Tha la bên đường

16/03/2018 - 06:52

 - Đối với người dân Khmer vùng Bảy Núi, Tha la mang ý nghĩa rất nhân văn. Nằm lặng lẽ ven đường, Tha la như ngôi nhà nhỏ, luôn mở rộng cửa đón bước chân người trú mưa, trú nắng. Mỗi Tha la có một câu chuyện riêng, chất chứa tình người, gắn liền với nhịp sinh hoạt của cư dân xung quanh...

Tha la păng xây (xã Ô Lâm, Tri Tôn) nằm giữa bóng râm mát mẻ của cây lâm vồ, tạo thành khung cảnh rất bình yên, thu hút đông đảo người dân tìm đến nghỉ ngơi. Ít ai ngờ, địa danh ấy lại tượng trưng cho hồi ức chiến tranh đẫm máu.

Nhiều năm trước, người dân tên Chau Túp nhìn thấy ngã ba đường có cây lâm vồ tươi tốt, nhiều người qua lại, nên cho dựng một điểm dừng chân (tha la), mái lợp bằng tole (păng xây). Ông còn để một khạp đựng nước, khi mọi người ghé lại nghỉ ngơi có nước giải khát. Dần dần, người dân còn gọi nơi đó là Tha la Tà Túp (điểm dừng chân của ông Túp).

Theo Lịch sử Đảng bộ xã Ô Lâm, cuối năm 1957, Mỹ cho xây đồn lớn tại Tha la păng xây do 1 trung đội đóng giữ. Ngày 10-2-1962, địch khởi công xây dựng ấp chiến lược kiểu mẫu Ô Tà Tưng, như một pháo đài từ đồn Tha la păng xây đến ấp Ô Tà Tưng. Đầu tháng 3-1962, chi bộ xã Ô Lâm phát động đồng bào trong và ngoài xã kéo vào quận lỵ Tri Tôn, đấu tranh đòi về lại phum, sóc.

Chị Néang Nghés (cán bộ phụ nữ xã Ô Lâm) bị địch bắt về đồn Tha la păng xây, giam vào “cái lồng kẽm” để dưới nước. Bốn bên và phía trên đều đan bằng kẽm gai, ngồi vừa đụng đầu, khi để trên bờ phơi nắng, lúc để dưới nước ngập lên nửa người. Quay qua, quay lại đều bị dây chì gai cào vào người. Chị bị giam giữ trong cái chuồng man rợ ấy cả ngày lẫn đêm. Mua chuộc, dụ dỗ, tra khảo không được, chúng tra tấn chị đến chết. Khi ấy, chị mới tròn 20 tuổi!

Tha la păng xây

Tha la păng xây

Ấn tượng về Tha la păng xây thôi thúc tôi đi tìm câu chuyện về những Tha la khác, nằm rải rác khắp vùng Tri Tôn. Theo lời kể chắp vá, không sõi tiếng Kinh của một số người Khmer lớn tuổi, Tha la được xây dựng bằng tấm lòng thơm thảo và tiền bạc của một hộ dân khá giả trong phum sóc.

Khách lỡ đường phương xa, người đi đồng áng mệt nhọc có thể dừng chân, bước vào Tha la trốn cái nắng hanh hao của xứ núi, hoặc cơn mưa lớn bất ngờ đổ ập.

Tha la rộng khoảng vài mét vuông, được bố trí rất đơn giản: mái che bằng lá, bằng ngói, tole hoặc bê-tông, chất liệu thay đổi theo thời gian. Giữa các cột trụ là vách ngăn thấp. Chỗ ngồi được xây nối liền với vách.

Ngoài ra, không còn vật dụng gì nữa, nhường chỗ cho khoảng không thoáng mát, có thể chứa được hàng chục người bên trong. Nhiều Tha la được đặt tên hẳn hoi, theo tên của người xây dựng (Tha la Tà Tiếp - ông Tiếp, Tà Khan - ông Khan…).

Số còn lại, chỉ gọi đơn giản là “Tha la”, nhưng vẫn mang sự thân thuộc và phân biệt rõ ràng trong tiềm thức của người dân địa phương!

