Tết này về quê ngoại ăn tôm kho tàu

07/01/2018 - 16:36

Vào cuối năm, người ta thường xả nước để làm đất chuẩn bị gieo sạ mùa sau. Tôm trên đồng ruộng theo nước xuống các ao hồ, kênh rạch. Dân quê chọn cái ao nhỏ, nước sâu, xách rổ lội xuống cho nước đục, tôm nổi đầu đưa râu đỏ au nhìn mê mắt. Bắt được tôm nhiều, ngoại tôi để dành vài ký kho tàu, món ngon 'bí truyền' mà ngoại đã làm cho anh em tôi thuở còn thơ bé.

Món tôm kho tàu cực ngon của ngoại

Trước đây, quê tôi trồng lúa mỗi năm một vụ, thu hoạch vào dịp cuối năm. Sau những ngày mùa, cha mẹ tôi thường đi sang vùng khác nuôi vịt để anh em tôi ở nhà với ngoại. Tuổi thơ của chúng tôi gắn liền với những câu chuyện ngày xưa mà ngoại vẫn thường hay kể. Thương lắm dáng ngoại hao gầy, mái tóc pha sương, bàn tay nổi đồi mồi, nụ cười hiền dịu trìu mến bảo ban con cháu. Nhà ngoại tôi đông con cháu, cha mẹ tôi đi làm xa, anh em tôi ở nhà sống với ngoại từ tấm bé.

Tôm cắt phần đầu, lột sạch vỏ rồi ướt bằng muối hột

Ngoại tôi hiếm khi đi chợ, bữa cơm thường nhật của chúng tôi là con cá, con tôm ngoại bắt được trên cánh đồng hay con rạch nhỏ. Anh em tôi lớn lên từ đôi tay tảo tần cùng tình yêu thương chan hòa của ngoại. Nhà tôi khi đó có mấy cái mương nhỏ, ngoại dùng để chất chà cuối năm bắt cá tôm ăn Tết. Hồi đó, tôm còn nhiều lắm chứ không đắt đỏ như bây giờ. Người ta bắt tôm chủ yếu để ăn chứ không mua bán. Ngoại tôi cũng vậy! Mỗi dịp Xuân về, ngoại thủ sẵn cái nồi tôm kho tàu: “độc chiêu” của ngoại.

Tôm kho tàu là món ăn dân dã, nhưng đậm đà “hao cơm” lấy nguyên liệu chính từ con tôm của miền quê sông nước. Tôm sống trong tự nhiên thịt săn chắc, béo ngậy, đặc biệt ngon khi mang đi kho tàu. Gần như bất cứ người phụ nữ nào ở quê tôi cũng biết cách làm món ăn này và vô tình tôm kho tàu trở thành thước đo cho sự khéo léo của họ. Hồi đó, ngoại tôi là người kho tàu khéo nhất. Người ở đầu trên xóm dưới thường tìm đến để học ngoại cách làm món ăn này.

Để lửa riu riu cho muối thấm vào thịt tôm

Bắt được tôm, ngoại sai anh em tôi tỉ mỉ ngồi lột vỏ tôm cho thật sạch, tách gạch tôm ra riêng một cái chén nhỏ. Bí quyết làm nên món tôm kho tàu đặc trưng của ngoại là không ướp gia vị. Ngoại chỉ ướp tôm bằng muối hột cho thấm đều. Cho tôm lột sạch vỏ vào nồi rồi đốt lửa riu riu trên bếp than củi, dùng đũa trở qua trở lại cho tôm chín đều và thấm muối. Kế đến ngoại đặt chén gạch tôm trên bếp than, gạch tôm nóng lên có màu đỏ trông bắt mắt. Ngoại nhúng từng con tôm đã thấm muối vào chén gạch tôm cho gạch ngấm vào thịt. Tiếp tục trở tôm qua lại, để lửa riu riu đến khi thịt tôm săn lại lan tỏa hương thơm. Ngoại bảo anh em tôi: “Xong rồi đấy các cháu, chuẩn bị đưa cơm nhé!”

Trong khi ngoại tôi chế biến món tôm kho tàu thì anh em tôi tranh thủ nấu nồi cơm gạo mới trên bếp củi kế bên. Khi tôm chín thì nồi cơm của chúng tôi nấu cũng đã xong. Ngoại tôi múc ra đĩa tôm kho tàu. Tôi nhắc nồi cơm xuống mở nắp ra rồi bắt đầu thưởng thức bữa cơm dân dã mà ngon hết ý. Tôm kho tàu mà ăn với cơm nóng nấu gạo mới thì còn gì ngon cho bằng, thích nhất là lớp muối hột đóng áo bên ngoài con tôm, vừa cắn, vừa ăn với cơm nóng. Tôi thường chắt nước cơm để thay thế canh, vừa đơn giản vừa tiện lợi. Thỉnh thoảng tôi lại múc ra một chén nước cơm, thổi khói rồi húp soàn soạt một cách ngon lành. Bữa cơm của ngoại tuy dung dị, giản đơn, nhưng ấm áp nghĩa tình, nhất là tấm lòng yêu thương bao la của ngoại.

Món ăn này dùng với cơm gạo mới miền quê thì ngon hết ý

Biết anh em tôi thích món tôm kho tàu, nên năm nào cũng vậy, cứ Tết đến, trong nhà ngoại luôn có món ăn được chế biến từ con tôm sông nước. Vào các ngày Tết chính, chúng tôi thường ngán thịt, đến nhà ngoại thì sẽ có bữa cơm dân dã với món tôm kho tàu của ngoại hấp dẫn biết bao. Sau này, tôm tự nhiên dần khan hiếm, không dễ gì để bắt được vào ký tôm để về nhà làm món. Mấy năm sau đó, ngoại mất, không còn tận tay đi bắt tôm và tỉ mỉ ngồi bên chái bếp làm món tôm kho tàu như những ngày xưa. Giờ nhắc lại mà nhớ quê, nhớ ngoại, buồn đến nao lòng.

Phải chăng trong ký ức của con người ta luôn giữ một điều gì đó là thiêng liêng, không thể mai một dù phải trải qua nhiều biến đổi. Dù chỉ là món ăn dung dị, nhưng với tôi, món tôm kho tàu của ngoại ngày xưa còn có giá trị vô ngần chứa chan tình yêu thương của ngoại. Về thăm ngoại vào dịp cuối năm, bước đến chái bếp nhỏ năm xưa, những ký tuổi thơ ùa về trong tâm trí. Với anh em tôi, dù cho vật đổi sao dời, nhưng dáng hình của ngoại luôn còn mãi, tồn tại mãi theo thời gian.

Theo HOÀNG LÊ (Sống Mới)