Tập trung phát triển nông nghiệp bền vững

30/11/2018 - 08:32

 - Triển khai nhanh Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch đất lúa kém hiệu quả sang những loại cây có giá trị kinh tế cao hơn, khuyến khích liên kết sản xuất, ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn... là những giải pháp lớn của ngành nông nghiệp An Giang.

Tiếp cận thị trường nông sản

Năm 2018, ngành nông nghiệp giành nhiều thắng lợi khi giá trị tăng thêm (VA) của ngành (giá so sánh 2010) đạt 18.960 tỷ đồng, tăng 2,04% (tương đương 379 tỷ đồng) so năm 2017. Tuy nhiên, mức tăng này dù đạt theo kịch bản tăng trưởng (từ 2 - 2,25%) nhưng mới đạt 97% so kế hoạch của ngành (390 tỷ đồng). Năm 2019, tỉnh đặt mục tiêu giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp (giá so sánh 2010) đạt 2,75%, trong khi tốc độ tăng GO (giá trị sản xuất) khoảng 3,65%. Đây là mục tiêu không dễ khi diễn biến thời tiết, thị trường còn nhiều khó khăn, phức tạp.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, nhằm hướng đến tăng trưởng bền vững, từ tỉnh đến các địa phương sẽ triển khai nhanh Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, triển khai các quy hoạch sản phẩm, quy hoạch vùng sản xuất và các gói hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, thị trường cho các sản phẩm (lúa, rau an toàn, bắp lai, nấm ăn, bò thịt, tôm càng xanh, hoa - cây kiểng). Trong quá trình triển khai sẽ thực hiện điều chỉnh, bổ sung các ngành hàng có lợi thế so sánh của tỉnh. Đồng thời, phối hợp đưa các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế tiếp cận thị trường thông qua đề án khung chính sách, đưa các mặt hàng chủ lực của tỉnh tiếp cận, thiết lập, xâm nhập vào các hệ thống phân phối trong và ngoài nước. “Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, ngành nông nghiệp sẽ triển khai thực hiện những quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh ứng dụng công nghệ cao đã được UBND tỉnh phê duyệt, lựa chọn sản xuất một số sản phẩm công nghệ cao mà thị trường cần. Qua đó, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho nông dân, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ cho xuất khẩu” - ông Lâm nhấn mạnh.

Chuyển đổi những vùng trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu

Cùng với tái cơ cấu, ngành nông nghiệp đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi từ lúa sang màu năm 2019, trong đó ưu tiên chuyển dịch đất lúa kém hiệu quả sang những loại hoa màu có giá trị kinh tế cao hơn. Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục hỗ trợ Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) mở rộng chuỗi liên kết cho sản phẩm đậu nành rau và bắp non trên địa bàn tỉnh.

Hợp tác làm ăn

Ông Lâm cho biết, đối với ngành hàng chủ lực lúa, gạo, Sở NN&PTNT tiếp tục triển khai tái cơ cấu theo hướng tăng những giống lúa chất lượng cao, có thương hiệu, được doanh nghiệp bao tiêu với giá mua được đặt trước. Đồng thời, đẩy mạnh áp dụng chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, mở rộng áp dụng GlobalGAP, VietGAP để giảm giá thành, nâng cao năng suất và lợi nhuận cho người dân. Tiếp tục phát triển các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, nhân rộng “Cánh đồng lớn” gắn với thực hiện các mô hình kinh tế hợp tác của hợp tác xã (HTX) kiểu mới, liên kết từ cung ứng đầu vào, tiêu thụ sản phẩm đầu ra trong sản xuất và cung cấp các dịch vụ khác. Tỉnh sẽ tập trung triển khai chính sách tín dụng hỗ trợ phát triển HTX, kinh tế hợp tác, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ giảm thất thoát sau thu hoạch, chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng bắp... Doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ xây dựng và mở rộng vùng nguyên liệu kết hợp đầu tư nhà máy sơ chế, kho bảo quản, tồn trữ sản phẩm gần vùng nguyên liệu, trong đó tập trung mạnh vào xây dựng vùng nguyên liệu rau màu, cây ăn trái. Năm 2017-2018, tỉnh đã đầu tư thủy lợi công nghệ cao để chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu ở vùng xoài 3 xã cù lao Giêng (Chợ Mới). Dự kiến năm 2019, sẽ có thêm 2  vùng ở Thoại Sơn và Châu Phú được đầu tư. Phấn đấu đến cuối năm sau, sẽ có 3 vùng sản xuất có hạ tầng thủy lợi công nghệ cao hoàn chỉnh. 

Năm 2019, An Giang tập trung đầu tư, nâng cao năng lực các cơ sở sản xuất giống thủy sản chất lượng, sạch bệnh, đặc biệt là giống cá tra, basa, đồng thời kiểm soát diện tích nuôi trồng thủy sản theo nhu cầu thị trường, đảm bảo các điều kiện nuôi và an toàn dịch bệnh. Đối với các hộ nuôi thủy sản quy mô nhỏ, sẽ được tập huấn nuôi theo VietGAP để tiến tới chứng nhận VietGAP, từng bước tăng diện tích nuôi thủy sản đạt tiêu chuẩn an toàn của tỉnh, đáp ứng chỉ tiêu nông thôn mới theo tiêu chí 4.3.5. Qua đó, góp phần cùng các giải pháp đồng bộ khác, phấn đấu đến cuối năm 2019, đảm bảo có tối thiểu 57 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 11 xã so năm 2018...

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN