Thanh niên tâm huyết với làng nghề truyền thống

09/01/2018 - 08:00

 - Sinh ra và lớn lên ở làng nghề truyền thống bó chổi bông sậy Phú Bình (Phú Tân), thanh niên Nguyễn Ngọc Nhân quyết định gắn bó và nuôi ý tưởng quảng bá sản phẩm của quê hương. Không dừng lại ở việc phát triển kinh tế gia đình, Nhân còn chia sẻ kinh nghiệm, dạy nghề cho người dân ở xã cũng như những địa phương lân cận.

Làng nghề bó chổi bông sậy Phú Bình được công nhận làng nghề tiểu thủ công nghiệp năm 2006. Gia đình có truyền thống làm chổi bông sậy lâu năm, đây là lợi thế mà anh Nhân tận dụng để phát triển và mở rộng quy mô sản xuất cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm. “sau khi hoàn thành nghĩa vụ sự, tôi quyết định gắn bó với công việc bó chổi bông sậy của gia đình. với vốn ban đầu khoảng 50 triệu đồng, tôi đã mở rộng nhà kho, mua thêm nguyên liệu để gia tăng sản xuất” - Nhân chia sẻ. Quy mô sản xuất của cơ sở ngày càng được mở rộng, mỗi ngày cơ sở của gia đình anh Nhân cung cấp ra thị trường từ 1.000-2.000 cây chổi. “Hiện tại, cơ sở của tôi giải quyết việc làm cho 20 lao động, bên cạnh đó tôi còn đem nguyên liệu đến nhà người dân thuê gia công các công đoạn. Nhờ cơ sở có mối đặt thường xuyên nên coi như bà con có việc làm hàng ngày, thu nhập ợc cải thiện” - Nhân giãi bày.

Với vai trò là chủ nhiệm Câu lạc bộ thanh niên làng nghề giúp nhau làm kinh tế, cùng cơ sở sẵn có, anh Nhân phối hợp với Xã đoàn Phú Bình vận động người dân, nhất là những chị, em phụ nữ nhàn rỗi tại xã, các địa phương lân cận đến học nghề bó chổi, kiếm thêm thu nhập. Từ năm 2014 đến nay, đã mở 12 lớp dạy nghề bó chổi cho hơn 200 lao động, đa số là thanh niên. Sau khi hoàn thành khóa học, các học viên có thể làm việc tại cơ sở, hoặc nhận sản phẩm về làm tại nhà, với thu nhập bình quân từ 2-4 triệu đồng/tháng. Theo anh Nhân, vào mùa nước nổi, người dân địa phương đi hái bông cỏ ở những cánh đồng xa về lặt, phơi rồi chia bó để làm chổi. Ngày nay, bông sậy khan hiếm, nên chổi bông sậy làm rất ít, người dân làm chổi cỏ là chủ yếu, với nguồn nguyên liệu mua từ các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên… để có được cây chổi thành phẩm phải trải qua nhiều công đoạn, mọi người đều có thể làm, từ đó giải quyết việc làm cho khoảng 700 lao động. Ở giai đoạn bó thành phẩm, một lao động giỏi có thể bó được 150-200 cây/ngày.

Cây chổi có cán được bó từ chất liệu trúc, tre truyền thống nay đã được thay thế bằng nhựa, từ đó giúp việc sản xuất nhanh chóng và chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Ngoài thị trường trong tỉnh còn xuất sang thị trường các nước: Campuchia, Thái Lan… Sản phẩm chổi bông sậy do cơ sở của anh Nhân thực hiện được đánh giá tốt về chất lượng, giá cả nên tạo niềm tin với người sử dụng. “Để có được niềm tin của khách hàng, chất lượng sản phẩm phải tốt và giá thật cạnh tranh. Chính vì thế, khi giao hàng cho khách, tôi luôn quan tâm đánh giá về chất lượng để cải thiện làm sao có một sản phẩm tốt nhất đến tay khách hàng” - anh Nhân nhấn mạnh.

Hiện nay, không chỉ cơ sở của gia đình anh Nhân mà các cơ sở bó chổi ở làng nghề “tăng tốc” chuẩn bị nguồn hàng Tết, mỗi ngày làng nghề sản xuất 45.000-50.000 cây chổi thành phẩm.

ÁNH NGUYÊN