Thêm hướng mới phát triển rau an toàn ở Phú Tân

28/12/2018 - 08:03

 - Mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đến nay, nông nghiệp của huyện Phú Tân đã có những điểm nhấn rõ nét. Một trong số đó là phát triển rau an toàn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng lớn của người dân trong và ngoài huyện.

Để nhân rộng mô hình nhà lưới giá rẻ trồng rau theo hướng an toàn, UBND huyện Phú Tân đã hỗ trợ 1 lần 30 triệu đồng/1.000m2 cho nông dân tự nguyện đăng ký xây dựng nhà lưới và cam kết duy trì sản xuất tối thiểu 3 năm. Từ 3 nhà lưới, với tổng diện tích 1.600m2, đến nay địa bàn huyện đã nâng lên 13 nhà lưới có đầu ra thuận lợi, tập trung tại thị trấn Phú Mỹ, xã Tân Hòa, Bình Thạnh Đông, Phú Bình, Hiệp Xương… Tại trung tâm thị trấn Phú Mỹ, rau an toàn của nhà nông được ưu tiên bán tại sạp riêng, có bảng giới thiệu, sản phẩm rau ghi rõ ngày thu hoạch, hầu như không đủ bán. Sau thành công của những nông dân khởi đầu với mô hình trồng rau trong nhà lưới, ông Nguyễn Hùng Dũng (xã Phú Bình) học theo, chuyển vườn rau của gia đình vào nhà lưới, tuân thủ những kỹ thuật do cán bộ hướng dẫn. Mỗi ngày, ông Dũng thu hoạch 30kg, bán cho người dân địa phương và cung ứng cho chợ Châu Phú. Ông Dũng cho biết, trước đây thấy nhiều người thành công nên ham lắm, tự mày mò dựng nhà lưới học theo. Sau khi có hiệu quả, được huyện hỗ trợ vốn, ông mạnh dạn đầu tư 2 nhà lưới với tổng diện tích 2.000m2.

Vườn rau thủy canh của 2 bạn trẻ Minh và Trung

Trước nhu cầu tiêu thụ rau sạch ngày càng cao, hai bạn trẻ Nguyễn Lê Minh và Nguyễn Duy Trung (cùng ngụ ấp Hòa Phú, xã Phú Lâm) đã thực hiện ý tưởng trồng rau thủy canh. Mạnh dạn đầu tư nhà màng quy mô trị giá 190 triệu đồng, đôi bạn mong muốn sản phẩm rau sạch sản xuất không chỉ mang lại giá trị kinh tế, mà trên hết là phải an toàn, bắt nhịp phương pháp trồng rau mới nhất hiện nay. Tốt nghiệp Trường Đại học Nông lâm (TP. Hồ Chí Minh) chưa đầy 1 năm, với kiến thức còn “nóng hổi” và muốn thử sức ở quê nhà, Minh và Trung đã ứng dụng ngay vào mô hình. Khởi đầu, hai bạn thử nghiệm trồng 20m2 rau thủy canh để gia đình sử dụng ăn. Một số người dân thấy vậy rất thích thú, đến hỏi thăm và đặt mua. Bắt được tín hiệu khả quan, họ liền mở rộng diện tích trồng lên 200m2, các loại rau chủ yếu là cải xanh, cải thìa, xà lách giống nhập từ nước ngoài.

Bạn Nguyễn Duy Trung cho biết, rau sinh trưởng từ 30-45 ngày là có thể thu hoạch, hoàn toàn không sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật. Phương pháp mà Trung và Minh đang thực hiện là cho cây hấp thụ dung dịch pha chế từ 2 dưỡng chất đa lượng và vi lượng qua hệ thống thủy canh. Hàng ngày theo dõi lượng PH trong nước, điều chỉnh hệ thống phun sương, mái che cắt nắng, tất cả được quản lý chặt chẽ bằng hệ thống định giờ. Nhà lưới được thiết kế với 6 giàn trồng, mỗi giàn trồng gồm 430 lỗ, theo hình thức xen canh liên tục, cứ 5 ngày sẽ cho thu hoạch 1 giàn với năng suất trung bình từ 10-15kg/đợt. “Rau sinh trưởng tốt và có hương vị đậm đà. Do đây là sản phẩm rau an toàn nên có giá tương đối cao so các loại rau trồng thông thường. Ban đầu, nhiều người còn e dè giá cả, mỗi ngày bán được 2-3kg. Hiện nay, biết rõ lợi ích của rau, khách hàng ủng hộ ngày càng nhiều giúp sản lượng tăng đáng kể” - Trung chia sẻ.

Ưu điểm rõ nét nhất của phương pháp trồng thủy canh là cung cấp cho các loại rau trồng đầy đủ khoáng chất cần thiết, dinh dưỡng, bảo đảm đủ ánh sáng, lượng khí CO2 cho quá trình quang hợp và ô-xy cho quá trình hô hấp, nhằm mục đích để rau có thể phát triển khỏe mạnh theo ý muốn của người trồng. Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Lâm Trần Bảo Vàng cho biết, trồng rau thủy canh là mô hình sản xuất rau sạch mới nhất hiện nay, về cơ bản giúp đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, nhờ tuân thủ các quy định từ chăm sóc đến thu hoạch. Tuy mới thực hiện, nhưng sản phẩm rau sạch từ 2 thanh niên trẻ đã được người tiêu dùng biết đến khá nhiều, chấp nhận giá cả hợp lý. Đầu ra khá thuận lợi, tạo kỳ vọng cho nông dân tiếp tục sản xuất và mong muốn sẽ phát triển cả quy mô lẫn thị trường tiêu thụ.

MỸ HẠNH