Tất bật "làm đẹp" cho hoa tết

08/01/2018 - 09:33

Thời gian này, đi qua làng hoa kiểng Cái Mơn (Chợ Lách, Bến Tre) đã thấy người trồng hoa chộn rộn, tất bật chăm chút, tỉa tót từng nụ hoa chuẩn bị cho chợ tết. Nổi tiếng là thủ phủ cây giống cùng các loại kiểng thú, tắc, mai vàng, các loại hàng lá, hoa treo, bông nở… đã làm đa dạng thêm mùa hoa kiểng tết, đồng thời đem lại nguồn thu nhập cao.

A A

Tất bật "làm đẹp" cho hoa tết

Một “vườn tết” điển hình: vạn thọ vừa xuống chậu, bên cạnh cúc mâm xôi he hé, cúc tiger được lải nụ cùng dãy cây tắc… sẵn sàng cho tết.

“Hổng cho chụp hình, mất duyên… bông người ta”

Làng hoa kiểng Cái Mơn những ngày này, người trồng hoa tết đang trong giai đoạn “nước rút” chuẩn bị cho chợ hoa tết.

Tất bật với trăm công nghìn việc tưới tắm, vô chậu, tỉa cành, lải nụ, tạo tán… nhưng ai cũng tươi như hoa vì “thời tiết đang dễ chịu” cho hoa phát triển tốt.

Mặc dù trước đó ảnh hưởng bão số 16 nhưng nhờ kinh nghiệm nên người trồng hoa tăng cường phân thuốc, kê kích dàn lên cao mà hoa kiểng hồi phục nhanh.

Các loại kiểng lá, kiểng thú, kiểng cổ, kiểng quý hiếm… qua bàn tay tài hoa của các nghệ nhân đã tạo những hình dáng bắt mắt, cuốn hút.

Theo ông Bùi Thanh Liêm- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Chợ Lách, hiện mai vàng và bông giấy đã được đặt hàng khoảng 70%, còn lại người trồng tiếp tục dưỡng để đi chợ tết.

Trong khi đó, những năm gần đây, “vương quốc cây giống” đã bổ sung thêm các loại kiểng lá màu, hoa treo, bông nở,… và chủ động cải thiện mẫu mã, nhập thêm nhiều loại giống hoa kiểng mới để đáp ứng nhu cầu thị trường. Chỉ tính riêng dứa kiểng đã có hàng chục loại “kể không hết”.

Thời gian này, các loại hoa treo như: dạ yến thảo, dừa cạn, son môi, sò… đã lên dàn. “Bông nở”: cúc mâm xôi đang tỉa nụ, vạn thọ đã xuống chậu gần nửa tháng.

Trong khi, hàng lá: hồng lộc, kim phát tài, dạ lan thanh, trúc bách hợp... được những bàn tay khéo léo, tỉ mỉ chăm chút.

Từng nhóm phụ nữ đội nón lá, che dù tỉ mỉ lải nụ cúc mâm xôi, tạo thành khung cảnh rất đẹp.

Khi nhà báo xin chụp hình, nhiều người hồ hởi “cho tui lên trang bìa nghen” nhưng cũng có mấy cô gái bẽn lẽn “hổng cho chụp hình, mất duyên bông người ta hết” làm ai cũng cười ồ vui vẻ.

Nhiều người trồng hoa cho biết, trồng hoa tết nhọc công lắm, mà cũng phải trông trời trông đất trông mây. “Năm nào mưa thuận gió hòa, tết mới rực rỡ như hoa.

Còn năm nào trái gió trở trời là tết buồn hiu. Năm nay, tui trồng hơn 4.000 chậu cúc tiger. Giờ này nhìn chưa mê lắm đâu, khoảng hơn nửa tháng nữa lên bông mới đẹp.

Năm rồi bán hoa ngon lắm, tui bán 400.000 đ/cặp.

Mong năm nay cũng ngon như vậy”- chị Công ở xã Vĩnh Thành (Chợ Lách) vui vẻ vừa nói, vừa thoăn thoắt tỉa nụ hoa.

Tất bật "làm đẹp" cho hoa tết

Hàng “bông nở” dạ lan thảo, dừa cạn rất “nhạy bông” vẫn được tỉa tót rất tỉ mỉ.