Chạm tay vào bức vách của Tha la trước cửa nhà, ông Chau Sanh (sinh năm 1946, ngụ ấp An Lợi, xã Châu Lăng, Tri Tôn) cẩn thận đọc từng dòng chữ được khắc bằng tiếng Kinh lẫn Khmer trên ấy.

Ông bảo, Tha la này được xây dựng năm 1956, tu bổ năm 1991. Người xây dựng không quên nhắc nhở “giữ gìn vệ sinh chung”.

Nhìn cột đá, mái che của Tha la bắt đầu nứt gãy, ông Chau Sanh tâm tình: “Sóc này có 4 Tha la, trong đó có 1 cái do ông bà tôi xây dựng. Lúc trước, đường thấp nên Tha la được xây cao ráo, thoáng mát.

Theo thời gian, đường cao, Tha la lại thấp hơn, dần xuống cấp. Hồi xưa, xe cộ, nhà cửa ít lắm, Tha la trở thành nơi nghỉ chân lý tưởng cho chúng tôi. Nhờ Tha la, người ta mới cảm giác được mưa nắng bên ngoài khắc nghiệt thế nào!”.

Ông Chau Sanh ghé thăm Tha la trước nhà mình

Ông Chau Sanh ghé thăm Tha la trước nhà mình

Bây giờ mọi người di chuyển bằng xe máy, khoảng cách đường xa dường như không còn tồn tại. Ai cũng vội trở về nhà, nên Tha la vắng dấu chân người. Không ít Tha la bị bỏ hoang, hoặc hư hại nhiều đến mức khách vãng lai ngại bước vào. Có Tha la trở thành nơi sinh hoạt, mua bán của những hộ dân gần đó.

Nằm trên võng nghe nhạc trong không gian trưa vắng, ông Đặng Văn Liêm (sinh năm 1953, ngụ ấp Tô Trung, xã Núi Tô, Tri Tôn) tâm sự: Nhà ông gần đây, nhưng nghèo khó. Các con đi xa lập nghiệp, chỉ còn vợ chồng già "hủ hỉ" với nhau. Mấy năm nay, ông phát hiện mắc bệnh ung thư, không còn làm nghề mộc được nữa. Thấy Tha la này vắng người lui tới, ông “mượn” làm nơi sửa xe. “Sáng, tôi dọn đồ nghề ra, rồi về nhà giúp vợ cơm nước. Trưa nắng, tôi giăng võng nằm chờ khách, chiều lại dọn về. Ngày nào có khách thì được mấy chục ngàn. Ngày nào ế, cứ thui thủi một mình trong Tha la.

Khi nào trời mưa, khách ghé lại đông, tôi mới có người trò chuyện. Lúc rảnh rỗi, tôi lại dọn dẹp, quét tước Tha la sạch sẽ. Nhờ yên tĩnh của Tha la, tôi nhận ra: sống hơn nửa đời người, đến giờ này tôi chẳng cầu mong gì hơn ngoài hạnh phúc, bình yên” - ông Liêm mỉm cười.

Thời gian làm thay đổi nếp sinh hoạt của con người. Tha la giờ trở thành chứng nhân cho lịch sử, lùi vào dĩ vãng xa xưa, in hằn dấu ấn của gió sương. Dẫu vậy, giống như những nhân vật trong bài viết, tôi tin rằng, Tha la sẽ được lưu giữ và trường tồn cùng năm tháng.

Ông Chau Chon (sinh năm 1944, ngụ ấp Sà Lôn, xã Lương Phi, Tri Tôn) chia sẻ: “Mẹ vợ tôi (Neáng Ok) cùng 2 người phụ nữ khác xây dựng Tha la gần 40 năm trước. Khi mẹ qua đời, chúng tôi vừa chung tay sửa chữa lại Tha la năm ngoái, với gạch men, xi măng vững chắc. Tôi dặn người trong gia đình luôn gìn giữ Tha la, để con cháu đời sau biết nét văn hóa của dân tộc mình, nhớ ơn người đi trước. Có như vậy, Tha la sẽ không bao giờ biến mất”.

Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG