Thăm Sơn Tô tự

11/10/2019 - 07:39

 - Nằm nép mình trên vách núi Cô Tô, Sơn Tô tự (xã Núi Tô, Tri Tôn) có lịch sử hình thành hàng trăm năm. Trải qua mưa nắng thời gian, ngôi cổ tự này vẫn tồn tại đến ngày nay như một chứng tích cho quá trình con người đến định cư ở ngọn núi cao thứ 2 của dãy Thất Sơn này.

Hồ Soài So ngày nắng đẹp cứ như chiếc gương soi bóng núi Cô Tô hùng vĩ. Phía sau hồ là ngã ba đường, một dẫn lên đỉnh núi, một đưa du khách đến với Sơn Tô tự. Vì đã có lần nghe người dân truyền miệng rằng, Sơn Tô tự có lịch sử hình thành lâu đời và ẩn chứa những câu chuyện huyền thoại linh thiêng nên chúng tôi quyết lòng đến thăm một chuyến.

Đường dẫn đến Sơn Tô tự đã được bê-tông hóa và ngay lúc trời khô ráo nên khá dễ đi. Con đường chạy ngoằn ngoèo giữa những hàng cây cao vút tỏa bóng mát mang đến cảm giác dễ chịu cho những ai vừa nếm trải cái nắng trưa Bảy Núi. Mất độ mười phút chạy xe, chúng tôi đã đến Sơn Tô tự. Ngôi chùa nằm dựa lưng vào vách núi, trải qua mưa nắng thời gian nên đã nhuốm chút rêu phong. Dù nằm ở vị trí không quá cao nhưng Sơn Tô tự vẫn có thể tránh được sự ồn ào của cuộc sống và khá thích hợp với những ai muốn lánh bụi trần.

Chùa Sơn Tô nằm dựa lưng vào núi Cô Tô

 

Với người dân địa phương, Sơn Tô tự mang trong mình huyền thoại liên quan đến bà Năm Đặng, người phụ nữ có công dựng chùa từ những ngày đầu. Bà Sáu Do (người cao niên ở địa phương) thật tình: “Bà Năm Đặng dựng nên chùa này từ hồi nào tôi không biết, nhưng người ta truyền miệng rằng, trong lúc dọn cỏ dựng chùa, bà Năm Đặng gặp đôi trứng rắn rất lớn, sau đó bà lót ổ cho chúng và không động đến nữa. Không lâu sau, chúng nở thành cặp rắn hổ mây sinh sống xung quanh khu vực chùa nhưng không làm hại bà và người dân. Huyền thoại thứ 2 là có một “ông” cọp đến rước bà Năm Đặng để đỡ đẻ cho cọp cái, sau đó lại đưa bà về chùa như cũ. Tôi chỉ nghe kể vậy, chứ đã 70 tuổi và sống ở đây rất nhiều năm vẫn chưa nghe ai nói là gặp cặp rắn hổ mây hay gặp ông cọp nào cả!”.

Để làm rõ những huyền thoại do bà Sáu Do kể, tôi đến gặp đại đức Thích Thiện Thông, trụ trì chùa Sơn Tô. Với tính cách cởi mở, đại đức Thích Thiện Thông cho biết: “Đó chỉ là những huyền thoại truyền miệng trong dân gian, chứ nhà chùa không khẳng định đó là sự thật. Bản thân tôi về chùa trụ trì gần 5 năm, sớm hôm chăm sóc ngôi cổ tự này cũng chưa thấy điều gì lạ. Nếu nói điều đặc biệt thì ngôi chùa này vốn đã hình thành vào năm 1887 và người khai sơn dựng là bà Năm Đặng với tên gọi đầy đủ là Trần Thị Thạnh. Hiện nay, có một số công trình điện thờ, miếu mạo xung quanh chùa là do người khác dựng nên và không thuộc về Sơn Tô tự”.

Theo đại đức Thích Thiện Thông, bà Năm Đặng vốn là con của một ông hương cả ở vùng Sa Đéc xưa. Năm 17 tuổi, bà phát tâm tu hành và xin gia đình cho đến núi Cô Tô (Phụng Hoàng Sơn) để tìm nơi tu tập. Với quyết tâm của mình, bà Năm Đặng đã thuyết phục được gia đình. Sau khi lập chùa tu hành, bà Năm Đặng còn hốt thuốc trị bệnh cho người dân địa phương. Đây cũng là cớ để bà che mắt kẻ thù tiếp nhận lương thực, thực phẩm của người dân gửi nuôi cán bộ cách mạng đóng trên núi Cô Tô trong những năm tháng chiến tranh cho đến khi mất vào năm 1960.

Một góc chùa Sơn Tô

 

“Do chùa nằm ngay vùng đánh phá ác liệt của kẻ thù nên đã nhiều lần sụp đổ vì bom đạn. Đến năm 1986, người dân địa phương quyên góp tiền dựng lại ngôi chùa trên nền cổ tự năm xưa như để tưởng nhớ người có công với vùng đất này. Năm 2003, chùa Sơn Tô được công nhận là cơ sở thờ tự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tiếp tục sứ mệnh mang tư tưởng nhà Phật cảm hóa con người. Do lần trùng tu cuối cùng cách đây đã gần 35 năm nên ngôi chùa có nhiều hạng mục xuống cấp theo thời gian và tôi đang có tâm nguyện trùng tu, tôn tạo ngôi cổ tự này trong thời gian tới” - đại đức Thích Thiện Thông chia sẻ.

Nhìn ngôi chùa lặng lẽ nằm dựa vào vách núi thấm đậm vẻ u tịch trong ánh nắng chiều, tôi cứ băn khoăn suy nghĩ về giá trị văn hóa - lịch sử của một công trình. Năm tháng đi qua, chùa Sơn Tô vẫn còn tồn tại trên nền cũ như chứng nhân cho những biến thiên của một góc núi Cô Tô. Mong muốn được trùng tu, tôn tạo Sơn Tô tự của đại đức Thích Thiện Thông cũng là điều hợp lý, vì điều đó góp phần vào việc phát triển hoạt động du lịch tâm linh tại địa phương, khi Khu du lịch hồ Soài So - Suối Vàng tiếp tục được đầu tư, phát triển trong tương lai.

THANH TIẾN