Tham nhũng hủy hoại thanh danh một đảng 60 năm cầm quyền

15/05/2018 - 14:44

Phe đối lập của Malaysia và nhà cải cách 92 tuổi Mahathir Mohamad đã chiến thắng trong cuộc bầu cử Hạ viện Malaysia (ngày 9-5), đưa đảng cầm quyền Mặt trận Quốc gia của ông Najib Razak 'rời khỏi vũ đài chính trị' sau 60 năm lãnh đạo đất nước.

Mahathir Mohamad, trong suốt 22 năm làm Thủ tướng Malaysia trước đây, là người lãnh đạo công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước này.

Cũng như nhiều nhà lãnh đạo châu Á khác (như cố Thủ tướng Lý Quang Diệu của Singapore), ông Mahathir từng bị xem là nhà “độc tài” khi áp dụng các biện pháp mạnh đối với những người không đồng ý kiến với mình và hạn chế báo chí phê bình. Tuy vậy, trong khi tranh cử lần này, ông đã cam kết nếu chiến thắng, ông sẽ cho xem xét lại Luật Chống tin giả - một công cụ của cựu Thủ tướng Najib hạn chế báo chí phê phán.

Mahathir Mohamad là nhà lãnh đạo tạo nên vinh danh cho đảng cầm quyền Mặt trận Quốc gia, nhưng ông đã từ bỏ đảng này vào năm 2015 sau khi có cáo buộc Thủ tướng Najib tham nhũng 700 triệu USD công quỹ. “Sai lầm lớn nhất của tôi là đã tiến cử Najib”, Mahathir Mohamad từng nói với báo chí.

Vào năm 2016, Mahathir đã dẫn đầu các cuộc biểu tình chống tham nhũng. Ông lớn tiếng cảnh báo chính tham nhũng sẽ hủy hoại vinh danh của đảng cầm quyền, cho dù đảng này đã đi cùng nhân dân đến 60 năm.

Thật ra, phía sau chiến thắng của Mahathir còn có một nhân vật khác, trẻ hơn, một người đang bị cầm tù, Anwar Ibrahim.

Anwar dự kiến sẽ được trả tự do sớm khi mà Mahathir vì tuổi cao sẽ theo nguyên tắc “cái gì của Cesar trả lại cho Cesar”. Anwar năm nay đã gần 70, có thể là người xứng đáng.

Mối quan hệ thầy-trò giữa Mahathir và Anwar có một lịch sử phức tạp. Anwar từng là Phó Thủ tướng của Mahathir trong những năm 1990 trước khi phản đối các chính sách tài chính của Mahathir trong khủng hoảng 1997-1998. Mahathir cũng từng bỏ tù Anwar tới 6 năm.

Nhưng, sở dĩ bây giờ, Anwar chứ không phải người khác, có thể thay thế Mahathir không phải vì ông trẻ hơn, cũng không phải vì ông giỏi hùng biện trước đám đông, mà vì ông là con người được biết đến như “dám đấu tranh cho dân chủ” và nhất là “chống tham nhũng” hay là chết. Ông bị nhiều người cầm quyền buộc cho những tội “không đâu” như đồng tính…, và từng có lúc truyền thông thế giới gọi hình ảnh Anwar tơi tả trong tù là tượng trưng cho “cái chết của nền dân chủ”.

Bất luận bao nhiêu phân tích về tính chất kỹ thuật chiến thắng của Mahathir, nguyên nhân chính khiến cho một đảng cầm quyền hùng mạnh 60 năm bị hủy hoại, chính là tham nhũng - một sự tham nhũng không bị trừng trị. Cái vế sau “không bị trừng trị” mới là “giọt nước tràn ly” khiến phần đông cử tri Malaysia hành động vì họ đã không còn hy vọng.

Nhiều người cho rằng vì sự đóng góp của Mahathir suốt 22 năm làm Thủ tướng để hiện đại hóa đất nước Malaysia là quá lớn. Đó là nguyên nhân khiến nhân dân cho ông “cơ hội thứ hai” đầy vinh quang. Điều này là có thật nhưng không phải là nguyên nhân sâu xa.

“Tham nhũng, tham nhũng, mới là nguyên nhân khiến đảng cầm quyền của Najib phải ra đi”, K.T. Lim, 52 tuổi, một doanh nhân ở Kuluar Lumpur nói với ký giả Simon Roughneen.

“Vinh danh và quyền lực,” luôn song hành với “lừa dối và tham nhũng”, như nhà văn Graham Greene, tác giả cuốn tiểu thuyết kinh điển “Quyền lực và vinh danh” (The power and the glory, xuất bản năm 1940) đã cảnh báo ngay từ những năm 1940 của thế kỷ trước.

Cảnh báo của Graham Greene có nhiều chỉ dấu đã là hiện thực. Hãy xem, chỉ trong một năm trở lại đây ngay tại châu Á, ở Hàn Quốc có 2 tổng thống dính vào tham nhũng, một người đang ngồi tù, một người vừa bị bắt. Còn tại đất nước đông dân nhất thế giới là Trung Quốc thì con số quan chức dính vào tham nhũng cũng rất nhiều…

Najib và đảng của ông sẽ không chỉ phải đối diện với kỷ cương và lương tâm mà họ phải trả lời trước công lý và luật pháp. Họ còn phải đối mặt với lịch sử Maylaysia.

Theo những thông tin mới nhất, ông Najib bị cấm ra nước ngoài và nhà ông đã bị khám xét. Cáo buộc trên 3 tỷ USD tham nhũng với Najib chắc không phải là “thuyết âm mưu” của quyền lực.

Những người ủng hộ đảng Mặt trận Quốc gia 60 năm qua đã ràn rụa nước mắt. Họ khóc vì tình yêu dành cho đảng. Còn đa số nhân dân Malaysia trong ngày 9-5-2018 đã quyết liệt nói “Không” với tham nhũng. Bởi nhân dân không bao giờ “chịu chết” cho tham nhũng cả.

Bài học về tham nhũng đối với một đảng cầm quyền quá lâu sẽ không bao giờ cũ!

Theo Chính Phủ