Thách thức của lao động nữ trong thời đại 4.0

28/03/2019 - 08:20

 - Cách mạng 4.0 diễn ra, dự báo đem lại những cơ hội việc làm có năng suất cao hơn, đồng thời kèm theo thách thức về nguy cơ mất việc làm, nhất là những ngành nghề, việc làm giản đơn mà lao động nữ là đối tượng dễ bị tác động nhiều nhất.

Toàn tỉnh hiện có 51.864 nữ công nhân, viên chức, lao động (chiếm tỷ lệ 49,43%), tập trung đông ở 2 lĩnh vực thủy sản và may mặc. Lực lượng lao động nữ phần lớn làm việc dây chuyền giản đơn, nguy cơ mất việc làm cao so với nam giới. Trình độ chuyên môn của đối tượng này còn tương đối thấp, chất lượng việc làm chưa ổn định và thiếu bền vững. Mặt khác, tình trạng hạn chế sử dụng lao động nữ ở tuổi 35 trở lên đang là vấn đề đáng quan tâm, khiến lao động nữ phải đối mặt với nguy cơ sụt giảm thu nhập, thậm chí mất nguồn thu nhập do giảm giờ làm hoặc mất việc làm. Những hạn chế và khó khăn của lao động nữ xuất phát từ thực tế khách quan lẫn chủ quan như: gia đình, cuộc sống là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, đứng trước cuộc cách mạng 4.0, nếu không thường xuyên học tập và nâng cao trình độ cũng như tay nghề thì việc bị đào thải là tất yếu.

Lực lượng cán bộ nữ công công đoàn qua 70 năm xây dựng và phát triển, từ Ban Cán sự phụ nữ lao động thành lập vào tháng 2-1949 (tiền thân của Ban Nữ công Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ngày nay) tính đến nay, cả nước có 73.130 Ban Nữ công quần chúng, với gần 230.000 ủy viên. Riêng đối với hệ thống công đoàn tỉnh An Giang, hiện có 1 Ban Nữ công nghiệp vụ, 949 Ban Nữ công quần chúng, với 2.883 ủy viên ở các cấp. Để chăm lo và tiếp sức cho lao động nữ hòa nhập với môi trường hiện đại, xây dựng tác phong công nghiệp, nâng cao trình độ, Ban Nữ công Công đoàn các cấp đã nỗ lực tham mưu tổ chức nhiều hoạt động hướng đến đoàn viên, lao động nữ. Trong công tác tuyên truyền, tập trung nhất là trang bị kiến thức về pháp luật, kỹ năng làm cha mẹ, chăm sóc sức khỏe. Các hoạt động chăm lo về giới nhân các ngày kỷ niệm cũng được tổ chức bằng nhiều hình thức linh hoạt, phong phú gắn với việc thăm hỏi, hỗ trợ khi khó khăn, khám sức khỏe… Những đơn vị có đông công nhân lao động nữ đã và đang thực hiện chu đáo nhiệm vụ này là: Công ty Cổ phần Điện nước An Giang, Công ty Cổ phần Agimexpham, Công đoàn cơ sở Trường Đại học An GIang, Công ty Cổ phần phát triển du lịch An Giang…

Thách thức của lao động nữ trong thời đại 4.0

Công nhân Công ty TNHH An Giang Samho tìm hiểu kiến thức pháp luật về phòng, chống lao động trẻ em

Tuy nhiên, hầu hết Ban Nữ công Công đoàn hiện nay chỉ mới tập trung hoạt động phong trào bề nổi, còn chức năng đại diện, bảo vệ cho lao động vẫn chưa thực sự hiệu quả. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, chức năng đại diện, bảo vệ càng phải đẩy mạnh, thông qua các hoạt động cụ thể như: tham gia bảng thỏa ước lao động tập thể về những điều khoản có lợi cho lao động nữ phù hợp với đặc tính tâm sinh lý; tạo kênh thông tin liên lạc 2 chiều để kịp thời nắm bắt tâm tư của nữ, nhất là những chuyện đời thường, tế nhị để kịp thời chia sẻ, tham mưu hướng giải quyết thỏa đáng. Đăc biệt, thời đại công nghệ 4.0, phụ nữ, lao động trong nhiều ngành nghề sẽ biến động rất lớn. Muốn nắm bắt được các lợi thế trong thời đại mới, điều quan trọng là lao động nữ cần được trang bị các phương pháp tư duy mới để tạo ra sự khác biệt và tận dụng tối đa cơ hội có được. Không chỉ Ban Nữ công Liên đoàn Lao động tỉnh mà Ban Nữ công Công đoàn các cấp cần tập trung triển khai các hoạt động tuyên truyền để nâng cao kiến thức pháp luật, thay đổi nhận thức cho lao động nữ phải tự học, nâng cao tay nghề để không bị đào thải. Trong đó, Ban Nữ công Công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài nhà nước cần chủ động nhiều hơn để thực hiện tốt vai trò là tổ chức đại diện cho giới nữ.

Năm nay, một trong những nội dung trọng tâm của hoạt động nữ công là thúc đẩy thành lập, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Nữ công quần chúng, gắn với chăm lo lợi ích của nữ đoàn viên, công nhân viên chức, lao động. Công đoàn sẽ tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với lao động nữ, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể với những quy định có lợi ích hơn cho lao động nữ so với quy định pháp luật. Phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” và “Giỏi việc nước, chia sẻ việc nhà” sẽ được đẩy mạnh và đưa vào doanh nghiệp ngoài nhà nước. Từ sự phối hợp của doanh nghiệp, công đoàn sẽ phổ biến, tuyên truyền cho công nhân, viên chức, lao động các chủ trương, chính sách pháp luật về hôn nhân, gia đình, bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình, đồng thời nghiên cứu thực hiện mô hình “Lễ cưới tập thể” cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn.

MỸ HẠNH