đã xây dựng kế hoạch cụ thể và xử lý dứt điểm 4/71 khu, điểm ô nhiễm MT trên địa bàn quản lý.

Phúc tra các tiêu chí xây dựng nông thôn mới xã Đa Phước (An Phú)

Phúc tra các tiêu chí xây dựng nông thôn mới xã Đa Phước (An Phú)

Ngành TN&MT cơ bản hoàn thành nhiệm vụ được UBND tỉnh giao năm 2018 trong “Chương trình nghiên cứu phát triển bền vững các vùng sinh thái trên địa bàn tỉnh An Giang trong điều kiện biến đổi khí hậu, giai đoạn 2016-2020”, gồm: phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức tập huấn chuyển giao mô hình “Sử dụng năng lượng mặt trời và công nghệ tưới nhỏ giọt” tại huyện Tri Tôn cho hơn 70 người là nông dân, cán bộ xã; đề xuất UBND tỉnh các giải pháp quản lý, phát triển bền vững các vùng sinh thái trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thực hiện Quyết định số 1598/QĐ-TTg ngày 17-10-2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch quốc gia thực hiện Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy đến năm 2025, tầm nhìn 2030 trên địa bàn tỉnh An Giang, sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch và các nhiệm vụ bắt đầu triển khai năm 2019.

Sở TN&MT hoàn thành quan trắc MT và xâm nhập mặn, kết quả cho thấy: chất lượng MT nước mặt sông Tiền, sông Hậu, kênh, rạch nội đồng hầu hết không thích hợp sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt (do ô nhiễm vi sinh, chất hữu cơ, chất rắn lơ lửng, nồng độ ô-xy trong nước thấp); chất lượng MT không khí ít có sự biến động, chủ yếu ô nhiễm nhẹ bởi bụi, tiếng ồn, tập trung chủ yếu ở khu đô thị, khu vực giao thông, khu du lịch, khu cụm công nghiệp, khai thác đá, lò gạch; độ mặn đo được tại các vị trí giáp ranh giữa 2 tỉnh An Giang - Kiên Giang dao động ở mức thấp từ 0,08 - 0,28‰.

Công tác xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm MT nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh được quan tâm. Đã hoàn thành dự án đóng cửa, xử lý ô nhiễm MT các bãi rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh (giai đoạn I) và dự án đầu tư xử lý chất thải 6 bệnh viện trên địa bàn tỉnh; tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch nhân rộng mô hình thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn tỉnh... Tham mưu UBND tỉnh ban hành Điều lệ và tổ chức hoạt động, kiện toàn Hội đồng quản lý và cấp 60 tỷ vốn điều lệ cho quỹ BVMT; thực hiện thông báo thu và xác nhận ký quỹ cải tạo phục hồi MT cho 12 dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, với tổng số tiền 1,2 tỷ đồng (nâng tổng số tiền ký quỹ từ năm 2012 đến nay là 15,07 tỷ đồng); hỗ trợ Công ty Cổ phần Dược phẩm An Giang vay ưu đãi để xây dựng hệ thống xử lý khí thải, hệ thống thoát nước thải, nước mưa của nhà máy dược liệu đạt chuẩn GMP-WHO tại Khu công nghiệp Bình Hòa, với số tiền 3 tỷ đồng; hướng dẫn lập hồ sơ vay vốn ưu đãi cho 2 trường hợp về thực hiện dự án sản xuất các sản phẩm thân thiện với MT từ lục bình tại xã Lê Trì (Tri Tôn) và trồng dưa lưới theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại phường Mỹ Hòa (TP. Long Xuyên).

Trong hỗ trợ xây dựng NTM, tập trung kiểm tra tình hình thực hiện chỉ tiêu 17.2 và 17.5 đối với 13 xã dự kiến đạt NTM năm 2018. Đồng thời, ban hành hướng dẫn phương pháp xác định, đánh giá mức độ đạt huyện NTM đối với các chỉ tiêu về MT và Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao giai đoạn 2018-2020. Hỗ trợ trang thiết bị thu gom rác sinh hoạt tại 9 xã điểm NTM của huyện Thoại Sơn, góp phần đẩy nhanh việc hoàn thành chỉ tiêu 17.5. Cùng với đó, phối hợp Văn phòng Điều phối NTM tỉnh kiểm tra, hướng dẫn, đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM của TP. Châu Đốc, TP. Long Xuyên và kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của các xã điểm NTM ở các địa phương.

Bài, ảnh: HỮU HUYNH

 

Liên kết hữu ích