Thêm điểm kết nối cung - cầu nông sản an toàn

10/07/2019 - 07:34

 - Cửa hàng nông sản an toàn là mô hình mới được Hội Nông dân tỉnh thực hiện, nhằm tham gia giải quyết áp lực về đầu ra cho sản phẩm nông sản an toàn, đồng thời giúp người tiêu dùng nhận biết và yên tâm sử dụng. Chính thức hoạt động gần 2 tuần qua, cửa hàng nông sản an toàn đầu tiên ở huyện Phú Tân đang đón nhận những tín hiệu tích cực.

Anh Bùi Văn Cảnh (người đứng ra đăng ký mở cửa hàng) cho biết, cửa hàng có hơn 50 sản phẩm gồm: trái cây của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cùng những sản phẩm đặc sản chế biến dạng khô và đóng gói. Những ngày qua, quan sát khách hàng mua nhiều nhất là các sản phẩm như: khô, thức ăn nhanh, đặc biệt là gạo sạch (của Hợp tác xã nông nghiệp Phú Thạnh). Cửa hàng nông sản an toàn bày bán khoảng 70% sản phẩm của chính những người nông dân trong huyện. Dựa theo sức mua của khách hàng, anh Cảnh sẽ tiếp tục điều chỉnh trong quá trình kinh doanh nhằm phục vụ khách hàng tốt hơn.

Thêm điểm kết nối cung - cầu nông sản an toàn

Cửa hàng nông sản an toàn tại xã Tân Hòa (Phú Tân)

Là huyện cù lao nằm tách biệt với các địa bàn khác, điều kiện thu hút đầu tư phát triển ở Phú Tân nói chung và việc tiêu thụ nông sản nói riêng thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, cửa hàng ra đời là niềm phấn khởi chung của nông dân nơi đây, khi có thêm điểm phân phối sản phẩm cung cấp đến người tiêu dùng. Chẳng hạn rau an toàn, huyện đang phát triển khá nhiều nhà lưới trồng theo hướng hữu cơ do nhà nước hỗ trợ hoặc nông dân tự đầu tư. Trước đây, mang tiếng sản xuất rau an toàn nhưng nông dân chủ yếu bán vào chợ, qua các đầu mối quen biết, giữa người bán và người mua gắn kết với nhau bằng chữ “tín”. Ngoài điểm bán được nhận diện thương mại tại Trung tâm thị trấn Phú Mỹ, cửa hàng của anh Cảnh là điểm thuận lợi cho người dân có thể đến mua.

Theo anh Cảnh, tuy giai đoạn đầu còn gặp những khó khăn nhất định, nhưng đây là cách làm ăn lâu dài cần được duy trì và mở rộng để bà con nông dân yên tâm sản xuất, vì đã có điểm “gửi” sản phẩm, còn người tiêu dùng được an tâm vì biết rõ nguồn gốc. Mặt khác, trong rất nhiều sự lựa chọn để tiêu thụ sản phẩm hiện nay, với sự hỗ trợ của nhà nước về thủ tục, tuyên truyền, nông dân phải tự đứng ra để tạo kênh phân phối, giúp nhau tiêu thụ sản phẩm là giải pháp được nhiều người đồng tình. Chị Lê Thị Thảo (chủ vườn dâu tằm Ngọc Thái) chia sẻ, nhờ học hỏi từ sách báo, phương tiện truyền thông đến thực tế bên ngoài, nông dân ngày nay mở mang kiến thức sản xuất - kinh doanh, mạnh dạn chuyển dịch giống vật nuôi, cây trồng phù hợp và mang lại giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, bên cạnh nỗi lo về vốn, vấn đề đầu ra cho hàng nông sản thật sự là nỗi trăn trở lớn. Trước mắt, một số hộ đã có “đầu ra”, thị trường tiêu thụ khá ổn định nhờ sản phẩm ít bị “đụng hàng”, nhưng về lâu dài thì chưa ai dám khẳng định sự chắc chắn. Hơn nữa, sản phẩm ngày nay cạnh tranh không chỉ ở chất lượng, mà còn tính đến thương hiệu, mức độ “tiếng tăm” đối với người tiêu dùng nên rất cần khâu quảng bá, kết nối. Đơn cử như hộ của chị, qua 2 lần đưa sản phẩm tham gia hội chợ tại TP. Long Xuyên mới thấy, nhờ kênh trung gian này mà các sản phẩm nông sản bán ra mạnh, có cơ hội gặp thêm nhiều khách hàng mới lẫn đối tác trong kinh doanh.

Với biển hiệu “Cửa hàng nông sản an toàn”, nên sản phẩm tham gia trưng bày và kinh doanh tại đây phải là sản phẩm an toàn và một số đã có nhãn hiệu, chất lượng đăng ký theo quy định. So với chợ truyền thống, cửa hàng sẽ hạn chế về sự đa dạng, phong phú mặt hàng nhưng được “điểm cộng” về sự an toàn, giúp người tiêu dùng yên tâm. Bà Nguyễn Thị Hiền (khách hàng mua sắm tại cửa hàng) cho biết, trước nỗi lo về vấn đề an toàn thực phẩm, nhu cầu của người dân sử dụng sản phẩm an toàn nói chung, nông sản nói riêng đang rất bức thiết. Một số mặt hàng như: rau, củ, trái cây đắt hơn vài ngàn đồng nhưng đảm bảo chất lượng thì mọi người vẫn sẵn lòng.

Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lê Hùng Cường, việc tiêu thụ nông sản trong tỉnh hiện nay còn yếu do thiếu các điều kiện để quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng. Sản phẩm chưa đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, chưa có nhãn hiệu hàng hóa, truy xuất nguồn gốc nên người tiêu dùng chưa yên tâm khi sử dụng. Các cửa hàng nông sản an toàn ra đời là một trong những giải pháp kết nối cung - cầu giữa người mua và người bán. Đặc biệt, nông dân và các địa phương sẽ có điều kiện tốt hơn giới thiệu rộng rãi sản phẩm của mình.

Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh phấn đấu hình thành thêm 3-5 cửa hàng nông sản an toàn ở các địa phương trong tỉnh. Mong muốn lớn hơn của Hội Nông dân tỉnh là sau các cửa hàng nông sản an toàn cùng với phiên chợ nông sản an toàn, sẽ chọn được các sản phẩm tiêu biểu để giới thiệu, xây dựng các điểm kết nối ngoài tỉnh giúp sản phẩm An Giang vươn xa hơn.

MỸ HẠNH