Tập trung xây dựng quy hoạch dài hạn cho tỉnh

01/08/2019 - 07:33

 - Sau khi Luật Quy hoạch năm 2017 chính thức có hiệu lực thi hành, các địa phương trong cả nước tập trung nguồn lực tổ chức lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 theo quy định của luật, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước ngày 31-12-2020.

Căn cứ pháp lý quan trọng

Luật Quy hoạch được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 24-11-2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019. Theo đó, quy hoạch là việc sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên lãnh thổ xác định để sử dụng hiệu quả các nguồn lực của đất nước, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững cho thời kỳ xác định. Luật là căn cứ pháp lý để các cấp, ngành lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện và thống nhất trong hoạt động quy hoạch. Đồng thời, là công cụ quan trọng giúp nhà nước hoạch định, kiến tạo động lực, không gian phát triển, bảo đảm tính kết nối đồng bộ giữa quy hoạch cấp quốc gia với quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Đặc biệt, đây là công cụ pháp lý quan trọng đẩy nhanh việc thực hiện khâu đột phá chiến lược về phát triển hạ tầng; đồng thời loại bỏ các quy hoạch chồng chéo, cản trở đầu tư, phát triển, những rào cản gia nhập thị trường của doanh nghiệp.

Hội nghị triển khai công tác lập quy hoạch của tỉnh

Quy hoạch thay đổi theo nhiệm kỳ, không đồng nhất, thiếu tính kết nối đã tạo thành một lực cản cho sự phát triển của từng địa phương và cả nước. Để khắc phục những hạn chế này, tại Điều 4 Luật Quy hoạch quy định: trong hoạt động quy hoạch phải bảo đảm sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định, thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm kết hợp quản lý ngành với quản lý lãnh thổ; bảo đảm quốc phòng - an ninh; bảo vệ môi trường; bảo đảm tính nhân dân, sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân; bảo đảm hài hòa lợi ích của quốc gia, các vùng, các địa phương và lợi ích của người dân, trong đó lợi ích quốc gia là cao nhất; bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới; bảo đảm tính khoa học, ứng dụng công nghệ hiện đại, kết nối liên thông, dự báo, khả thi, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực của đất nước; bảo đảm tính khách quan, công khai, minh bạch, tính bảo tồn; bảo đảm tính độc lập giữa cơ quan lập quy hoạch với Hội đồng thẩm định quy hoạch; bảo đảm nguồn lực để thực hiện quy hoạch. Các điểm nổi bật khác trong luật là việc quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động quy hoạch nhằm hạn chế tối đa các tiêu cực trong quy hoạch; cơ quan lập quy hoạch phải lấy ý kiến về quy hoạch; việc điều chỉnh quy hoạch không làm thay đổi mục tiêu của quy hoạch, trừ một số trường hợp đặc biệt.

Khẩn trương thực hiện quy hoạch tỉnh An Giang

Vừa qua, UBND tỉnh phối hợp Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế miền Nam (Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức hội nghị triển khai công tác lập quy hoạch tỉnh. An Giang là một trong những tỉnh triển khai khá sớm hoạt động này. “Để triển khai Luật Quy hoạch, ngày 5-2-2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP. Theo đó, Chính phủ yêu cầu địa phương báo cáo việc thực hiện rà soát, tổng hợp danh mục các quy hoạch đã được phê duyệt còn hiệu lực, các quy hoạch đang tiến hành lập, đã được lập, điều chỉnh mà chưa được thẩm định. Tạm dừng triển khai xây dựng các quy hoạch ngành, sản phẩm chủ yếu trên địa bàn tỉnh và xem xét bãi bỏ trước ngày 31-12-2018 theo quy định của Luật Quy hoạch. Hiện nay, những công việc trên, An Giang đã thực hiện xong, tiếp tục triển khai nhiệm vụ xây dựng quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Do công việc rất khẩn trương, đề nghị các ngành, địa phương nghiêm túc nghiên cứu những nội dung được hướng dẫn tại hội nghị” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng đề nghị.

Tại hội nghị, UBND tỉnh đã triển khai kế hoạch lập quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả phù hợp với thực tiễn của tỉnh. Trong giai đoạn chuẩn bị, UBND tỉnh quyết định cơ quan Chủ đầu tư dự án lập quy hoạch tỉnh là Sở Kế hoạch và Đầu tư; thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ công tác lập quy hoạch tỉnh; ban hành kế hoạch triển khai thực hiện lập quy hoạch tỉnh. Sau đó là giai đoạn xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch; xây dựng quy hoạch tỉnh, báo cáo đánh giá môi trường chiến lược.

Việc triển khai lập quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi sự tập trung chỉ đạo và tham gia tích cực của các ngành, các cấp, địa phương trong tỉnh. Như ý kiến của lãnh đạo một số sở, ngành, tỉnh cần “dám nghĩ đến những chuyện lớn lao”, tránh vừa quy hoạch xong đã lạc hậu. Về nguồn lực, nên thực hiện “bài toán ngược”: căn cứ nguồn vốn thực tế, thực hiện quy hoạch theo kiểu “liệu cơm gắp mắm”, tránh tái diễn tình trạng quy hoạch “treo” vì không có vốn; đảm bảo giải quyết tốt độ chênh giữa quy hoạch của cấp dưới và cấp trên; quy hoạch đã được duyệt không kiềm hãm các yếu tố mới phát triển trong thực tiễn… “Đây là quy hoạch dài hạn, nên cần có tầm nhìn sâu rộng, mang tính chiến lược, định hướng và dự báo. Khi thực hiện “chuyện đại sự” này, cần xem xét các yếu tố tác động khách quan, chủ quan. Không quy hoạch theo kiểu manh mún, hạn chế thấp nhất việc điều chỉnh quy hoạch. Phải làm sao đảm bảo được 3 yêu cầu lớn nhất: tính khả thi, tính thuyết phục, tính phát triển bền vững và lâu dài” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng nhấn mạnh.

Bài, ảnh: GIA KHÁNH

 

Liên kết hữu ích