Tết Trung thu cho trẻ em vùng sâu

17/09/2018 - 14:05

Tại Trường Cao đẳng Sư phạm Sóc Trăng, hàng chục sinh viên đang tự tay hoàn thành hàng trăm chiếc lồng đèn ông sao để tặng học sinh nghèo, học sinh khuyết tật trên địa bàn tỉnh.

A A

Những ngày qua, không khí rộn ràng của ngày Tết Trung thu lan khắp các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tại Trường Cao đẳng Sư phạm Sóc Trăng, hàng chục sinh viên đang tự tay hoàn thành hàng trăm chiếc lồng đèn ông sao để tặng học sinh nghèo, học sinh khuyết tật trên địa bàn tỉnh. 

Anh Nguyễn Ngọc Nghiệp, Bí thư Đoàn Trường Cao đẳng Sư phạm Sóc Trăng, cho biết: “Đây là năm thứ 2 các bạn sinh viên của trường tự tay làm lồng đèn tặng các em học sinh nghèo, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và học sinh khuyết tật vui Trung thu”. 

Các bạn sinh viên tranh thủ những giờ trống tiết học hoặc buổi tối để tham gia làm lồng đèn. Mỗi người một việc để hoàn thành những chiến lồng đèn đẹp lung linh tặng các em học sinh. Ngoài việc làm lồng đèn, các bạn sinh viên còn vận động mọi người ủng hộ bánh Trung thu để trao tặng cho các em nhỏ. 

Kinh phí của hoạt động chủ yếu là vận động ở các nhà hảo tâm, Ban Giám hiệu Trường Cao đẳng Sư phạm Sóc Trăng hỗ trợ một phần và sự đóng góp tùy tâm của các bạn sinh viên trong trường. 

“Các bạn tham gia trên tinh thần thiện nguyện, hướng đến các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Hoạt động này cũng giúp cho các bạn sinh viên gần gũi với các em học sinh, từ đó trau dồi, rèn luyện kỹ năng, kinh nghiệm thực tiễn để sau này phục vụ tốt hơn cho công tác giảng dạy trong nhà trường cũng như tham gia các hoạt động ngoài xã hội”, anh Nghiệp chia sẻ thêm.

Sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Sóc Trăng tất bật với những chiếc lồng đèn cho học sinh nghèo.

Tại TP Cần Thơ, Thành đoàn TP Cần Thơ phát động phong trào tại các Đoàn trường đại học, cao đẳng, THPT trên địa bàn làm trên 1.000 chiếc lồng đèn trung thu tặng cho học sinh nghèo, hiếu học. 

Nhiều tổ chức từ thiện trên địa bàn thành phố cũng đã sẵn sàng kế hoạch tặng quà tại các chương trình vui chơi dành cho trẻ em cơ nhỡ được nuôi dưỡng tại chùa Bửu Trì (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) và Câu lạc bộ trẻ em đường phố, với trên 200 em nhỏ. Dự kiến chương trình văn nghệ sẽ diễn ra vào đúng ngày 15-8 âm lịch.

Để gìn giữ nét đẹp truyền thống, gia đình bà Nguyễn Lệ Thu (58 tuổi, phường 3, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) đã 4 đời gắn bó với nghề làm lồng đèn giấy kiếng. Từ tháng 5, 6 âm lịch ngôi nhà nhỏ của bà Thu bắt đầu nhộn nhịp và tất bật hẳn lên. 

Đã hơn 50 năm gắn bó với nghề làm lồng đèn truyền thống, bà Thu chia sẻ: “Khi nhỏ, tôi rất mê chiếc lồng làm bằng tre hoặc nứa, dán giấy kiếng đầy đủ màu sắc. Gia đình thì có nghề làm lồng đèn nên tôi được cha dạy cách làm lồng đèn. Sau đó, bằng niềm đam mê của mình, tôi đã thiết kế ra những chiếc lồng đèn riêng của mình. Cái nghề này cha truyền con nối, thật ra là mình yêu nghề mới làm”. 

Theo bà Thu để vẽ một chiếc lồng đèn thoạt nhìn thì không quá phức tạp vì các mẫu vẽ cũng ít. Tuy nhiên, để truyền được cái “hồn” vào trong mỗi nét vẽ thì không phải ai cũng làm được...

Còn tại tỉnh Bến Tre, đôi vợ chồng trẻ Lê Thị Huế My và Lê Trọng Hiếu (30 tuổi, ở xã Hữu Định, Châu Thành, Bến Tre) đã từ chiếc máy chạm gỗ, máy tiện gỗ công nghệ tự động hóa đã nâng giá trị các sản phẩm từ dừa với những lồng đèn gáo dừa vô cùng độc đáo. 

Chị Huế My chia sẻ: “Gáo dừa được dạt bỏ phần đầu, mài cho sạch lớp trong, lớp ngoài rồi đánh bóng cả 2 mặt, tạo một lớp dầu dừa để làm tăng độ bóng. Sau đó, dùng máy laser để khắc họa các họa tiết theo yêu cầu của khách hành như hình ngôi sao, cá chép,… Tiếp đến, gáo dừa được đưa vào máy khoan các lỗ khoan tạo thành hình thù đặc trưng từ hình họa tiết trước đó. Khi ánh sáng đèn cầy phát ra sẽ tạo thành những hình ảnh dễ thương, ấn tượng”.

Theo Công an nhân dân