Thay đổi tập quán canh tác, ngành lúa gạo khởi sắc

14/06/2018 - 06:53

 - “Trước đây, người nông dân thường sạ dày, bón thừa phân, xịt nhiều thuốc, bơm nhiều nước, sử dụng lúa thịt là lúa giống… nên gạo khó có phẩm cấp tốt. Nay tư duy và tập quán canh tác đã được thay đổi, bà con chọn những giống lúa phù hợp với thị trường, ứng dụng khoa học - kỹ thuật (KHKT) vào đồng ruộng nên năng suất, chất lượng được nâng lên” - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sỹ Lâm chia sẻ.

Ứng dụng khoa học - kỹ thuật

Tập quán canh tác cũ, lạc hậu đã làm chất lượng gạo không đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu (XK). Nhận thức được vấn đề này, những năm gần đây cùng với việc tuyên truyền, vận động nông dân (ND) áp dụng KHKT vào sản xuất (SX), ngành nông nghiệp đẩy mạnh công tác khuyến nông, đưa nhiều bộ giống mới, biện pháp canh tác mới để ND chuyển đổi tập quán SX. Từ những giống lúa có phẩm cấp gạo thấp được chuyển sang những giống có chất lượng cao, phù hợp với thị trường XK như: giống OM 5451, OM 6976, OM 4218, OM 4900… “Đặc tính gạo các giống này là xốp nở, mềm cơm, rất dễ nấu. Giống lúa OM 4900, khi cơm chín có mùi hương nhẹ, vì vậy khách hàng các nước rất ưa chuộng. Chuyển đổi tập quán canh tác giúp chất lượng gạo được nâng lên, XK tốt hơn, đời sống ND được nâng lên. Năm 2017, 2018, ngành XK gạo cả nước khởi sắc, khách hàng các nước nhập khẩu trở lại gạo của Việt Nam bởi chất lượng gạo đã được nâng lên. Biện pháp canh tác tổng hợp “1 phải, 5 giảm” đã thực sự mang lại hiệu quả từ ND đến doanh nghiệp…” - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tân Phú A1 (xã Tân Thạnh, TX. Tân Châu) Trịnh Văn Dứt chia sẻ.

Ông Trần Văn Dễ (thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Tân Phú A1) canh tác 3ha lúa chất lượng cao. 2 năm vừa qua, nhờ áp dụng KHKT vào SX, mạnh dạn chọn bộ giống mới, phù hợp với thị trường XK nên cuộc sống gia đình khấm khá hơn, trang trải cuộc sống và cho con cái ăn học. “Vùng đất này rất phù hợp với giống lúa OM 6976, vì vậy khi thay đổi từ giống IR 50404 sang trồng giống OM 6976 ND chẳng những được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, mà thu nhập qua mỗi mùa vụ cũng tăng lên, nhờ áp dụng biện pháp kỹ thuật tổng hợp “1 phải, 5 giảm”. Biện pháp này giúp cho ND tiết kiệm được tiền từ đó mà lợi nhuận cao hơn” - ông Dễ chia sẻ.

Thay đổi tập quán canh tác, ngành lúa gạo khởi sắc

Đưa khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng thông qua mạng lưới kỹ thuật viên

Ngành gạo khởi sắc

Tình hình XK gạo trong 2 năm gần đây đã khởi sắc. Nhiều quốc gia trên thế giới đã quay trở lại nhập khẩu gạo Việt Nam. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, khối lượng gạo XK trong 5 tháng đầu năm 2018 ước đạt 2,66 triệu tấn, giá trị đạt 1,45 tỷ USD, tăng 13,9% về khối lượng và tăng 40% về giá trị (so với cùng kỳ năm 2017). Gạo Việt Nam được nhiều quốc gia trên thế giới chọn mua, từ đó mặt bằng giá được nâng lên từ mức 460 USD/tấn lên 503 USD/tấn (loại 5% tấm). “Giá trị XK gạo của Việt Nam sang Indonesia 4 tháng tăng vọt, gấp 333 lần so với cùng kỳ (từ 0,5 triệu USD lên 180 triệu USD). Một số thị trường khác có mức tăng cao là Iraq tăng 16 lần, Malaysia 3 lần, Gana tăng 42%. Việt Nam tiếp tục trúng thầu 300 nghìn tấn gạo cho Indonesia, 130 nghìn tấn gạo cho Philippines và 50 nghìn tấn gạo chất lượng cao cho Hàn Quốc, điều này hứa hẹn kết quả khả quan của SX lúa, gạo trong cả quý II và những tháng tiếp theo năm 2018” - Giám đốc Công ty TNHH Gạo Đồng Bằng Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ.

Thay đổi tập quán canh tác, ngành lúa gạo khởi sắc

Mật độ sạ vừa phải giúp lúa cho năng suất cao, chi phí đầu tư thấp

XK gạo khởi sắc đã giúp cho giá lúa ở thị trường nội địa tăng lên, đời sống ND được ổn định. Cụ thể, tính chung 5 tháng đầu năm 2018, giá lúa trong tỉnh đã tăng, lúa thường tăng 100-200 đồng/kg; lúa chất lượng cao tăng 400-500 đồng/kg. Nguyên nhân lúa tăng giá, do nhu cầu tiêu thụ tăng, diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả đã được ND chuyển sang trồng cây trái cây, từ đó sản lượng lúa giảm, cung cầu đã cân đối, từ đó lúa và trái cây đều có giá. Với đà tăng trưởng này, nhiều doanh nghiệp XK gạo nhận định, giá lúa, gạo trong nước đến hết tháng 6-2018 tiếp tục có những diễn biến tích cực do triển vọng XK gạo sang Philippines.

“Thay đổi tập quán canh tác đã giúp chuẩn hóa được quy trình SX, chất lượng hạt gạo được nâng lên, từ đó tạo được lòng tin cho khách hàng trong nước và nước ngoài. Đây là tiền đề quan trọng để thị phần gạo XK của các doanh nghiệp được mở rộng. Thay đổi tập quán canh tác giúp cho hiệu quả SX của người ND được nâng lên, thay vì chạy theo sản lượng, ND đã biết tập trung cho chất lượng, từ đó gạo Việt Nam đã được nhiều quốc gia trên thế giới chọn mua” - ông Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ.

Thay đổi tập quán canh tác, ngành lúa gạo khởi sắc

Khách hàng các nước đến nhà máy tìm nguồn gạo

MINH HIỂN