Thêm lựa chọn mới cho vùng đất phèn

22/02/2018 - 14:02

Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ Hậu Giang (trung tâm) đã đưa mô hình trồng thử nghiệm mãng cầu xiêm Thái lưỡng tính về huyện Phụng Hiệp và Long Mỹ. Mô hình này hứa hẹn đem đến cho nông dân thêm lựa chọn mới để cải tạo và canh tác tốt trên đất phèn.

A A

Ông Võ Văn Sáu vui mừng vì đất phèn của gia đình đã trồng được mãng cầu xiêm Thái tươi tốt.

Bà Nguyễn Thị Kiều cho biết: Mãng cầu xiêm Thái lưỡng tính là giống cây có nguồn gốc từ Thái Lan. Cây có đặc tính vượt trội là cho năng suất cao, chất lượng trái ngon lại không mất công thụ phấn nhân tạo như mãng cầu xiêm đơn tính. Nếu nông dân trồng mãng cầu đơn tính thì phải thực hiện nhiều công đoạn để giúp cây thụ phấn. Đó là công đoạn phải hái hoa mãng cầu và phơi trong 8 giờ cho hoa bung nhụy, sau đó trút nhụy vào lấy phấn, bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh. Đến 8-9 giờ sáng hôm sau mang phấn hoa ra vườn chấm phấn vào nụ thì mãng cầu sẽ đậu quả. Hoặc có thể làm bằng cách khác đơn giản hơn là lắc bông mãng cầu cho nhụy và phấn rơi vào đáy hoa mãng cầu mới đậu quả nhưng hiệu quả không bằng biện pháp trên. Theo ông Võ Văn Phải, Giám đốc Hợp tác xã Mãng cầu xiêm Hòa Mỹ, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp - người có kinh nghiệm nhiều năm trồng mãng cầu xiêm Thái đơn tính thì để mãng cầu tự thụ phấn sẽ cho trái rất ít. Do vậy, muốn cây cho trái đạt năng suất và thu hoạch quanh năm thì phải tự tay thụ phấn cho cây. Chưa kể nếu thụ phấn xong mà gặp mưa thì năng suất bị giảm do phấn bị trôi bởi nước mưa.

Mô hình trồng mãng cầu xiêm Thái lưỡng tính đã được trồng nhiều và khẳng định hiệu quả từ nhiều năm nay ở tỉnh Tiền Giang. Được biết, sản lượng trái tăng dần theo tuổi thọ của cây. Khi được 5 năm tuổi, mỗi cây có thể cho 100kg trái/năm. Đặc biệt, nếu được ươm ghép trên gốc bình bát thì cây mãng cầu xiêm Thái lưỡng tính có thể thích ứng với điều kiện đất đai khô hạn, thủy triều lên xuống, ngập úng hay nhiễm phèn, mặn… Mãng cầu cũng có thể trồng chuyên canh hay tận dụng đất trống, lề mương, kết hợp trồng xen canh với một số cây ăn trái khác như cam, bưởi, chanh… để tăng thu nhập. Vì vậy, bà Nguyễn Thị Kiều đã tổ chức cho 30 nông dân đến tham quan mô hình tại tỉnh Tiền Giang trước khi triển khai mô hình. Tiếp đó, bà đã đến thu mẫu đất, nước tại 4 hộ được chọn tham gia mô hình để xét nghiệm đặc tính. Bà Kiều còn mang 1.000 cây mãng cầu xiêm từ Tiền Giang về trồng thử nghiệm trên 1ha đất đã được lên liếp của 4 hộ dân ở xã Hòa Mỹ (huyện Phụng Hiệp) và xã Vĩnh Viễn A (huyện Long Mỹ). Ngoài ra, các mô hình còn được hỗ trợ lắp hệ thống tưới phun. Hiện tại, cây trong mô hình đang sinh trưởng và phát triển tốt, bước đầu tạo niềm tin cho nông dân tham gia.

Ông Phùng Văn Rạng, ở xã Hòa Mỹ, chia sẻ: “Tôi tham quan mô hình trồng mãng cầu xiêm Thái lưỡng tính bên tỉnh bạn thấy rất hay. Nếu trồng mà khỏi thụ phấn thì đỡ tốn công rất nhiều. Thực hiện mô hình, tôi được hỗ trợ kỹ thuật, cây giống, phân bón, vật tư làm hệ thống tưới thấy rất bài bản. Hiện tại, cây đã trồng được 6 tháng tuổi và phát triển tốt”. Còn hộ ông Nguyễn Văn Sáu, ở ấp 7, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ thì mới lên liếp trồng lần đầu nhưng cũng rất khả quan. Ông Sáu cho hay: “Tôi được các kỹ sư tập huấn kỹ thuật, xới đất lên liếp, sử dụng chế phẩm phân hữu cơ để trồng cây. Hồi đó đến giờ đất này toàn cây tạp, làm ruộng cũng thất, nhưng giờ trồng mãng cầu được là dân ở đây rất mừng”.

Mặc dù cây mãng cầu không mới nhưng trồng theo phương pháp tiên tiến và giống lưỡng tính là rất khác nên chủ nhiệm dự án rất chú trọng. Bà Nguyễn Thị Kiều chia sẻ thêm: “Ngoài việc cho bà con đi tham quan mô hình, chúng tôi còn tổ chức được 4 lớp tập huấn kỹ thuật cho các hộ tham gia và bà con trong khu vực lân cận, cán bộ kỹ thuật địa phương. Bên cạnh đó, trung tâm đã xuất bản được 500 cuốn sổ tay “Kỹ thuật trồng và chăm sóc mãng cầu xiêm Thái lưỡng tính” phát cho bà con tham khảo. Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, chăm sóc cây phát triển tốt đến khi ra hoa, đậu trái để đánh giá hiệu quả mô hình. Hy vọng, mô hình sẽ góp phần đem về nguồn thu nhập lớn cho bà con, giúp nông dân canh tác nhẹ nhàng, giảm chi phí lao động trong khâu thụ phấn. Mong rằng, đây là cơ hội giúp người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng hiệu quả, bền vững, nông dân được tăng thu nhập, đặc biệt là đối với một số khu vực đất trũng, nhiễm phèn, mặn của tỉnh”.

Theo HỒNG ANH (Báo Hậu Giang)