Tháp Mười chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

15/03/2018 - 14:15

Thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW và Chương trình hành động số 176-CTr/TU của Tỉnh ủy về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (BVMT), UBND huyện Tháp Mười đã cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết, triển khai đến tất cả các ban, ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn. Sau thời gian triển khai thực hiện, công tác quản lý tài nguyên, BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu có chuyển biến tích cực.

A A

Hoạt động thu, gom rác thải tại khu vực nội ô thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười

Các cấp ủy Đảng, UBND các xã, thị trấn, hội đoàn thể có kế hoạch cụ thể về công tác tuyên truyền về ý thức, trách nhiệm BVMT gắn với nội dung xây dựng nông thôn mới; thực hiện kiểm tra, giám sát, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia BVMT. UBND huyện chủ động tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh cá nhân, tổ chức đầu tư trên địa bàn, đồng thời khuyến khích các đơn vị áp dụng biện pháp, công nghệ giảm ô nhiễm, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, khuyến khích đầu tư đổi mới công nghệ tiên tiến, hiện đại, công nghệ thân thiện với môi trường, tái sử dụng, tái chế chất thải, tiết kiệm năng lượng.

Mỗi năm, huyện phân bổ khoảng 40 tỷ đồng (được huy động từ nhiều nguồn) để thực hiện các chương trình, dự án cải tạo, nâng cấp đê bao ngăn lũ, ngập lụt do nước biển dâng, bảo đảm chủ động tưới tiêu cho diện tích đất canh tác, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, người dân chủ động chọn lựa cây giống thích nghi với điều kiện thời tiết. Chủ động phòng, chống thiên tai vào mùa mưa bão, UBND huyện cùng các ngành, hội đoàn thể tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động chằng chống nhà ở, rong tàn mé nhánh cây xanh; đảm bảo trực tại đơn vị, kịp thời ứng phó với những tình huống khẩn cấp; đối với những khu vực thường xảy ra sạt lở, có kế hoạch ứng phó, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra.

Vấn đề sử dụng tài nguyên đất đang được huyện Tháp Mười điều chỉnh quy hoạch, mỗi năm có xây dựng kế hoạch cụ thể, tập trung vào các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phòng, chống thoái hóa đất nông nghiệp. Trước đây, do hạn chế về nguồn nước sử dụng nên một số người dân tự ý khoan giếng tìm nguồn nước sinh hoạt. Việc làm này ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm, do vậy địa phương đã có các biện pháp buộc trám, lấp, xử lý đối với các giếng khoan hư hỏng, không sử dụng được nhằm ngăn ngừa ô nhiễm các tầng nước ngầm...

Công tác kiểm tra, đánh giá những tác động môi trường được UBND huyện, các ngành liên quan thực hiện chặt chẽ; các dự án đầu tư mới đều được thẩm định, báo cáo đánh giá tác động của môi trường, kế hoạch BVMT đúng theo quy định. Các văn bản chấp nhận đăng ký thủ tục hành chính về BVMT đối với cơ sở tăng lên từng năm. Nếu như năm 2014 chỉ ban hành văn bản chấp nhận đăng ký thủ tục hành chính BVMT cho 30 cơ sở thì đến năm 2017 số văn bản chấp nhận đăng ký thủ tục hành chính BVMT là 40 cơ sở. Nội dung kiểm tra giám sát BVMT tập trung vào khu vực bệnh viện, khu nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc...

Với sự quan tâm từ các cấp ủy Đảng, UBND huyện, xã, thị trấn, 100% người dân sống tại các cụm, tuyến dân cư trên địa bàn huyện được cấp nước sạch để sử dụng, đến cuối năm 2017, toàn huyện có 96% dân cư được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh. Tạo điều kiện thực hiện công tác xã hội hóa trong thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, hiện nay tại khu vực chợ, cụm, tuyến dân cư toàn huyện đều tổ chức thu gom, vận chuyển rác thải, tỷ lệ thu gom gần 90%, vấn đề rác thải tại các khu vực dân cư cơ bản được giải quyết. Trong quá trình thực hiện, một số đơn vị trường học, cụm dân cư đã xuất hiện những mô hình điểm về BVMT mang lại hiệu quả thiết thực như “Tổ tự quản về môi trường”, “Cụm dân cư văn minh an toàn - xanh - sạch - đẹp”, “Cổng trường sạch-đẹp-an toàn”. Các hoạt động truyền thông vệ sinh môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu được triển khai tại các khóm, ấp, người dân chủ động phản ánh vấn đề ô nhiễm môi trường...

Ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, BVMT, huyện Tháp Mười tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, tăng cường quản lý nhà nước, huy động sự ủng hộ của người dân cùng chung tay thực hiện; từng bước tháo gỡ những khó khăn do thói quen, tập quán của một bộ phận dân cư, các doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư hệ thống xử lý chất thải, sử dụng hợp lý nguồn kinh phí còn hạn hẹp cho hoạt động BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo Báo Đồng Tháp