Còn chị Nguyễn Thị Hằng (ấp Bình Tây, xã Vĩnh Thành) lải nụ cho cúc tiger bảo: “Làm vậy để bông nào nở xứng đáng bông đó. Năm nay, nhà tui cũng trồng 500 chậu hoa giấy với mấy trăm chậu vạn thọ. Làm xong bông nhà, tui vần công cho vườn hoa khác, kiếm thêm thu nhập”.

Ông Mai Văn Đến- Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thành- cho biết: “Không chỉ mùa hoa tết mà nhân công ở làng hoa kiểng khan hiếm quanh năm. Với 2/3 diện tích (toàn xã 1.564ha đất nông nghiệp) trồng hoa kiểng, cây giống nên quanh năm làm không hết việc.

Từ ghép cây, vô bầu, bứng đến bưng bê, sắp xếp, tỉa cành, lải nụ… cứ vô mùa kiếm người làm không ra, phải dặn trước cả tháng. Người chịu làm kiếm không dưới 400.000-500.000 đ/ngày”.

8 triệu sản phẩm hoa kiểng tết

Được cho là nơi đất hẹp, người đông nhưng xã Vĩnh Thành là “cái nôi” trồng hoa kiểng, cây giống của Chợ Lách, theo ông Mai Văn Đến, vài năm gần đây người dân đã chuyển từ trồng hoa kiểng sang trồng cây giống giá trị cao hơn.

Tất bật "làm đẹp" cho hoa tết

Mùa hoa kiểng tết ở Cái Mơn, các ngôi nhà đóng kín cửa bởi người người dồn hết ra ruộng vườn.

Như năm vừa qua người làm giống “trúng giá” mít, xoài, sầu riêng, còn năm trước nữa “gặp mùa” bưởi, cam. Sản phẩm cây giống như xoài còn đóng container hàng chục ngàn cây xuất khẩu sang Lào, Campuchia…

Trong khi đó, mùa tết này, tứ quý, mai vàng “cứng” giá hơn mọi năm, cao hơn gấp rưỡi năm trước và hiện hầu hết lượng mai ghép đã được thương lái đặt mua đi các thành phố lớn, miền Bắc.

Hoa kiểng, cây giống đã trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện Chợ Lách, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Ông Bùi Thanh Liêm cho hay, năm 2017, Chợ Lách đã cung cấp cho thị trường hơn 12,5 triệu sản phẩm hoa kiểng, trong đó, thị trường tết chiếm khoảng 8 triệu sản phẩm.

Theo số liệu thống kê bình quân thu nhập đất nông nghiệp của huyện, đã đạt 250 triệu đồng/ha, nhưng theo ông Thanh Liêm, thực tế vùng sản xuất hoa kiểng, cây giống 1.000m2 cho thu nhập bạc tỷ là chuyện thường… ở Cái Mơn này.

Thực tế, theo tính toán của UBND xã Vĩnh Thành, thu nhập bình quân đầu người đạt 42,3 triệu đồng/người/năm, nhưng ông Mai Văn Đến “nói thiệt” với nhà báo “xã tui tỷ phú cây giống nhiều lắm”. Với khoảng 1.000m2 làm giống sầu riêng, xoài… có thể ương, giâm trồng hàng ngàn cây giống.

Từ cây nguyên liệu ương, giâm trong vườn, xoài khoảng 2 năm, sầu riêng 3 năm là có thể “bứng tốc mền” thu về bạc tỷ. Còn các loại hoa treo có thể làm giàn nhiều lớp để tận dụng tối đa diện tích canh tác.

Mặc dù được coi là ngành kinh tế mang lại thu nhập cao cho nông dân, nhưng theo ông Bùi Thanh Liêm, cái khó hiện nay của làng nghề Cái Mơn là chưa có một đơn vị, doanh nghiệp nghiên cứu giống mới cho làng nghề.

Mỗi năm đều có giống cây mới nhưng đều do các cơ sở nhập từ nước ngoài. Do đó, cần lắm một cơ quan chuyên nghiên cứu, lưu trữ bộ gien về giống hoa kiểng để cung cấp cho người sản xuất và thay đổi giống mới, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Và có thể khuyến khích doanh nghiệp đầu tư.

Hiện nay, công thức giống hoa kiểng được thực hiện theo quy trình này: người trồng nhập giống lạ về trồng, âm thầm nhân giống, rồi đặt lại tên khác cho phù hợp thị hiếu người Việt, thậm chí là cho nó “có phong thủy” hơn.

Theo THẢO LY- AN HƯƠNG (Báo Vĩnh Long)