Thất vọng lớn từ hội nghị khí hậu của Liên hợp quốc

25/09/2019 - 09:02

Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc về Khí hậu ngày 23-9 tập trung vào những cam kết cụ thể nhằm giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch, tránh để Trái Đất phải chịu những hậu quả thảm khốc nhất của tình trạng ấm lên toàn cầu. Tuy nhiên, dường như các nhà lãnh đạo vẫn nói nhiều, hành động ít.

Ít kế hoạch đột phá

Chú thích ảnh

Quang cảnh hội nghị Liên hợp quốc về khí hậu. Ảnh: Hoài Thanh (P/v TTXVN tại Mỹ)

Tờ New York Times cho rằng Mỹ, nước đã rút khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, thậm chí còn không muốn phát biểu tại hội nghị dù sau đó Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Mike Pence đột ngột xuất hiện tại Đại hội đồng vào cuối buổi sáng.

Ông Michael R. Bloomberg, cựu Thị trưởng New York và hiện là đặc phái viên về khí hậu của Liên hợp quốc, đã nói trực tiếp với ông Trump: “Hy vọng cuộc thảo luận của chúng tôi ở đây sẽ hữu ích cho Ngài khi hoạch định chính sách khí hậu”.

Sự thể hiện của Mỹ ở hội nghị chống biến đổi khí hậu năm nay khác nhiều so với một số năm trước đây. Những năm đó, Mỹ đã chủ động thúc đẩy các nước khác, trong đó có Trung Quốc, hành động nghiêm túc hơn về biến đổi khí hậu. Mỹ đã thông báo ý định rút khỏi Thỏa thuận Paris ký năm 2015. Mỹ hiện cũng chưa tuân thủ đúng tiến độ để đạt được cam kết theo thỏa thuận. Chính quyền của ông Trump phớt lờ một loạt quy định về môi trường vốn được đặt ra để giảm lượng thí thải gây hiệu ứng nhà kính từ phương tiện giao thông, nhà máy nhiệt điện chạy bằng than, giếng dầu… 

Về phía Trung Quốc, nước này không có tín hiệu gì cho thấy sẵn sàng đưa ra các mục tiêu mạnh mẽ hơn để giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch như nhiều người kỳ vọng. Ông Wang Yi, đại diện đặc biệt của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đã lưu ý rằng Trung Quốc đang giữ cam kết đã đưa ra trong Thỏa thuận Paris năm 2015, trong khi một số quốc gia thì không. Trung Quốc quyết định không đưa ra tham vọng lớn hơn một phần liên quan tới tình trạng kinh tế đang giảm tốc hiện nay do vướng vào chiến tranh thương mại với Mỹ. 

Điều đó cũng cho thấy Trung Quốc chưa muốn hành động mạnh hơn trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu khi các nước giàu hơn không chịu hành động tương xứng. Liên minh châu Âu không có ý định giảm khí thải nhanh hơn. Mỹ không đạt cam kết ban đầu về chống biến đổi khí hậu. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng chỉ cho biết nước này sẽ tăng sử dụng năng lượng tái tạo tới năm 2022 nhưng không có cam kết nào về giảm phụ thuộc vào than đá. 

Đó là ba nước thải CO2 nhiều nhất thế giới. Còn các lãnh đạo nước khác cũng chỉ đưa ra những cam kết không đáng kể. Nga cho biết đã thông qua Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu, song không cam kết gì hơn về biện pháp cắt giảm khí thải trong ngành xăng dầu nhà nước quản lý.

Trong bài phát biểu mở đầu hội nghị, nhà hoạt động chống biến đổi khí hậu 16 tuổi người Thụy Điển Greta Thunberg đã chỉ trích mạnh mẽ các lãnh đạo thế giới hành động lề mề, trong khi vấn đề biến đổi khi hậu đang trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Cô nói: “Con mắt của mọi thế hệ tương lai đang nhìn các ngài. Nếu các ngài không đáp ứng kỳ vọng của chúng tôi, tôi nói rằng chúng tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho các ngài”. 

Đòi hỏi cấp bách

Chú thích ảnh

Người dân tham gia tuần hành chống biến đổi khí hậu tại Los Angeles, California, Mỹ, ngày 20-9. Ảnh: AFP/ TTXVN

Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc về Hành động Khí hậu năm nay diễn ra trong bối cảnh số liệu khoa học mới cho thấy thế giới đang nóng lên nhanh hơn và mối nguy hiểm của tình trạng ấm lên toàn cầu đang ngày càng rõ ràng. Bão lũ ngày càng nguy hiểm hơn, hạn hán kéo dài, nhiệt độ tăng cao kỷ lục. 

