Tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp lớn, đột phá

15/01/2018 - 07:44

 - “2018 là năm then chốt, có ý nghĩa rất quan trọng đối với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) cả giai đoạn 2016-2020. Năm nay, tỉnh rút xuống còn 13 chỉ tiêu để tập trung thực hiện (năm 2017, Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra 21 chỉ tiêu về phát triển KT-XH). Các sở, ngành, địa phương cần tập trung vào 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn và 3 lĩnh vực đột phá của tỉnh để phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng” - Chủ tịch UBND tỉnh Vương Bình Thạnh lưu ý.

Lấy phong cách cán bộ đo lòng tin doanh nghiệp

Nếu như năm 2016, tỉnh chỉ thu hút được 1 dự án (DA) đầu tư nước ngoài với số vốn khiêm tốn 22.472 USD thì năm 2017, có thêm 3 DA được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 7,35 triệu USD. Ngoài ra, tỉnh còn cấp điều chỉnh 6 DA, trong đó có 1 DA điều chỉnh tăng vốn thêm 40 triệu USD. Đối với đầu tư trong nước, năm 2017 đã thu hút đầu tư được 83 DA với tổng vốn đăng ký 15.001 tỷ đồng, tăng gần 27,7% về số DA (18 DA) và 62,28% về vốn đăng ký (5.757 tỷ đồng) so năm 2016.

Năm 2017 cũng ghi nhận thêm 799 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới, tổng số vốn đăng ký 3.805 tỷ đồng, tăng 30,13% về số DN (tương đương 185 DN) và 33,84% về vốn đăng ký (959 tỷ đồng) so năm 2016. Tính đến cuối năm 2017, có 8.568 DN đăng ký trên địa bàn tỉnh với tổng vốn đăng ký 49.297 tỷ đồng.

Số DN thành lập mới, số DA đầu tư trong nước và nước ngoài với tổng vốn đăng ký tăng mạnh là những kết quả nổi bật từ nỗ lực thực hiện “Năm DN” 2017. Ngoài ra, việc hỗ trợ, tạo thuận lợi cho DN sản xuất - kinh doanh còn góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 820 triệu USD (đạt chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh).

Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, dù đã có nhiều hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc, hoạt động của DN vẫn gặp những khó khăn nhất định. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng cho biết, năm 2018, tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành và lắng nghe DN trên tinh thần cầu thị, đổi mới. Hành động cụ thể gần nhất cho cam kết này là buổi họp mặt, gặp gỡ hơn 80 DN, nhà đầu tư tiêu biểu của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh vào chiều 11-1.

“Để lắng nghe DN nói thẳng, nói thật, không sợ “mích lòng”, buổi họp mặt đã không mời lãnh đạo sở, ngành cùng dự. Năm 2018, An Giang tiếp tục tinh thần đổi mới trong phục vụ, hỗ trợ DN, lấy phong cách cán bộ để đo lòng tin DN” - ông Lê Văn Nưng nhấn mạnh.

Trước thực trạng DN “than” khó tiếp cận vốn, còn ngân hàng thì nói “dư vốn nhưng không cho vay được”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh sẽ tổ chức buổi làm việc giữa Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh An Giang, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh với các DN chưa đồng thuận về tiếp cận vốn vay để cùng tháo gỡ vướng mắc, tạo sự đồng thuận chung.

Tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp lớn, đột phá

Năm 2017 đạt nhiều kết quả nổi bật trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ Ảnh: T.H

Thông suốt từ tỉnh đến cơ sở

Để thực hiện cam kết đồng hành cùng DN, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nghiên cứu mô hình hỗ trợ DN “từ A đến Z”. Theo đó, DN chỉ cần cung cấp hồ sơ, mọi thủ tục còn lại để được hoạt động đều do cán bộ chuyên môn của Nhà nước thực hiện. “Cũng giống như đề án tiến tới tự cân đối thu - chi vào năm 2025, mô hình hỗ trợ trọn gói cho DN là không dễ thực hiện nhưng chúng ta không vì ngại khó mà không làm” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng nhấn mạnh.

Sắp tới, tỉnh sẽ thành lập văn phòng đại diện tại TP. Hồ Chí Minh để quảng bá sản phẩm An Giang và xúc tiến kêu gọi đầu tư mạnh mẽ hơn. “UBND tỉnh thống nhất trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra nghị quyết kêu gọi xã hội hóa trong 2 lĩnh vực đầu tư xây dựng và an sinh xã hội. Nghị quyết nhằm tránh kêu gọi ủng hộ trùng lắp, huy động tốt các nguồn lực đầu tư theo quan điểm: Cái nào người dân và DN làm được thì Nhà nước không làm (trừ lĩnh vực an ninh quốc phòng)” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng thông tin thêm.

Ngày 9-1 vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2018. Ở điểm cầu các huyện, thị xã, thành phố, lãnh đạo từ cấp huyện đến cấp xã cùng tham dự để tạo sự thông suốt, thống nhất chung từ tỉnh đến cơ sở.

“Những nhiệm vụ, giải pháp lớn, các đề án, chương trình hành động trọng điểm của tỉnh phải được thực hiện đồng bộ. Đối với đề án tạo quỹ đất mới đây của tỉnh, phải triển khai thông suốt đến xã, ấp, Chủ tịch UBND cấp xã phải thông thạo đề án, cùng phối hợp thực hiện tốt chủ trương lớn của tỉnh” - Chủ tịch UBND tỉnh Vương Bình Thạnh lưu ý.

Đối với các sở, ngành, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu bám sát vào chương trình công tác, có phân công, phân việc rõ ràng, tập trung hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm 2018, tạo đà hoàn thành kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (2016-2020).

Năm 2018, tỉnh đề ra chỉ tiêu tổng sản phẩm (GRDP, theo giá so sánh 2010) tăng từ 6-6,5% so năm 2017; giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt 183 triệu đồng/ha; kim ngạch xuất khẩu đạt 840 triệu USD; tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 26.557 tỷ đồng; tổng thu ngân sách từ kinh tế địa bàn khoảng 5.700 tỷ đồng. Đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo giảm thêm 1,5% so năm 2017, toàn tỉnh có 46 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

 

NGÔ CHUẨN