Đây là thời điểm mà những nước sả thải khí CO2 nhiều nhất thế giới có thể tăng cường hành động. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao và nhà hoạt động đã theo dõi sát sao các hội nghị về biến đổi khí hậu nhiều năm qua cho biết họ rất thất vọng. Ông Andrew Steer, Giám đốc Viện Nguồn lực thế giới và là cựu quan chức Ngân hàng Thế giới cho biết đa số các nền kinh tế lớn đều không đáp ứng kỳ vọng. Ông nói: “Sự thiếu tham vọng của họ đối lập mạnh mẽ với đòi hỏi hành động ngày một tăng trên khắp thế giới”.

Trong bài phát biểu tại hội nghị, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres nói: “Tôi sẽ không còn ở đây nhưng cháu gái tôi và cháu chắt các ngài sẽ ở đây. Tôi không chấp nhận đồng lõa để hủy hoại ngôi nhà duy nhất của chúng”. Ông Guterres đã gửi lời kêu gọi trực tiếp những quốc gia đang dùng tiền thuế để trợ cấp các dự án nhiên liệu hóa thạch mà theo ông đã làm bão lũ mạnh hơn, dịch bệnh nhiệt đới tràn lan hơn và gia tăng xung đột. Ông nói: “Chúng ta đang ở trong cái hố sâu khí hậu. Để thoát ra, chúng ta trước tiên phải chấm dứt đào cho nó sâu thêm”. 

Các nhà hoạt động dường như đã mất kiên nhẫn với tốc độ hành động chậm chạp của lãnh đạo thế giới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Tổ chức Khí tượng Thế giới cho biết trong báo cáo mới nhất ngày 22/9 rằng giai đoạn 5 năm từ 2014-2019 là giai đoạn nóng kỷ lục. Khí CO2, tác nhân chính khiến Trái Đất ấm lên, đang được thải vào bầu khí quyển với mức cao kỷ lục. Băng tan và nước biển dâng lên nhanh chóng. Nhiệt độ toàn cầu trung bình cao hơn 1,1 độ C so với thời kỳ giữa thế kỷ 19. Với tốc độ ấy, nhiệt độ toàn cầu trung bình sẽ cao hơn 3 độ C vào cuối thế kỷ này.

Nghiên cứu cho thấy nếu khí thải tiếp tục tăng như hiện nay thì số người cần viện trợ nhân đạo do thiên tai có thể tăng gấp đôi vào năm 2050. Báo cáo của 13 cơ quan liên bang Mỹ năm 2018 cho thấy nếu không thể kiềm chế Trái Đất ấm lên, kinh tế Mỹ sẽ giảm 10% cuối thế kỷ này.

Dù những nước như Mỹ và Trung Quốc không hành động gì đáng kể nhưng hội nghị cũng đạt được một số biện pháp cụ thể. Trong bài phát biểu bế mạc hội nghị, Tổng thư ký LHQ Guterres đã thông báo một số nỗ lực nhằm không phát thải khí độc vào không khí tới năm 2050. Một số lãnh đạo quỹ tài sản cho biết họ sẽ hướng tới các khoản đầu tư không phát thải khí độc cũng vào năm 2050. Hàng chục doanh nghiệp cam kết tuân thủ mục tiêu đề ra trong Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu. 

Hội nghị đã thu hút được nhiều tiền hơn để giúp các nước đang phát triển trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu thông qua Quỹ Khí hậu Xanh. Thụy Điển, Đan Mạch, Thụy Sĩ và Na Uy đã tăng gấp đôi số tiền cam kết đóng góp cho quỹ. Thủ tướng Đức Angela Merkel đưa ra kế hoạch trị giá 60 tỷ USD trong 10 năm để đẩy nhanh quá trình chuyển sang dùng năng lượng sạch. Bang New Jersey và vùng lãnh thổ Puerto Rico đã cam kết ngừng mở nhà máy than mới sau năm 2020. Tổng cộng có 32 quốc gia, 25 chính quyền dưới cấp quốc gia và 34 doanh nghiệp cam kết không mở thêm nhà máy than.

Khi mà tình trạng biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ gây ra những hậu quả thảm khốc cho thiên nhiên và con người, những gì mà Hội nghị Thượng đỉnh của LHQ về chống biến đổi khí hậu đạt được chỉ khiến người ta thêm lo ngại.

Theo THÙY DƯƠNG (Báo Tin Tức)